Bác Sĩ Nội Khoa và Ngoại Khoa

Đăng vào ngày 2024-04-29 18:31:16 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Bác sĩ Đa Khoa

NỘI KHOA VÀ NGOẠI KHOA 

Có thể nói trong Y khoa được chia ra làm hai HỆ PHÁI chính là NỘI KHOA (Internal medicine, Médecine interne) NGOẠI KHOA (Surgery, Chirurgie). Nội khoa được hiểu là chuyên ngành điều trị không cần phẫu thuật (dùng thuốc và các thủ thuật). Còn Ngoại khoa là điều trị bằng Phẫu thuật (tức là gắn liền với phòng mổ, với gây mê, với mổ xẻ). Tất nhiên cách chia nào cũng có tính tương đối, nhưng thường thì Nhi khoa, Hồi sức cấp cứu, Thần kinh, Tâm thần, Lão khoa, Huyết học, Phục hồi chức năng, ... thì được tính thuộc chuyên ngành Nội; còn Sản khoa, Gây mê hồi sức, Mắt, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, ... thì được tính vào chuyên ngành Ngoại. Và nó còn liên quan đến môn thi đầu vào các chương trình Sau đại học trong trường Y.

Do đặc thù chuyên ngành, các bác sĩ Nội khoa thường có hình tượng là trầm tính, điềm tĩnh, cẩn thận, tỉ mỉ, ... còn các bác sĩ Ngoại khoa thì thường thấy là nhanh nhẹn, sôi nổi, đôi khi bỗ bã và nóng tính.

Đôi khi, các bác sĩ Nội khoa thì hay chê các bác sĩ Ngoại khoa là làm việc ẩu, không có cái đầu chỉ được tay chân; còn các bác sĩ Ngoại khoa lại chê Nội khoa là chậm chạp, không giải quyết dứt điểm được bệnh, bệnh gì mà "có lúc đau có lúc không đau, có lúc đau nhiều có lúc đau ít, no cũng đau mà đói cũng đau", ...

Thực ra trong Y khoa thì không có chuyên khoa nào là không cần thiết hết. Mỗi chuyên khoa đều có nhiệm vụ và giá trị riêng, và các chuyên khoa đều phải hỗ trợ nhau chứ một chuyên khoa không thể nào giải quyết hết các vấn đề của người bệnh, nhất là người đa bệnh lý và phức tạp. Nên giờ xu hướng đúng là phải tiếp cận đa chuyên ngành, đa chuyên khoa là vì vậy. (Một thế mạnh của Bệnh viện Bạch Mai chính là Nội khoa nhưng cũng có đa chuyên khoa là vì vậy). Cho nên Việt Đức, Sản TW, Nhi TW chuyển bệnh nhân sang Bạch Mai, Bạch Mai chuyển bệnh nhân sang Việt Đức, Sản, Nhi là chuyện hoàn toàn bình thường. 

Tât nhiên trong mắt người dân thì dường như đã là Bác sĩ thì phải biết mổ (phẫu thuật). Và ông Bác sĩ Ngoại khoa dường như là oai nhất. Ngay cả mình làm Nội khoa thì nhiều khi người thân người quen vẫn hỏi rằng "có hay phải đi mổ không"?

Trong thời buổi bây giờ, do sự tiến bộ của Y học thì ranh giới của Nội khoa - Ngoại khoa đã có một chút "xóa nhòa". Ví dụ như các chuyên khoa Nội giờ phải làm thủ thuật thậm chí là các thủ thuật có can thiệp điều trị khá nhiều. Nhiều khoa Nội có cả phòng mổ và không thể thiếu gây mê, tuy rằng chỉ là gây tê gây mê tối thiểu để làm thủ thuật hoặc phẫu thuật nhỏ. Còn nhiều chuyên ngành Ngoại khoa thì các bác sĩ Ngoại khoa phát triển cả điều trị Nội khoa rất tuyệt vời luôn. Chuyên ngành Thận của mình là một ví dụ. Nhiều thầy chuyên ngành Ngoại khoa nhưng nói về vấn đề Nội khoa thì còn hay và hấp dẫn hơn nhiều thầy chuyên về Nội khoa luôn. Rồi phẫu thuật xong mà không biết điều trị Nội khoa thì cũng rất nguy hiểm cho người bệnh.

Khách quan mà nói thì với tiến bộ Y học như hiện nay, xu hướng phải can thiệp điều trị bằng Phẫu thuật (Ngoại khoa) đã giảm đi rất nhiều. Đơn cử như tăng sinh tuyến tiền liệt và sỏi tiết niệu, trước đây do các phượng tiện điều trị còn hạn chế mà do phát hiện muộn nên chủ yếu là phẫu thuật, nhưng hiện nay lựa chọn phẫu thuật đặc biệt là phẫu thuật mở đã giảm đi do sự tiến bộ của điều trị nội khoa và các lựa chọn can thiệp từ không xâm lấn cho tới xâm lấn tối thiểu.

Nên nếu cứ phải phân biệt Nội khoa - Ngoại khoa như cách nhìn của nhiều người kể cả người trong ngành Y thực sự không cần thiết. Thời đại ngày nay kể cả đại giáo sư cũng không thể "một tay che hết cả bầu trời" được. Nên mỗi chuyên khoa đều có vai trò riêng và đều quan trọng. Phối hợp nhịp nhàng các chuyên khoa với nhau để người bệnh được hưởng lợi tối đa mới là điều đúng đắn.
Bs Nguyễn Văn Thanh

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay