Suy Thượng Thận Do Thuốc

Đăng vào ngày 2024-11-30 13:50:46 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Bệnh viện Bạch Mai

Suy thượng thận do thuốc Corticoid là bệnh khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân thường do lạm dụng các thuốc Corticoid (như Prednisolone, Medrol, Dexamethasone...) để chữa các bệnh như dị ứng, viêm mũi xoang, thoái hóa khớp… 

Vậy bệnh nhân mắc suy thượng thận do thuốc Corticoid có thể chữa khỏi không và nên đi khám ở đâu? TS.BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giải đáp những câu hỏi này.

PV: Thưa bác sĩ, bệnh nhân suy thượng thận do thuốc nên đi khám lại như thế nào?

TS.BS. Nguyễn Quang Bảy: Một số ít bệnh nhân (BN) dùng corticoid liều thấp và trong thời gian ngắn, ví dụ dưới 1 tháng, nhất là dưới 2 tuần thì thường chỉ bị suy thượng thận nhẹ, tạm thời và có thể hồi phục sau 1-2 tháng. Tuy nhiên đại đa số các BN chỉ được chẩn đoán suy thượng thận sau một thời gian dài nhiều tháng, nhiều năm dùng corticoid liều cao. Khi đó tuyến thượng thận 2 bên đã bị teo và phải mất thời gian cũng có thể là vài tháng, hoặc cả năm thì tuyến thượng thận mới có thể sản xuất Corticoid (nội sinh) như bình thường. Thậm chí có người bị suy thượng thận vĩnh viễn, không có khả năng hồi phục và phải dùng thuốc Hydrocortisone thay thế suốt đời. Những trường hợp này, BN có thể đi khám lại sau 2-3 tháng để được làm một số xét nghiệm đánh giá liệu chức năng tuyến thượng thận đã hồi phục phần nào chưa.

Họ không nên đi khám liên tục hàng tuần hoặc mỗi 2-3 tuần vì chỉ tốn tiền và có khi lại mua thêm sự lo lắng. Có những người đi làm xét nghiệm thấy Cortisol máu là 12 nmol/L (bình thường khoảng 120 - 500) trong khi tuần trước là 20 nmol/L thì rất buồn vì có vẻ chức năng tuyến thượng thận của mình lại tồi hơn sau một thời gian điều trị. Điều này là không đúng vì nồng độ cortisol trong máu sẽ dao động liên tục và nếu ở mức < 50 nmol/L nghĩa là vẫn bị suy thượng thận.


 

Một điều nữa cần lưu ý là thuốc Synacthen (ACTH tổng hợp) không có chỉ định cho điều trị suy tuyến thượng thận, mà chỉ nên dùng để làm test chẩn đoán suy thượng thận và đánh giá chức năng tuyến thượng thận đã phục hồi hoàn toàn hay chưa để quyết định ngừng điều trị hydrocortisone.

PV: Vậy bệnh suy tuyến thượng thận có thể chữa khỏi được không, thưa bác sĩ?

TS.BS. Nguyễn Quang Bảy: Có thể khỏi được nhưng sẽ tùy từng BN mà thời gian hồi phục sẽ rất khác nhau. Bình thường hoạt động của tuyến thượng thận được điều hòa bởi tuyến yên, tuyến yên tiết ra hormon ACTH kích thích tuyến thượng thận tăng sản xuất Cortisol, và khi nồng độ Cortisol trong máu cao sẽ phát tín hiệu lên tuyến yên để tuyến yên biết và giảm tiết ACTH, và hoạt động của tuyến thượng thận sẽ được giảm xuống. Ngược lại khi nồng độ cortisol máu giảm hoặc khi cơ thể cần nhiều cortisol (như khi bị ốm, sốt hay stress...) thì tuyến yên sẽ tiết ra nhiều ACTH hơn để kích thích tuyến thượng thận hoạt động mạnh hơn, tăng tiết cortisol để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Khi sử dụng quá nhiều thuốc glucocorticoid thì nồng độ corticoid ngoại sinh từ bên ngoài đưa vào (có cấu trúc tương đối giống với Cortisol) tăng cao trong máu sẽ phát tín hiệu (thực chất là ức chế) để tuyến yên không tiết ra hormon ACTH nữa, hậu quả là tuyến thượng thận sẽ không hoạt động. Nếu tình trạng này kéo dài thì tuyến thượng thận sẽ bị teo, và khi cơ thể cần nó sẽ không thể tiết ra Cortisol được nữa. Khi đó cơ thể sẽ rơi vào tình trạng suy thượng thận.

Lưu ý là lạm dụng thuốc corticoid có thể gây suy thượng thận rất sớm, chỉ sau 2 tuần dùng thuốc, và nguy cơ gây suy thượng thận nặng nếu dùng thuốc liều cao, dùng đường tiêm, dùng nhiều lần trong ngày, dùng liên tục trong thời gian dài, dùng các thuốc tác dụng mạnh như Dexamethasone (rất hay có trong các thuốc đông y trá hình)... Quá trình này giống như một người tự nhiên được cho rất nhiều tiền thì sẽ sinh thói quen lười biếng, ngủ nhiều, và mất khả năng lao động khi cần. Những người này, nếu bị nhiễm khuẩn, thì rất dễ bị shock và trụy tim mạch rồi tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Điều trị suy thượng thận do thuốc giống như quá trình cai nghiện thuốc phiện. Đầu tiên cần ngừng ngay các thuốc corticoid đang dùng và đổi sang loại thuốc nhẹ nhất, ít gây ức chế tuyến yên nhất là Hydrocortisone với liều vừa đủ cho cơ thể cần. Đồng thời phải điều trị các bệnh lý đi kèm, bệnh lý là nguyên nhân khiến người ta tìm đến Corticoid như đau khớp, dị ứng... Tuy nhiên do tuyến thượng thận có thể đã bị teo nên thời gian đánh thức và phục hồi chức năng sẽ mất nhiều thời gian, cũng như người đang quen sung sướng và không phải làm gì mà bây giờ bị bắt đi lao động nặng lại vậy. Những người bị suy nhẹ có thể hồi phục sau 6-12 tháng, suy nặng cần 2-3 năm, nhưng cũng có những người bị suy thượng thận vĩnh viễn.

Lưu ý suy tuyến thượng thận là bệnh nội tiết, không phải là bệnh thận, nên người bệnh cần được khám và điều trị tại chuyên khoa Nội tiết.

PV: Thưa bác sĩ, những bệnh nhân nào nên đến khám tại chuyên khoa Nội tiết và Đái tháo đường ạ?

TS.BS. Nguyễn Quang Bảy: Khi giảng sinh viên mình vẫn nói là Bác sỹ Nội tiết (Endocrinologist) chuyên chữa các bệnh béo quá, gày quá, ăn nhiều quá, uống nhiều quá, đái nhiều quá, cao quá, lùn quá, xấu quá... và chỉ có mỗi “bệnh” xinh quá là không nhận chữa mà thôi. Cụ thể, các bác sỹ Nội tiết chúng tôi chịu trách nhiệm khám và điều trị các bệnh sau:

1- Đái tháo đường và Đái tháo đường thai kỳ

2- Hạ đường huyết

3- Hội chứng chuyển hóa, béo phì, rối loạn lipid máu

4- Đái tháo nhạt, đái nhiều

5- Bệnh tuyến giáp

- Basedow, Bướu cổ đơn thuần

- Suy giáp

- Viêm tuyến giáp bán cấp, mạn tính, viêm tuyến giáp sau đẻ…

- Bướu nhân tuyến giáp,

- Ung thư tuyến giáp (chẩn đoán trước mổ và theo dõi sau mổ)

- Can thiệp đốt, tiêm cồn u tuyến giáp, nang tuyến giáp

6- Bệnh tuyến thượng thận

- Các loại u tuyến thượng thận

- Hội chứng Cushing

- Suy thượng thận, bao gồm suy thượng thận do dùng Corticoid

7- Bệnh tuyến yên

- U tuyến yên

- To đầu chi

- Suy tuyến yên: Hội chứng Sheehan, sau phẫu thuật tuyến yên, tự miễn…

8. Bệnh tuyến cận giáp: cường cận giáp, suy cận giáp, tăng calci máu, hạ calci máu

9. Các bệnh tuyến sinh dục: Mãn kinh, chứng rậm lông và nam hóa, vú to nam giới, suy sinh dục, tăng prolactin máu, một số bệnh gây vô sinh

10. Loãng xương, gút

11. Rối loạn điện giải: tăng hoặc giảm Natri, Kali, Magne

12. Và nhiều bệnh lý nội tiết khác…

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay