1. POLYP ĐẠI TRÀNG LÀ GÌ?
Polyp là sự phát triển mô bất thường từ lớp niêm mạc đại tràng. Polyp có thể hình thành đơn độc hoặc có rất nhiều polyp hình thành dọc theo đại tràng. Bản thân polyp là bất thường nhưng polyp biểu mô tuyến ống và nhung mao có thể phát triển thành khối ung thư.
Hầu hết các trường hợp polyp không có triệu chứng lâm sàng mà chỉ được phát hiện tình cờ qua X-quang hoặc nội soi đại tràng.
Polyp biểu mô tuyến là dạng polyp có khả năng chuyển thành ung thư. Polyp tuyến được phân loại theo đặc điểm mô học: u tuyến ống, u tuyến nhung mao hoặc u tuyến ống nhung mao.
Polyp biểu mô tuyến chuyển thành ung thư thường không có cuống, nguy cơ cao liên quan đến kích thước, dạng mô bệnh học và mức độ loạn sản. Nếu đường kính u tuyến ống nhỏ hơn 1.5cm, nguy cơ ung thư dưới 2%; đường kính lớn hơn 2.5cm, nguy cơ ung thư trên 10%. Ở u tuyến nhung mao, đường kính lớn hơn 2cm, nguy cơ ung thư lên đến 30%.
U tuyến dạng răng cưa thường có kích thước nhỏ, hiếm khi lớn hơn 5mm. Nó có thể phát triển thành ung thư tùy vào vị trí xuất hiện và kích thước.
Các dạng polyp khác không ác tính như: polyp tăng sản, polyp thanh thiếu niên, giả polyp, u mỡ, u cơ trơn... nếu không gây ra triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng thì không yêu cầu điều trị.
Khi polyp là dạng đa polyp (có rất nhiều polyp dọc theo đại tràng hoặc có nhiều loại polyp) thì nguy cơ phát triển ung thư sẽ tăng lên. Nhiều trường hợp có thể được chỉ định cắt toàn bộ đại tràng dự phòng hoặc cắt một phần đại tràng.
2. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC CẮT POLYP LÀ GÌ?
Cắt polyp giúp ngăn ngừa nguy cơ ung thư đại tràng
Bác sĩ sẽ căn cứ vào loại, số lượng và kích thước polyp đại tràng để chỉ định có cắt polyp hay không.
Nhiều khối u ở đại tràng phát triển như một khối u lành tính trước khi trở thành ác tính (ung thư). Vì vậy, cắt polyp giúp ngăn chặn nguy cơ chuyển thành ung thư, đặc biệt là ở nhóm polyp tuyến ống và nhung mao.
Một số polyp lớn có thể gây ra chảy máu, đau bụng hoặc một số vấn đề khác ở đại trực tràng. Cắt polyp cũng sẽ giúp làm giảm các triệu chứng này.
Nội soi thường đi kèm với sinh thiết, mẫu mô sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm giải phẫu bệnh để kiểm tra xem nó có phải là ung thư, tiền ung thư hay lành tính. Từ đó có kế hoạch theo dõi định kỳ bằng nội soi 2-3 năm 1 lần.
3. CÁCH THỰC HIỆN CẮT POLYP
Nếu bác sĩ phát hiện ra polyp trong quá trình nội soi đại tràng, họ thường sẽ thực hiện cắt polyp cùng lúc.
Có một số cách để cắt polyp phụ thuộc vào loại và kích thước polyp trong đại tràng. Đối với polyp nhỏ (đường kính dưới 5mm), có thể dùng kẹp sinh thiết để cắt. Các polyp lớn hơn có thể được loại bỏ bằng một sợi dây mỏng vòng quanh đáy của polyp và sử dụng nhiệt để đốt.
Một số polyp có vị trí, kích thước hoặc cấu hình lớn, gây khó khăn về mặt kỹ thuật hoặc có khả năng làm tăng nguy cơ biến chứng. Trong trường hợp này, có thể sử dụng kỹ thuật cắt hớt niêm mạc (EMR) hoặc cắt tách hạ niêm mạc (ESD) qua nội soi.
Trong EMR, polyp được nâng ra khỏi mô bên dưới bằng cách tiêm chất lỏng trước khi tiến hành cắt bỏ. Polyp được cắt bỏ từng mảnh nhỏ và cầm máu ngay sau đó. Trong ESD, chất lỏng được tiêm vào sâu trong tổn thương và polyp được cắt bỏ trong một lần.
Đối với một số polyp phức tạp hơn hoặc nằm ở vị trí không thể cắt bỏ nội soi thì cần phẫu thuật đại tràng.
4. TRƯỚC KHI NỘI SOI CẮT POLYP CẦN CHUẨN BỊ GÌ?
Trước đó vài ngày, bạn nên ăn thức ăn nhẹ, tránh thức ăn có nhiều chất xơ, dầu mỡ, ngũ cốc và trái cây có nhiều hạt như: dưa hấu, thanh long, ổi…
Trước khi thực hiện nội soi cắt polyp, bạn sẽ phải uống thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ để làm sạch ruột. Nếu bạn có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê, hãy thông báo với bác sĩ.
Thời gian thực hiện cắt polyp thường chỉ mất từ 20 phút đến 1 giờ, tùy thuộc vào số lượng và can thiệp khác.
5. MẤT BAO LÂU ĐỂ PHỤC HỒI?
Cắt polyp không gây nhiều khó chịu và quá trình phục hồi nhanh chóng. Một số phản ứng như đầy hơi, chướng bụng và đau bụng thường hết trong 24 giờ. Bạn sẽ hồi phục hoàn toàn trong hai tuần sau đó.
Trong thời gian này, bạn nên tránh một số thức ăn và đồ uống có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa như: trà, cà phê, nước ngọt, rượu bia, thực phẩm chua và cay.
Trong vòng 1 năm sau khi cắt polyp, bạn cần nội soi lại để kiểm tra hiệu quả điều trị và xem có phát triển thêm polyp ở những vị trí khác hay không.
6. CẮT POLYP CÓ BIẾN CHỨNG KHÔNG?
Nhìn chung, cắt polyp an toàn và hiếm khi có rủi ro xảy ra. Những biến chứng hiếm khi gặp là chảy máu và thủng đại tràng. Đây là các tình trạng cần được phát hiện và xử lý sớm. Hãy tái khám nếu bạn gặp các triệu chứng sau:
- Sốt hoặc lạnh run
- Đi tiêu ra máu
- Đau bụng dữ dội
- Nôn mửa
- Nhịp tim không đều