TÁC DỤNG PHỤ MỘT SỐ THUỐC ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Đăng vào ngày 2024-05-20 19:15:34 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Ths BSNT Nguyễn Huy Thông

Tác dụng phụ thường gặp của một số nhóm thuốc điều trị đái tháo đường

Ths BSNT Nguyễn Huy Thông

Ngày nay, đái tháo đường đã trở thành một trong những căn bệnh không lây của thế kỷ, gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng như trở thành gánh nặng của ngành y tế toàn cầu. Việc điều trị sớm và kiểm soát đường máu đạt mức mục tiêu là tiêu chí cơ bản hàng đầu trong điều trị bệnh nhân đái tháo đường, giúp giảm mức độ nặng cũng như kéo dài thời gian xuất hiện biến chứng cho bệnh nhân. Tuy nhiên trên thực tế, còn nhiều vấn đề trở ngại khiến bệnh nhân khó tuân thủ điều trị, và một trong số đó là các tác dụng phụ mà thuốc có thể gây ra. Vậy các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường có thể gây ra những tác dụng phụ nào và các biện pháp xử trí là gì?

1. Nhóm thuốc Biguanides:

Hiện nay, Metformin là thuốc duy nhất thuộc nhóm Biguanide còn được sử dụng với các biệt dược phổ biến như Siofor, Metsav, Glucophase, Glumetza, hoặc ở dạng kết hợp với nhóm thuốc khác như Gavusmet, Jannumet,…

Metformin có tác dụng hạ đường huyết theo cơ chế làm tăng hiệu quả của insulin tại mô đích và giảm lượng đường tạo ra từ gan. Với các ưu điểm gồm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, nguy cơ hạ đường huyết thấp, không gây tăng cân cũng như giá thành rẻ đến nay Metformin vẫn được chọn là thuốc đầu tay trong điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên thuốc vẫn có một số tác dụng thường gặp sau:

  • Rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Những triệu chứng này thường tự khỏi sau một đến vài tuần điều trị thuốc, khi cơ thể đã dung nạp tốt với thuốc. Cũng có thể khắc phục bằng một số biện pháp sau như bắt đầu điều trị bằng liều thấp, sau đó tăng dần liều đến ngưỡng đường huyết đạt mục tiêu điều trị cũng như không có tác dụng phụ này; uống thuốc vào trong hoặc sau bữa ăn hoặc dùng ở dạng phóng thích kéo dài như các biệt dược Fordia MR, Glucophase XR,…
  • Thiếu vitamin B12: Metformin làm giảm hấp thu vitamin B12 nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin B12, nhất là ở bệnh nhân đái tháo đường điều trị với Metformin dài ngày. Mặc dù tình trạng thiếu vitamin B12 này ít khi dẫn đến thiếu máu tuy nhiên có thể gây ra hoặc làm nặng hơn các triệu chứng rối loạn thần kinh ngoại biên như tê đầu ngón tay, chân; dị cảm, … Bệnh nhân cần được bổ sung vitamin B12, vitamin B tổng hợp dự phòng cũng như xét nghiệm kiểm tra B12 mỗi 2- 3 năm, đặc biệt ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ thiếu hoặc bệnh về thần kinh cao.
  • Nhiễm toan lactic: đây là tác dụng phụ hiếm gặp nhưng đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy thuốc được chống chỉ định trong các trường hợp suy thận, suy gan, suy tim nặng và thận trọng ở bệnh nhân nghiện rượu. Khuyến cáo tạm ngưng Metformin 24 giờ trước khi làm các thủ thuật, xét nghiệm có chứa thuốc cản quang, Iod. Bệnh nhân đang điều trị Metformin nếu xuất hiện các triệu chứng đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn, khó thở,.. cần cảnh giác và đến ngay cơ sở y tế để được khám, đánh giá.

2. Nhóm Sulfonylurea (SUs)

Nhóm thuốc SUs có tác dụng hạ đường huyết bằng cách kích thích tụy bài tiết insulin đồng thời làm tăng nhạy cảm insulin tại mô đích; bên cạnh đó lợi ích trong giảm các biến chứng trên mạch máu nhỏ ở bệnh nhân đái tháo đường cũng đã được chứng minh. Các hoạt chất được sử dụng rộng rãi như Gliclazide, Gliclazide MR, Glimepiride, …

Tuy nhiên vì tác dụng theo cơ chế kích thích tụy bài tiết insulin không phụ thuộc nồng độ glucose máu nên tác dụng phụ phổ biến của nhóm thuốc này là gây biến chứng hạ đường huyết, với các biểu hiện như đói, vã mồ hồi, run tay chân, lơ mơ, hôn mê thậm chí có thể dẫn đến tử vong; đặc biệt khi dùng các thuốc có thời gian bán hủy kéo dài và trên bệnh nhân mắc bệnh suy gan, suy thận, cao tuổi,…Để làm giảm nguy cơ này, cần dùng thuốc ở liều thấp tăng dần cho đến liều bằng ½ liều tối đa cho phép. Vì nhóm SUs dùng ở liều cao không làm tăng hiệu quả mà lại tăng tác dụng phụ; đồng thời giảm liều hoặc ngưng sử dụng thuốc ở bệnh nhân suy gan, suy thận. Bên cạnh đó, người bệnh cần ăn uống điều độ, không bỏ bữa; trong những ngày ốm, bệnh nhân chán ăn hoặc ăn ít hơn bình thường, cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn về cách thay đổi liều lượng hoặc tạm ngưng thuốc.

Ngoài ra thuốc còn gây tăng cân, một số trường hợp gây dị ứng da dạng mày đây hoặc tăng phản ứng quá mẫn với ánh sáng. Và hiệu lực của thuốc cũng giảm theo thời gian vì hiệu quả của thuốc phụ thuộc và chức năng tế bào beta đảo tụy.

3. Nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận Natri- Glucose 2 (SGLT- 2i)

Nhóm thuốc SGLT- 2i làm giảm lượng đường huyết bằng cách ức chế quá trình tái hấp thu glucose tại thận, làm tăng bài tiết glucose vào nước tiểu qua đó làm hạ glucose máu. Tuy giá thành cao nhưng thuốc có nhiều ưu điểm vượt trội, như ít nguy cơ hạ đường huyết, giảm cân, hạ huyết áp đồng thời đã được chứng minh có nhiều lợi ích trong việc cải thiện các biến cố tim mạch và thận ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Các thuốc Empagliflozin và Dapagliflozin đã được khuyến cáo điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường có mắc bệnh mạch vành, suy tim vì tác dụng giảm nguy cơ nhập viện vì suy tim cũng giảm nguy cơ tử vong do tim mạch nói chung.

Các biệt dược phổ biến của nhóm thuốc SGLT-2i tại nước ta hiện nay như Jardiance, Forxiga,…

Một số tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này là làm tăng tỉ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục; nhiễm toan ceton với mức đường huyết bình thường, rối loạn lipid máu và nguy cơ gây hạ huyết áp tư thế. Cần đánh giá chức năng thận, tình trạng hạ huyết áp tư thế, các thuốc điều trị kết hợp như lợi tiểu, thuốc ACEI, ARB; đồng thời giảm liều và thận trọng ở bệnh nhân lớn tuổi, suy gan, suy thận, tiền sử nhiễm trùng đường tiểu,…

Ngoài ra, tác dụng làm tăng nguy cơ gãy xương, loãng xương ở Canagliflozin đã được báo cáo. Dù chưa có khuyến cáo rõ ràng, nhưng Dapagliflozin không được khuyên dùng ở bệnh nhân mắc ung thư bàng quang vì liên quan đến nhiều trường hợp bệnh đã được báo cáo.

4. Nhóm thuốc ức chế men DPP4 ( DPP4-i)

Hiện nay các hoạt chất thuộc nhóm DPP4-i được sử dụng phổ biển ở Việt Nam gồm Sitagliptin, Vildagliptin, Linagliptin,… Thuốc có tác dụng hạ đường huyết theo cơ chế kích thích tiết insulin từ tụy, tuy nhiên ít nguy cơ hạ đường huyết hơn nhóm SUs do gây tăng nồng độ GLP1 đáp ứng với bữa ăn.

Một số tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc DPP4-i như nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, đau khớp, rối loạn chức năng gan, viêm tụy. Cần thận trọng khi chỉ định thuốc ở bệnh nhân có tiền sử viêm tụy và ngưng dùng khi bệnh nhân xuất hiện đau bụng dữ dội hoặc viêm tụy đã được chẩn đoán xác định.

5. Nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 ( GLP-1 RAs)

Thuốc hoạt động theo cơ chế kích thích tiết insulin và glucagon phụ thuộc nồng đồ glucose máu, đồng thời giảm thèm ăn và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, có tác dụng giảm cân và ít nguy cơ hạ đường huyết. Ngoài ra, Liraglutide (biệt dược là Victoza) còn có tác dụng làm tỉ lệ tử vong liên quan đến tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ tim mạch cao.

Tác dụng phụ thường gặp nhất của nhóm thuốc này là các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, nôn,… thường xuất hiện trong những lần đầu dùng thuốc; những tác dụng phụ này có thể tự khỏi khi cơ thể dung nạp dần với thuốc hoặc giảm đi khi hỗ trợ thêm các men vi sinh. Cân nhắc ngưng thuốc ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Các tác dụng phụ hiếm gặp khác nhưng nghiêm trọng đó là nguy cơ viêm tụy,  ung thư tụy và ung thư giáp dạng tủy do tác dụng hiệp đồng với các cơ quan có thụ thể GLP1, cần hạn chế chỉ định thuốc ở bệnh nhân có tiền sử viêm tụy hoặc  có tiền sử cá nhân, gia đình ung thư tụy, ung thư giáp dạng tủy hoặc đa u tuyến nội tiết.

6. Insulin

Insulin là thuốc các tác dụng hạ đường huyết ở dạng tiêm, được chỉ định ở bệnh nhân đái tháo đường typ1, đái tháo đường thai kỳ, đái tháo đường type 2 chưa kiểm soát với thuốc viên,…

Insulin được phân thành nhiều nhóm chủ yếu dựa vào thời gian tác dụng, là thuốc có tác dụng hạ đường huyết mạnh nhất và không giới hạn mức HbA1c giảm được. Vì vậy tác dụng phụ thường gặp và cần chú ý nhất khi chỉ định thuốc đó là nguy cơ hạ đường huyết cao. Bệnh nhân được chỉ định tiêm insulin cần ăn uống đủ bữa, điều độ cũng như điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận để tránh nguy cơ hạ đường huyết. Bên cạnh đó thuốc còn có thể gây tăng cân, dị ứng insulin, loạn dưỡng mô mỡ vùng tiêm làm teo hoặc phì đại mô mỡ vùng tiêm, bệnh nhân cần được hướng dẫn thay đổi vùng tiêm để hạn chế loạn dưỡng mô mỡ tại vị trí tiêm.

Hiện nay có nhiều nhóm thuốc với cả dạng viên uống và dạng tiêm được sử dụng rộng rãi trong điều trị đái tháo đường. Việc lựa chọn thuốc điều trị cần phải cá nhân hóa cụ thể từng bệnh nhân, không những dựa trển hiệu quả giảm glucose máu mà còn trên các lợi ích thận, tim mạch nói chung đồng thời là những thuốc không có hoặc có ít tác dụng phụ cũng như chi phí hợp lí để bệnh nhân có thể tuân thủ điều trị lâu dài.

Tài liệu tham khảo:

  1. International Diabetes Federation, IDF Diabetes Atlas 9th edition, 2019.
  2. American Diabetes Association 2021
  3. Wiley Blackwell, Textbook of Diabetes 5thedition
  4. A. Chaudhury, Ch. Duvoor, V. Dendi, Clinical Review of Antidiabetic Drugs: Implications for Type 2 Diabetes Mellitus Management, Front Endocrinol (Lausanne) (2017) 8:6

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay