CÂU CHUYỆN
ĐỨA TRẺ CÓ BỐ LÀ BÁC SĨ GIỎI
Một bài viết rất dài và những câu chuyện thực của tác giả để các bạn có những góc nhìn.
“Mình được sinh ra trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là bác sĩ. Bố mẹ mình học cùng một lớp ở ĐH Y Hà Nội vào cuối những năm 1970, rồi yêu và lấy nhau.
Bố mình nhiều năm là bác sĩ, rồi phó khoa, rồi phụ trách khoa Hồi sức Cấp cứu Nội bệnh viện XP, một bệnh viện lớn của HN, một khoa điển hình của những ca bệnh nặng và dường như luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. Mẹ mình có khoảng chục năm làm bác sĩ điều trị về sốt rét và ký sinh trùng, rồi bác sĩ đa khoa ở y tế quận.
Từ rất nhỏ, chỉ mới vừa nhớ được, mình đã quen với việc ngủ ở trạm cùng mẹ trong những đêm bố mẹ có lịch trực trùng nhau. Tất nhiên mình luôn đi theo mẹ chứ không phải bố. Môi trường cấp cứu quá khắc nghiệt để bố có thể tha lôi đèo bòng thêm mình.
Từ lúc rất nhỏ, mình cũng quá quen với việc bố mẹ phải nhờ bác gái mình đến ngủ với mình. Những đêm ấy mình rất sợ, cảm giác vô cùng bất an mà không hiểu vì sao. Mình nhớ có một đêm, thay vì mất điện như thường lệ, thì điện bỗng tăng đột ngột lúc nửa đêm khiến cái suýt-văn-tơ kêu rú lên inh ỏi, và mình khóc toáng lên vì sợ hãi không biết làm gì với nó. May có chú hàng xóm nhảy qua rào sang giúp, không thì chắc đã có một vụ nổ điện mà trong mắt con bé luôn cảm thấy đơn độc và sợ hãi, là một việc rất khủng khiếp.
Từ rất nhỏ, mình đã quá quen với việc bố mình không bao giờ về nhà trước 9h tối, thậm chí cả khi trời đã tối đen như mực, hai mẹ con ngồi bên ngọn đèn dầu leo lét trong căn nhà tồi tàn ở một xóm cực kỳ nghèo ở khu Kim Ngưu HN, bên cạnh dòng sông nước thải của toàn thành phố, nơi vẫn được coi là Xóm Liều HN.
Từ rất nhỏ, khi còn chưa biết đọc viết, mình đã quen với những câu chuyện bố thường kể với mẹ trong những bữa cơm vô cùng hiếm hoi cả nhà ngồi ăn cùng nhau, những từ ngữ xa lạ mà mình chỉ hiểu bập bõm: “hội chẩn”, “tiên lượng xấu”, “ăn xông”, “nội khí quản”, “nhà xác”, “đi”….
Có một hôm, bố mình vừa ăn cơm vừa kể một câu chuyện hoảng sợ về người đồng nghiệp của bố bị người nhà bệnh nhân mang súng vào tận viện để uy hiếp, sau một đêm trực đầy lo âu giành giật sự sống cho một người bệnh. Câu chuyện này ám ảnh mình mãi.
Cả hai lần mẹ mình sinh thì bố mình đều đang trong tua trực. Sinh mình thì có bác và cô út của mình đưa đi. Tám năm sau, một đêm tháng Giêng tối mịt, 5h sáng mình tỉnh dậy, xung quanh toàn là bóng tối, không thấy mẹ đâu, mình bám vào cửa sổ khóc ầm lên. Cô M hàng xóm vội chạy sang mở cửa đưa mình sang nhà cô, rồi kể rằng mẹ mình đau bụng trở dạ và bác L chồng cô đã chở mẹ lên Hộ sinh. Mấy tiếng sau bác L về rồi lại vội vã đi lên bệnh viện XP để báo tin cho bố mình là mẹ mình đã sinh, sớm tới hơn 1 tháng. Thuở ấy ko có điện thoại. Từ đó, em mình bị cả xóm trêu là nó có ba ông bố: bố mình chỉ là bố chửa, bác L là bố đẻ, và bác P - một người hàng xóm khác mà chị em mình được gửi nhiều năm - là bố nuôi.
Từ rất nhỏ, mình cũng đã quá quen với việc lủi thủi chơi một mình trong nhà ông bà ngoại, chờ tiếng xe lóc cóc của mẹ mình về đón khi trời đã tối mịt, khi xung quanh chỉ là tiếng những thân tre kẽo kẹt trong gió, tiếng chó tru lên từng hồi trong bóng tối đèn dầu đầy ám ảnh ở làng Hoàng Mai. Có hôm, nhà chỉ có ông ngoại với mình. Ông ôm mình vào lòng vì thấy mình dường như rất buồn, rất sợ. Ông nói với mình: con đừng sợ, mẹ sắp về rồi, không có kẻ trộm đâu, ai mà vào đây là ông “xử”. Rồi ông chỉ cây đinh ba để ở góc nhà, vốn dùng để xiên cá. Mình lí nhí nói với ông: ông ơi, lớn lên con không muốn làm bác sĩ giống bố mẹ con đâu, con muốn làm bác “học”. Hồi ấy mình vẫn nghĩ các nghề nghiệp đều bắt đầu bằng chữ “bác”, và vì mình mới chỉ biết duy nhất một thứ “việc” khác ngoài nghề bác sĩ của bố mẹ mình, là việc học, nên mình ngô nghê ghép hai chữ đó vào với nhau.
Có một buổi tối, khi mình đang giỏng tai lên ngóng tiếng mẹ mình, thì mình nghe thấy giọng mẹ lao xao ở đầu ngõ nhà ông bà. Mình mừng lắm, ra mở cổng chờ. Rồi có tiếng xe. Rồi mình oà khóc nức nở. Không phải mẹ. Đó là cậu mình, người có giọng nói và khuôn mặt rất giống mẹ. Bao nhiêu mong chờ dồn nén bật ra thành những tiếng nấc tức tưởi, khiến cậu mình luýnh quýnh dỗ mình mà ko hiểu vì sao.
Khi mẹ mình sinh em mình, cũng là lúc bà phải quyết định chuyển sang công việc hành chính, không làm điều trị nữa, để không phải đi trực và có thêm thời gian cho chị em mình. Trong mắt mình, đó là một thiệt thòi lớn của mẹ mình, vì bà cũng giỏi giang và tận tuỵ trong công việc không kém gì bố mình. Nhưng bù lại, sau đó mình không còn những đêm lang thang, những nỗi sợ bóng tối ám ảnh nữa. Sẽ luôn có mẹ ở nhà, tối nào cũng có mẹ.
Từ thời gian đó trở đi, gần như không bao giờ mình ăn tối cùng bố mình. Ông luôn trong tình trạng bận rộn tối mắt tối mũi. Có thời gian bố mình quay cuồng trong một lịch biểu có cái tên là “tua ba” - nghĩa là cứ ba đêm lại có một đêm trực. Mình chẳng hiểu gì nhiều về chuyên môn, mình chỉ thấy trước khi vào “tua” là bố mình đong chút gạo vào cái cặp lồng con, mang theo 1-2 quả trứng hoặc vài miếng thịt con con mẹ mình kho sẵn, vài cọng rau, tới bệnh viện thì có cái nồi nhỏ để đặt cơm ăn buổi chiều.
Tuổi thơ mình lớn lên ở Xóm Liều có rất ít hình bóng của bố mình. Mình đã tự “chiến đấu” với những tệ nạn của nơi đó như một thằng con trai không có anh hay chị hay bố bảo vệ. Bạn thuở thiếu niên của mình có đủ loại. Có những đứa bổ quay hồi nhỏ cùng mình suốt nhưng lớn lên trở thành những tay anh chị, có đứa mười bảy tuổi đã đi lấy chồng vì có bầu… Học kém, lêu lổng, sa ngã, là những thứ khá quen thuộc ở xóm lao động đó.
Bao năm mình đi học, bố mình chưa từng có thời gian đưa mình đến trường, chưa từng đi họp phụ huynh. Bố mình nuôi và dạy mình bằng mệnh lệnh. Phải abc. Phải xyz. Nếu không thì ăn đòn. Bố mình có một thời gian làm việc ở vùng Kinh tế mới Lâm đồng, khi về ông mang theo một cây thước to bằng gỗ lim rất chắc chắn. Ông để nó trên nóc tủ, một đầu chìa ra ngoài. Cây thước khủng đó chuyên dùng để đánh mình, và là lời nhắc âm thầm cho mình rằng mình không thể mắc sai lầm. Bố mình không bao giờ có thời gian cho những lèo nhèo của trẻ con, cũng chưa từng có thời gian, tâm trí và tiền bạc để mua cho mình một con búp bê hay một món đồ hàng.
Từ rất nhỏ, mình cũng đã quen với chứng mất ngủ của bố mình, quen với những câu “một là một- hai là hai” của bố mình. Quen với “kỷ luật sắt” và quen phải đi rón rén khi bố đang ngủ sau tua trực. Lớn hơn một chút mình rất sợ bố, sợ những cơn thịnh nộ của bố sau những ngày làm việc căng thẳng. Dường như bố mình luôn ở trạng thái có thể nổ tung. Và việc duy nhất mình có thể làm để giữ hoà khí, và giữ cho mình khỏi phát điên, là cố gắng đọc những tín hiệu trên mặt bố mình, cố gắng chọn đúng thời điểm để xin tiền học, để bày tỏ một mong muốn nào đó dù rất nhỏ, cố gắng không “chọc giận” bố bằng cách học thật giỏi, làm việc nhà, chăm em thật chu đáo. Mặc dù vậy, không thể nói là mình đã giữ hoà khí thành công.
Tuy bố mẹ mình chăm chỉ chịu khó như vậy nhưng tuổi thơ của mình là một chuỗi ngày dài sống trong nghèo khó. Mình còn nhớ, ngôi nhà ở Kim Ngưu của gia đình mình thường rất lạnh vào mùa đông vì những cánh cửa đều lỏng lẻo, chắp vá, thủng lỗ chỗ. Giường của mình với bố nằm sát cửa sổ cánh chớp một lớp, gió len qua khe ù ù cả mùa đông. Nhà không có đệm, dù là thứ đệm mút cũ nát nhất, chỉ có hai cái chăn bông. Mẹ với em nằm một cái. Bố với mình một cái, không đủ ấm nên đêm nào mình cũng run cầm cập. Sau bố mình phải gập đôi chiếc chăn lại, một nửa nằm lên, một nửa đắp, mình nằm ở phần nếp gấp, bố nằm cạnh ở phía mép ngoài. Nhờ thế mình mới đủ ấm để ngủ qua đêm. Rồi một hôm, bố mình đem về nhà một tập phim x-quang cũ mà bệnh viện đã bỏ đi. Bố bảo mình ngâm vào nước rồi dùng xà phòng chà để những tấm phim mất màu chỉ còn hơi đục, rồi bố lấy đinh đóng những tấm phim lên cửa sổ, hòng mong ngăn được chút gió bấc. Nhưng phim mỏng dính cũng chẳng có tác dụng là bao.
Nhà mình thường không đủ thức ăn, nhưng thỉnh thoảng những bệnh nhân mà bố mình vẫn khám giúp ngoài giờ hay cho bố mình ít ngô ít thóc. Có thời gian bố đóng cái chuồng bồ câu để trên sân thượng để nuôi chim bằng chỗ thóc và ngô được cho. Chim ở đâu cứ lũ lượt kéo về đó, và chị em mình thỉnh thoảng có chút đạm cải thiện. Bố mẹ mình có lúc còn nuôi gà, vịt, thỏ… trong mảnh sân bé tí.
Bố mình chưa bao giờ thực sự hút thuốc. Nhưng ông luôn có một cái hộp thiếc đựng thuốc lá để trong túi áo. Vì người nhà bệnh nhân thời đó thường hay mời bác sĩ điếu thuốc, dù không chắc bác có hút hay không. Bố mình thường giữ những điếu thuốc lẻ đó lại, rồi lâu lâu mình thấy ông ngồi tỉ mẩn dùng một cây bút và một cái vỏ không để “dồn bao” rồi đưa mẹ mình đi bán lấy vài đồng.
Bố mình tận tuỵ và thương bệnh nhân. Điều đó mình đã chứng kiến suốt nhiều năm. Và đã được nghe qua lời của rất nhiều bệnh nhân của bố mình. Đến giờ bố mẹ mình vẫn còn dùng điện thoại cố định, và điện thoại nhà mình luôn bật, vì bố mình vẫn có cái phản xạ là “mình là bác sĩ, phải luôn để điện thoại vì đêm hôm có người cần đến mình”. Có nhiều lúc mình tự hỏi: vì sao bố mình có thể nắm bắt tâm lý những cụ già bệnh nặng, an ủi làm vơi bớt nỗi lo buồn của họ, nhưng bố chưa bao giờ có thời gian để hỏi xem mình lo buồn điều gì, mình cần gì ở bố? Đó là còn chưa kể câu chuyện từ góc nhìn của mẹ mình.
Khi mình hơi lớn một chút, có lần bố mình nghiêm túc nói với mình: Mày đừng làm bác sĩ, làm bác sĩ nếu có lương tâm thì không thể giàu được, muốn giàu thì lại không thể giữ lương tâm, nên thôi con ạ.
Mình chưa bao giờ có ý định nghiêm túc với nghề y, nhưng câu nói của bố mình khiến mình suy nghĩ mãi.
Đó là còn chưa kể đến những việc đấu đá cơ quan, những căng thẳng mệt mỏi bên cạnh những stress vốn đã khủng khiếp của nghề nghiệp.
Hôm nay, người ta lại mải tôn vinh những người hùng áo trắng như bố mẹ mình, người ta dùng nước mắt để kể câu chuyện ấy. Người ta quên mất rằng, tại phút giây nước sôi lửa bỏng này, chúng ta không cần thêm nước mắt, chúng ta đã có quá nhiều nước mắt rồi…
Giờ chúng ta cần những cái đầu tỉnh táo, không hoảng loạn vì sợ hãi, không vì đau thương mà trở nên cảm tính. Cần phải làm rõ: ai nên làm việc gì và làm bao nhiêu. Ai cần tới bệnh viện ai không cần. Chúng ta không cần thêm những cảnh tượng đau lòng là hàng chục bệnh nhân gần như hấp hối mặc bỉm nằm san sát nhau không có người thân bên cạnh, bác sĩ chạy đi chạy lại và chắc chắn không thể quan tâm xem ai đói ai khát ai cần an ủi. Người ta hoàn toàn có thể chết vì đói, khát, sợ, ngột ngạt. Chứ không chỉ chết vì hỏng phổi hay ko có máy thở. Những cái chết đó ai tính, và ai sẽ chịu trách nhiệm?
Câu chuyện về chính sách mình không muốn bàn sâu. Vì đã có rất nhiều chuyên gia tâm huyết trên thế giới đã hiến kế, rất khoa học và hoàn toàn khách quan không vì mục đích lợi nhuận. Trong số đó có những cây đa cây đề trong ngành dịch tễ, như Tiến sĩ Robert Malone, Tiến sĩ Geert Vanden Bossche, Tiến sĩ Byram Birdle… Chỉ cần lắng nghe, tĩnh tâm và dũng cảm.
Một nửa sự thật không phải là sự thật. Tất cả đều là con người. Không có ai là siêu nhân, là người hùng ở đây cả. Nếu bác sĩ phải gồng lên, như bố mình đã sống cả đời là một cuộc chiến, không ngày ngơi nghỉ, thì đằng sau họ là những đứa trẻ như mình. Họ đã bù đắp cho người bệnh, nhưng không ai bù đắp nổi cho họ. Và một khi họ không ổn, thì nó sẽ ảnh hưởng tới người bệnh, theo cách này hay cách khác. Sự quá tải trong bất cứ nghề nghiệp nào cũng là không tốt, nhưng trong nghề y thì cái giá còn lớn hơn bội phần. Sự mất cân bằng trong cuộc sống của mỗi người, sớm hay muộn, cũng sẽ kéo theo một cái giá, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Chúng ta không nên ca ngợi sự mất cân bằng đó. Cái cần làm, là tái lập sự cân bằng, bằng cách tiếp cận “phi chính trị”, bằng cách học tĩnh tâm, học băng qua nỗi sợ, học tìm về với quy luật thiên nhiên, học đối diện với cái chết, học vui sống, học trân quý sự hiện diện của phút giây này…
Như mình đã phải học để vượt qua và tái lập sự cân bằng, đằng sau câu chuyện về những người hùng…”
Huyen Ha