CƠ XƯƠNG KHỚP: TIẾNG KÊU RẮC RẮC KHI BẺ KHỚP

Đăng vào ngày 2022-11-04 06:12:25 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Tiếng kêu “rắc rắc” khi bẻ khớp là gì và có gây nguy hiểm không ?

 

1. Tiếng kêu “rắc rắc” là gì ?

Trái với lầm tưởng của nhiều người là do xương di chuyển hoặc va vào nhau tạo tiếng kêu.

 

Tiếng kêu “rắc rắc” chúng ta thường nghe thấy thật ra là do các bọt khí vỡ ra trong chất lỏng hoạt dịch của vùng khớp.

 

2. Nguy hiểm nếu tự bẻ khớp tại các cơ sở không được cấp phép 

 

Gần đây, trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều video bẻ, nắn khớp và cột sống với âm thanh “rắc rắc” nghe vui tai được lồng ghép gây kích thích tò mò, thu hút cho người xem, theo hiệu ứng đám đông.

 

Việc bẻ khớp này có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho khớp & cột sống như liệt tứ chi do tổn thương tủy sống.

 

Đặc biệt, tại vùng cột sống cổ, ngực thắt lưng - nơi nhiều dây thần kinh chi phối toàn bộ vận động cơ thể và các cơ quan quan trọng có thể gây tổn thương chèn ép tủy, liệt tứ chi, đột quỵ, rối loạn cơ vòng (gây đại tiểu tiện không tự chủ), thậm chí gây tử vong.

 

Tiếng kêu “rắc rắc” gây thích thú thực ra chỉ là một trải nghiệm tâm lý, không có ý nghĩa xét về mặt hiệu quả điều trị.

 

Trên thực tế, các bác sĩ chuyên khoa cột sống bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu & phục hồi chức năng thực hiện thao tác nắn chỉnh có thể không tạo ra âm thanh nhưng không có nghĩa là việc nắn chỉnh không hiệu quả.

 

Tuy nhiên, nếu người thực hiện cố gắng xoay vặn, thực hiện các động tác không đúng kỹ thuật để tạo ra âm thanh rắc rắc sẽ mang đến nhiều hậu quả đáng ngại như:

 

✅ Gây tổn thương khớp:

 

Khi bẻ khớp không đúng cách hoặc lực quá mạnh & đột ngột, chúng ta sẽ bị giãn dây chằng bao quanh vùng khớp, đặc biệt vùng khớp cổ.

 

Điều này có thể dẫn tới dây chằng bị kéo căng và tổn thương vĩnh viễn.

 

Và có thể dẫn tới các bệnh thoái hóa khớp sớm, tổn thương sụn khớp, dây chằng, mạch máu tại khớp.

 

✅ Hội chứng cột sống và hội chứng rễ - thần kinh:

 

+ Tác động lực mạnh và sai tư thế hoặc cố xoay vặn cột sống để tạo ra âm thanh có thể gây ra các sai lệch trên cột sống, đặc biệt nguy hiểm những trường hợp bệnh nhân đã có trượt đốt sống, hở eo cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống.

 

+ Một số trường hợp gây chèn ép lên rễ thần kinh gây đau, tê bì lan dọc xuống vùng tay và chân.

 

+ Với bệnh nhân là phụ nữ và người trung tuổi trở lên, hay gặp mật độ xương giảm, có thưa xương & loãng xương cột sống, việc tác động cột sống đột ngột & không kiểm soát lực sẽ dẫn tới tổn thương xẹp đốt sống, dẫn tới đau tăng và tăng chèn ép rễ thần kinh.

 

✅ Chèn ép tủy sống:

 

Tự xoay, vặn, bẻ cột sống cổ có thể gây sai lệch, biến dạng đốt sống và đĩa đệm gây chèn ép tủy sống.

 

+ Chèn ép tủy: Các triệu chứng thường gặp là: đau, tê vùng cổ, lưng lan xuống cánh tay một hoặc hai bên.

 

+ Trường hợp chèn ép nặng có thể gây liệt cấp tứ chi, sốc tủy gây rối loạn hô hấp và tuần hoàn, nguy hiểm đến tính mạng.

 

✅ Tác động mạnh vùng cột sống cổ sẽ tác động trực tiếp vào các động mạch vùng cổ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ não.

 

3. Khuyến cáo dành cho người bệnh 

 

- Việc duy trì thói quen tự bẻ khớp hoặc thực hiện xoay, bẻ khớp tại các cơ sở mát xa, phòng khám chui không được cấp phép, người thực hiện kỹ thuật không được đào tạo chuyên ngành chính quy, không được cấp phép chứng chỉ hành nghề có thể khiến khớp bị tổn thương, dần dần phát triển thành thoái hóa, viêm khớp hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống.

 

- Việc thực hiện liệu pháp nắn chỉnh xương, cột sống cần tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy tắc an toàn, thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản tại các trường đào tạo được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên đoàn thần kinh cột sống thế giới (WFC) công nhận.

 

- Tại các Bệnh viện có chuyên khoa điều trị thần kinh cột sống (nội thần kinh, ngoại thần kinh, phẫu thuật cột sống), Khoa vật lý trị liệu- phục hồi chức năng, trước khi bắt đầu nắn chỉnh trị liệu thần kinh cột sống, các bác sĩ cần tiến hành kiểm tra cụ thể tình trạng của bệnh nhân, kết hợp triệu chứng lâm sàng và film chụp X-quang và film cộng hưởng từ MRI cột sống để nắm bắt chính xác tình trạng của bệnh nhân, gồm:

 

+ Chẩn đoán xác định bệnh.

 

+ Chẩn đoán mức độ bệnh và giai đoạn bệnh.

 

+ Tiên lượng bệnh.

 

+ Hướng điều trị.

 

+ Điều trị cụ thể trên từng bệnh nhân.

 

Hai bệnh nhân mắc cùng 1 bệnh nhưng phương pháp điều trị có thể khác nhau.

 

Vì bác sĩ sẽ xem xét các bệnh lý kết hợp và các yếu tố cụ thể trên từng người bệnh như mức độ, giai đoạn bệnh mà lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu.

 

Với các bác sĩ được đào tạo chính quy, chúng tôi đều chung quan điểm: Điều trị người bệnh cụ thể, chứ không phải điều trị bệnh.

 

Tác giả bài viết: BSCKI. Chu Điển (Doctor Chu) - Tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa I ngành Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng tại Học viện Quân y & Viện nghiên cứu y dược học lâm sàng 108 (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

 

Nguồn : CHĂM SÓC SỨC KHOẺ GIA ĐÌNH CÙNG BÁC SĨ 

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay