CÂU CHUYỆN NGHỀ Y: Sự Cô Đơn Đằng Sau Người Bác Sỹ

Đăng vào ngày 2022-05-03 19:43:42 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Câu Chuyện Nghề Y

#HMUcfs5885

SỰ CÔ ĐƠN ĐẰNG SAU ĐỜI NGƯỜI BÁC SỸ
Những năm tháng miệt mài đèn sách của thời phổ thông, với sự chăm chỉ và nỗ lực, đã đưa tôi đến cánh cổng HMU. Trải qua khoảng thời gian đằng đẵng mài đũng quần trên giảng đường, trên hành lang bệnh viện; vượt qua những đêm trực dài mà chỉ ao ước có thể chợp mắt trong giây lát; bước qua hàng trăm kỳ thi mà đôi khi tôi có cảm giác phải dùng thêm Betaloc... cuối cùng tôi cũng bước qua cánh cổng HMU. 
Những ngày tháng ôn thi Nội trú là những kỷ niệm khó quên trong tôi. Kỳ thi ấy sẽ đưa tôi đến ngã ba đường: hoặc sẽ tiếp tục ở lại HMU, ở lại nơi thân thuộc và được bao bọc của thầy cô thêm vài năm nữa, với cơ hội việc làm tốt hơn sau tốt nghiệp; hoặc sẽ bước vào đời với tấm bằng Bác sỹ đa khoa tại thời điểm mà kê đơn thuốc còn chưa thành thạo. Bằng hy vọng, sự chăm chỉ, và may mắn, tôi cũng vượt qua cửa ải ấy để đến với bệnh viện. 
Thời gian học Nội trú giúp tôi trưởng thành hơn, chín chắn hơn và điềm đạm hơn. Người thầy lớn nhất của tôi lúc ấy chính là bệnh nhân. Có bệnh nhân dạy tôi về chuyên môn. Có bệnh nhân dạy tôi cách kiềm chế cơn nóng giận. Có bệnh nhân dạy tôi về sự vô thường của cuộc sống. Có bệnh nhân dạy tôi về sự nghiệt ngã, sự phức tạp của xã hội... Học phí cho những bài học ấy là những đêm mất ngủ, những nếp nhăn trên trán, những giọt nước mắt và đôi khi là máu. 
CHÍN NĂM dưới mái trường HMU đã thay đổi cuộc đời tôi, nhưng cũng lấy đi của tôi nhiều thứ. Một trong số ấy là bạn bè. Khi tôi dành quá nhiều thời gian trên giảng đường, hết kỳ thi này đến kỳ thi khác, thì cũng là lúc những người bạn đã từng thân thiết lần lượt rời xa. Cho đến khi cuộc sống bế tắc, tôi nhìn lại mới chợt nhận ra: chỉ còn mình tôi cô đơn đối diện với nghịch cảnh. 
Cuối cùng tôi cũng làm được điều mà chính bản thân mình cũng như bao nhiêu sinh viên trường y khác mong muốn, đó là trở thành một bác sỹ phẫu thuật ở bệnh viện Trung ương. Cứ nghĩ rằng như thế là đã mãn nguyện với tôi khi tôi có thể tự nuôi sống chính mình mà không cần bố mẹ chu cấp. Nhưng không! Môi trường bệnh viện phức tạp hơn những gì tôi tưởng tượng và tôi chưa từng được học để chuẩn bị đối mặt với những điều đó. 
Nghề Y nó bạc hơn những gì tôi nghĩ. Hơn 30 tuổi, có ai nghĩ rằng tôi đã từng có ý định chuyển việc, thậm chí nghỉ việc. Hàng ngày trong tôi là sự giằng xé giữa lương tâm và lợi ích. Chỉ có đức tin mới giúp tôi không vì đồng tiền mà bán mất chính mình. Tôi cố gắng để mỗi bệnh nhân khi đến với tôi là duyên lành của họ thành vì là điều bất hạnh. Nhưng thỉnh thoảng, sẽ có những bệnh nhân hoặc người nhà “vỗ” vào tim tôi và thách thức sự kiên nhẫn của chính tôi. Thực sự, lúc ấy tôi tự hỏi, liệu những người ấy có xứng đáng để nhận được sự tử tế, thứ mà tôi đã phải rất cố gắng để dành cho họ? Cứ mỗi lần như vậy, nhiệt huyết trong tôi lại giảm đi phần nào.
Tuy nhiên, bệnh nhân không phải là điều khiến tôi mệt mỏi. Đồng nghiệp, những người cùng khoác trên mình chiếc áo Blouse như tôi, lại chính là những người khiến tôi buồn phiền nhất. Bác sỹ có bận không? Bận, nhưng không đến nổi không có thời gian rãnh. Thời gian rãnh ấy, tôi nghĩ nên đọc sách để nâng cao chuyên môn, để cập nhật kiến thức hoặc dành để tư vấn cho bệnh nhân, để chăm sóc họ, để an ủi họ trong cơn đau của bệnh tật. Thay vì dành thời gian ấy để nói xấu người này, chê bai người kia, suy tính mưu mô, đâm sau lưng, thậm chí đâm trước mặt...  Thu nhập đối với tôi là đủ sống, tôi không đòi hỏi gì hơn. Tôi thỉnh thoảng làm thêm ở bệnh viện tư hoặc phòng khám vào cuối tuần để có thể sống thoải mái hơn, và quan trọng hơn để tôi mở mang đầu óc và giải tỏa áp lực cho chính tôi. Ở khoa tôi có những người sinh ra ở vạch đích, tốt nghiệp Đại học đã có vị trí trong bệnh viện, bố mẹ giàu có, hơn 30 tuổi đã có nhà có xe, có vợ đẹp con khôn, nhưng tôi không thể hiểu tại sao họ thay vì là Medical Doctor thì lại là “make money”? 
Trong mỗi ca mổ, tôi cố gắng chăm chút từng đường dao điện, từng mũi khâu. Mỗi bệnh nhân đối với tôi là một con người, họ cũng là bố mẹ như bố mẹ tôi và họ cũng là con cái như tôi. Mỗi một sự cẩu thả trong phẫu thuật thì bệnh nhân đều sẽ phải trả giá. Khi biến chứng xảy ra, đôi khi không phải lỗi của bác sỹ mổ, thì đó là lúc chúng tôi nhận ra, chưa bao giờ chúng tôi cô đơn và bất lực đến thế! Nhưng tôi cũng xót xa thay cho bệnh nhân khi thấy có người không một chút mảy may động lòng trắc ẩn khi bệnh nhân của mình phẫu thuật có biến chứng, thậm chí tử vong, dù bất kể nguyên nhân là gì. 
Mỗi ngày đi làm tôi không tìm thấy hạnh phúc trong công việc mà nhiều người xem là “cao quý”. Mỗi ngày, tôi tự hỏi mình, tôi đang sống vì điều gì? Mỗi buổi sáng thức dậy đi làm khi mặt trời còn chưa mọc, và buổi tối trở về khi mặt trời đã lặn với thân xác rã rời sau những ca mổ kéo dài. Gặm nhấm những điều phiền muộn, những trăn trở, suy tư trong bốn bức tường, tôi tự hỏi cuộc sống ấy là tôi đang sống hay đang tồn tại? Tôi nên buông mình xuôi theo dòng chảy cho nhẹ nhỏm hay gồng mình lội ngược dòng để giữ mình? Nhìn bạn bè cùng khóa Đại học, những người tốt nghiệp Đại học bằng Giỏi, học Nội trú, rồi cũng làm ở Bệnh viện Trung ương, cũng tiều tụy làm tôi cảm thấy xót xa...
Rồi ngày mai tôi sẽ đi! Đi để tìm lại chính mình, đi để tìm lại ý nghĩa của cuộc sống, để tìm cho mình một con đường và để giữ lại nhân tâm của mình trong dòng thác của cuộc sống.
#adN_G_U

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay