THU HOẠCH ĐƯỢC GÌ TỪ NHỮNG THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG ĐƯỢC CÔNG BỐ Ở ESC 2022
Chương trình Hội nghị có rất nhiều nội dung, trong đó có 10 phiên Hot line công bố những thử nghiệm đáng chú ý có thể thay đổi thực hành lâm sàng (ảnh chụp tóm tắt tên các thử nghiệm của từng phiên).
Những thay đổi cân nhắc cho hiện tại:
1. Tăng huyết áp: Mình sẽ bớt phải lăn tăn chuyện kê thuốc điều trị tăng huyết áp vào thời điểm nào trong ngày (TIME trial), dù việc cá thể hoá điều trị vẫn cực kỳ quan trọng.
2. Bệnh mạch vành: Mình tự tin hơn với việc điều trị nội khoa cho những bệnh nhân bệnh mạch vành mạn, ngay cả có rối loạn chức năng thất trái (RIVIVED trial & ISCHEMIA-CKD Extend trial); nếu có điều kiện, mình ưu tiên kê thuốc ức chế P2Y12 hơn là Aspirin cho nhóm đối tượng này (PANTHER trial) và nếu cần gửi bệnh nhân đi can thiệp ĐM vành qua da, mình “thích” đi đường ĐM quay hơn là ĐM đùi (RTC trial). Với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp bị tổn thương nhiều nhánh ĐM vành, sau khi can thiệp thành công nhánh thủ phạm, với các tổn thương còn lại, chiến lược tái tạo mạch toàn bộ dưới hướng dẫn của FFR tốt hơn so với chỉ chụp mạch đơn thuần (FRAME-AMI trial).
3. Với bệnh nhân suy tim: khẩu hiệu giờ là có thể dùng thuốc ức chế SGLT2 ngay cả khi chưa có siêu âm hay các phương pháp chẩn đoán chức năng tim (đo LVEF) sau kết quả của DELIVER trial và các phân tích gộp liên quan. Tuy nhiên, mình lại ấn tượng hơn với những phản biện về “hot trend” này. Và có thể sắp tới bác sĩ tim mạch phải học lại cách dùng 1 thuốc lợi tiểu “yếu” như Acetazolamide để điều trị bệnh nhân suy tim sung huyết nhập viện (DAVOR trial).
4. Khác:
- Bệnh nhân tim mạch nên tiêm phòng cúm.
- Statin không phải là nguyên nhân gây các triệu chứng cơ cho người bệnh tim mạch.
- Kháng Vitamin K vẫn có chỗ đứng vững chắc so với NOACs trên đối tượng bệnh nhân rung nhĩ do bệnh van tim hậu thấp hay van tim nhân tạo cơ học (INVICTUS trial – tuy nhiên, khi xem phần thảo luận về nghiên cứu này thấy có khá nhiều vấn đề: nghiên cứu phải thay đổi tiêu chí đánh giá kết cục chính; 30 % BN chỉ bị hẹp van 2 lá nhẹ, thậm chí 18 % không có hẹp van 2 lá; tỷ lệ ngừng điều trị với rivaroxaban tới 23 % so với chỉ 6 % ở nhóm dùng kháng vitamin K, 65 % bệnh nhân dùng kháng vitamin K đạt TTR; nhóm dùng rivaroxaban có tỷ lệ tử vong cao hơn có ý nghĩa so với kháng Vitamin K?...)
- ARNI không làm giảm chức năng nhận thức ở BN suy tim EF giảm nhẹ và bảo tồn sau 3 năm (PERPECTIVE trial).
- Không dùng Allopurinol cho BN bệnh mạch vành (ALL-HEART trial).
- Với những bệnh nhân sau cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện, thay vì tập trung vào chiến lược Oxy hỗ trợ hay kiểm soát huyết áp (BOX trial), có lẽ các bác sĩ hồi sức/tim mạch nên tập trung kiểm soát các thông số sống còn và tổn thương các cơ quan.
VÀ TƯƠNG LAI…
1. Các thuốc mới:
- Nguyên 1 phiên HOT LINE 5 với các thuốc chống đông nhóm ức chế yếu tố XIa (Asudexian qua chùm nghiên cứu pha 2 PACIFIC-AF, AMI, Stroke; Milvexian với nghiên cứu pha AXIOMATIC-SSP trial); có lẽ, trong khoảng 5 năm tới, nếu các nghiên cứu pha 3 cho kết quả tích cực, sẽ là cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực điều trị chống huyết khối.
- Finerenone-1 thuốc kháng Aldosterone chọn lọc, không steroid được chứng minh làm giảm tử vong mọi nguyên nhân, tử vong tim mạch và đột tử do tim ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 kèm bệnh thận mạn (FIDELITY trial).
- Các thuốc ức chế PCSK9 như Evolocumab giúp cải thiện tiên lượng ở bệnh nhân có bệnh tim mạch do xơ vữa (FOURIER-OLE trial).
2. Polypill: Đã quen với việc kê thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn lipid máu trong những viên thuốc phối hợp cố định liều (SPC), có thể sắp tới việc kê những đơn thuốc combo cho bệnh nhân tim mạch như Aspirin+statin+ƯCMC+chẹn beta sẽ là thường quy trong thực hành lâm sàng (SECURE trial), tuy rằng việc tạo ra những polypill như vậy chắc cũng không đơn giản.
3. Trí tuệ nhân tạo (AI) và các thiết bị thông minh (smart devices) đang từng bước xâm nhập và tác động vào lĩnh vực y tế: phát hiện rung nhĩ (eBRAVE-AF trial), hẹp van ĐM chủ (AI-ENHANCED trial), đánh giá chức năng tim (EchoNet-RCT) hay phân tích đánh giá nguy cơ tim mạch, từ đó đưa ra quyết định và thời điểm can thiệp điều trị tối ưu…
Cre: BS Nguyễn Quân C9 Tim Mạch Bạch Mai