CÂU CHUYỆN TRUYỀN CẢM HỨNG
Về một bác sĩ nội trú ung thư
THA PHƯƠNG TUỔI 18 VÀ CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH BÁC SĨ
1. Rời xa quê hương
“Xa quê hương lúc tròn 18
Rời mẹ cha
Để sang xứ người trời tây
Bao ước mơ với nhiều hi vọng.”
Mỗi lần nghe bài hát này lại như nhìn thấy bản thân mình trong đó. Mười tám tuổi (có lẽ còn sớm hơn) đã phải xa miền quê nghèo khó vất vả, xa cha mẹ, xa người thân, mang theo ước mơ trở thành Bác sĩ. Còn nhớ hành trang ngày ấy là vài cuốn sách cũ, vài bộ quần áo cũ được đựng trong một chiếc rương tôn nhỏ.
Hồi Đại học, có khoảng thời gian thật sự khó khăn. Có những thời điểm trong túi chỉ còn đúng hai nghìn đồng, không đủ mua một mớ rau. Mỗi lần gọi điện về nhà xin tiền bố mẹ là một cực hình về tâm lý, vì mình biết lúc ấy bố mẹ còn đang suy nghĩ “nên mượn tiền ở đâu?”. Có thời gian ở cùng với em đồng hương khóa dưới, mình thì thiếu thốn đủ đường, bạn ấy thì có điều kiện hơn, được bố mẹ gửi từ quê ra khá nhiều đồ ăn ngon, không ăn hết và đổ vào… thùng rác. Tất nhiên là không mời mình. Đôi khi nghĩ, có lẽ bản thân mình chưa đủ tốt để người khác phải tử tế với mình.
Hồi đó mình cũng đi gia sư để kiếm thêm tiền. Vì qua trung tâm môi giới, nên mỗi buổi dạy chỉ được trả 70 – 100 nghìn tùy lớp. Nhưng có học sinh thì thi xong 2-3 tháng rồi mà vẫn chưa chịu trả học phí còn lại cho mình. 1 triệu 500 nghìn là số tiền lớn đối với cậu sinh viên lúc ấy. Phụ huynh học sinh ấy cũng là “thầy”, nhưng là “thầy bói”. Có học sinh thì phụ huynh mặc cả học phí với mình như đi chợ. Có một học sinh mình dạy lâu nhất được hơn 1 năm. Bố mẹ em ấy khá tử tế, luôn trả học phí đầy đủ và đúng hạn. Nhờ đó, số tiền kiếm được mình đã mua một chiếc laptop dùng cho đến tận bây giờ. Còn nhớ em học sinh ấy tên Nam Anh, hồi đấy học lớp 10, nhà ở khu tập thể Kim Liên. Sau này mình có tìm lại liên lạc để hỏi thăm và gửi lời cảm ơn nhưng không tìm được.
2. Khủng hoảng
Có nhiều đêm mất ngủ khi nghĩ về tương lai. Không hoang mang sao được khi mà trong một xã hội mà người ta luôn hỏi “đồng chí này là con đồng chí nào?”, thì cơ hội nào cho một kẻ “ba không” (không tiền, không quan hệ, không hậu duệ), với trí tuệ thì vừa phải như mình? Thậm chí dù tốt nghiệp Y Hà Nội nhưng mình biết sau khi tốt nghiệp Đại học thì cơ hội xin về bệnh viện tỉnh còn không có, chứ đừng nói đến các bệnh viện ở Hà Nội.
Một khe cửa hẹp duy nhất dành cho mình đó là học Nội trú. Hồi đó, học Nội trú vẫn được trợ cấp và chưa phải đóng học phí như bây giờ. Nhưng thi Nội trú thì có vẻ cạnh tranh hơn bây giờ, vì chỉ tiêu khá ít. Ung thư lại là một trong những chuyên ngành “hot”, nên sau khi một số lượng đáng kể đối thủ nặng ký bị loại vì không vượt qua được những điều kiện khắt khe như: điểm tổng kết phải trên 7.0, không được học lại, năm thứ 6 điểm chuyên ngành thi phải trên 7.0, v.v. thì tỷ lệ chọi vẫn là 1:5. Điều đó làm một sinh viên có học lực bình thường như mình thực sự lo lắng.
Còn nhớ, hồi đi ôn Toán để thi Nội trú, bạn bè mình thì đèo nhau trên những chiếc xe máy, còn mình thì vẫn cặm cụi với chiếc xe đạp cũ. Vất vả nhất là những ngày mưa gió, đến lớp với bộ quần áo ướt như chuột lột. Lúc ấy nghĩ thầm, bạn bè mình thông minh hơn, tài năng hơn, có xuất phát điểm tốt hơn, còn điểm xuất phát của mình là con số “0” tròn trĩnh. Vì vậy nếu họ cố gắng 1 thì mình phải cố gắng gấp 100 lần may ra mới đuổi kịp họ!
3. Vượt qua khó khăn
Thế rồi với sự may mắn, mình cũng đỗ Bác sĩ Nội trú. Nếu nói sau 3 năm học Nội trú sẽ trở thành Bác sĩ giỏi thì thật ra không đúng. Nội trú cũng chỉ là một đoạn đường ngắn trong một hành trình dài để trở thành một Bác sĩ theo đúng nghĩa của nó. Riêng đối với mình, Bác sĩ Nội trú là tấm vé duy nhất để nuôi hi vọng “đi tiếp” trong sự khắc nghiệt của nghề Y. Còn làm sao để trở thành “Bác sĩ giỏi” thì mình không dám nói, vì mình chưa hình dung được hình hài của nó và bản thân mình cũng chưa đủ giỏi để nói về điều đó.
Lách qua khe cửa hẹp, mình được nhận ở lại Bệnh viện sau khi tốt nghiệp.
4. Vấp ngã
Tự lập ở nơi đất khách quê người cũng không phải là điều dễ dàng. Khi không có sự nâng đỡ, sự động viên thì vấp ngã là điều không tránh khỏi, và mình cũng không phải ngoại lệ. Mỗi sai lầm đều phải trả giá, và có những cái giá quá đắt! Có những lúc mình thực sự bế tắc và tuyệt vọng, rất cần sự giúp đỡ của người khác để vượt qua. Thậm chí, mình chỉ cần có người lắng nghe và thấu hiểu đã là quá đủ. Nhưng… những người đưa tay ra giúp đỡ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn còn lại, ngay cả người thân hay bạn bè, chỉ buông những lời “sắc mỏng” sau lưng. Đôi khi, mình muốn quay về để tìm chút bình yên. Nhưng thay vì được an ủi thì lại nhận thêm những buồn phiền.
Rồi sau tất cả những vấp ngã, những đổ vỡ, những tuyệt vọng, dù có hay không sự giúp đỡ, thì mình vẫn phải tiếp tục đứng dậy và đi tiếp, với một đôi chân mạnh mẽ hơn! Nhờ cuộc đời đã nhiều lần khiến mình bầm dập mà mình mới có thể điềm tĩnh và mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Nghề Y ở Việt Nam lâu nay vẫn bạc như màu áo vậy. Đó là một nghề không nhận được sự tôn trọng xứng đáng với giá trị của nó. Sự thiếu tôn trọng một phần được thể hiện qua đồng lương rẻ mạt so với công sức học tập, sự vất vả và áp lực trong công việc hàng ngày. Ngoài đồng lương không đủ sống, thì nhân viên y tế phải mất rất nhiều thời gian và tâm sức để đối phó với một số bệnh nhân và người nhà giảo hoạt, với muôn ngàn quy định của Bảo hiểm, phải tự bảo vệ mình trước sự chèn ép, đố kỵ của đồng nghiệp. Thời gian và tâm sức ấy đáng ra nên được dành để cập nhật kiến thức, nâng cao tay nghề và cải thiện chất lượng khám chữa bệnh.
Đôi khi mình tự hỏi: tại sao mình lại phải vất vả để trở thành Bác sĩ? “Bác sĩ” từng trong trí tưởng tượng của cậu học sinh tuổi 18 là thế này sao?
Một lần nữa mình rơi vào khủng hoảng. Và mình lại ra đi để tìm câu trả lời…
5. Lại rời xa quê hương
Bước xuống sân bay Narita, Nhật Bản, từ một kẻ từng bị coi thường, bị ruồng bỏ bỗng như trở thành một người khác. Từ một người thường bị gọi bằng “nó”, “chúng nó”, “thằng”, “thằng bác sĩ” bỗng trở thành “sensei” – một danh từ xưng hô đầy kính trọng ở Nhật. Bệnh nhân luôn cúi đầu tôn trọng khi biết mình là Bác sĩ, và tất nhiên mình cũng cúi đầu đáp lại. Nhiều khi tự hỏi, vẫn cùng một con người ấy, tại sao lại được đối xử khác nhau đến vậy?
Khách quan mà nhìn nhận thì cũng là bệnh nhân, nhưng bệnh nhân ở Nhật được đối xử ân cần, chu đáo với chất lượng y tế tốt nhất có thể. Còn bệnh nhân ở Việt Nam mình, đôi khi cũng đáng trách đấy, nhưng thật sự rất đáng thương. Bác sĩ, cũng như bệnh nhân cũng đều là những nạn nhân cả… Mình phải làm gì để giúp chính mình, cũng như giúp bệnh nhân của mình? Đó là một câu hỏi thực sự khó!
6. Hi vọng…
Vượt qua những khó khăn ban đầu, mình cũng không ngờ là bản thân có thể nhanh chóng thích nghi được với một môi trường khắt khe, kỷ luật và nghiêm túc như nước Nhật. Có lẽ sự tự lập từ nhỏ đã giúp đôi chân của mình vững vàng hơn với chông gai trên đường đời.
Một năm ở Nhật có lẽ là khoảng thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời. Đó là khoảng thời gian quý giá để chữa lành những tổn thương, để suy nghĩ về “ngày hôm qua” và “ngày mai”. Đó là khoảng thời gian để mình nhận ra có thể ở Việt Nam mình là “kẻ lập dị” khi phải gồng mình lên để cố giữ sự thiện lương, ít nhất trong suy nghĩ. Nhưng ở một nơi nào đó trên thế giới, mình cũng là người “bình thường” như bao người khác. Và điều quan trọng nhất, đó là giúp mình tìm lại chính mình cùng với ước mơ đã từng đánh mất.
Năm 2022 khép lại với nhiều biến động nhưng cũng là một dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời.
Chào đón năm mới với những hi vọng, những dự định và sự thử thách bản thân trọng một lĩnh vực mới - viết blog - với sự ra đời của trang https://nhatkybacsiungthu.blogspot.com/. Đó là nơi chia sẻ những chuyện đời – chuyện nghề dưới góc nhìn của một bác sĩ ung thư, với mong muốn bác sĩ và bệnh nhân có thể hiểu nhau hơn và cùng nhìn về một hướng, thay vì nhìn về phía nhau như hiện nay. Mong rằng mình có đủ sự kiên nhẫn để theo đuổi con đường “không giống ai” này!
Tokyo, tháng 12/2022
PS: Bs Thành - NT Ung Thư K40