UNG THƯ THỰC QUẢN - MỔ NHANH HAY MỔ CHẬM
Chia sẻ từ một bác sĩ nội trú ung thư Y Hà Nội
được sang Nhật Bản học 1 năm
MỔ NHANH HAY MỔ CHẬM?
Khởi đầu năm mới của mình là phụ cho Giáo sư ca phẫu thuật ung thư thực quản nội soi hỗ trợ. Thời gian mổ kéo dài gần 7 tiếng, nhưng nếu tính cả thời gian gây mê và chuyển tư thế bệnh nhân thì ca mổ kéo dài đến hơn 10 tiếng. Trên thực tế đây được xem là ca mổ kết thúc sớm trong số những ca phẫu thuật ở Trung tâm Ung thư thực quản của Bệnh viện Đại học Showa. Những ca mổ thực quản ở đây thường kéo dài từ 12 đến 14 tiếng, đặc biệt những ca phẫu thuật Robot có thể kéo dài lâu hơn nữa.
1. Mổ nhanh?
Khi mình kể điều này với một số người bạn ở Việt Nam, hầu hết tỏ ra khá ngạc nhiên vì họ không hiểu tại sau phẫu thuật thực quản ở Trung tâm này lại kéo dài như vậy. Điều này là dễ hiểu vì những ca phẫu thuật thực quản tương tự ở Việt Nam thông thường chỉ mất 4 đến 6 tiếng.
Có lẽ nhiều bác sĩ phẫu thuật ở Việt Nam thường lấy thời gian mổ như là thước đo cho sự khéo léo, sự thành thạo về kỹ thuật mổ cũng như tài năng của họ. Cùng phẫu thuật thực quản, nếu ai thực hiện lâu hơn thì thường được xem là “ít giỏi” hơn. Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh kinh nghiệm và sự thành thạo thì có lẽ các phẫu thuật viên ở Trung tâm ung thư thực quản nơi mình học không thua kém bất cứ phẫu thuật viên nào ở Việt Nam. Vì cho đến nay, tại đây đã thực hiện được hơn 1.500 ca phẫu thuật thực quản. Đây là một con số rất lớn.
Vậy thì điều gì đã tạo nên sự khác biệt về thời gian mổ?
Việc rút ngắn thời gian phẫu thuật có thể giúp cho bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, điều dưỡng đỡ mệt hơn. Họ có thể thực hiện nhiều ca mổ hơn trong một ngày và kết thúc công việc sớm hơn. Bệnh nhân sẽ ít phải sử dụng thuốc gây mê, người nhà bệnh nhân đỡ phải sốt ruột và lo lắng vì chờ đợi. Trong ca mổ, có lẽ phẫu thuật viên là người vất vả và căng thẳng nhất, nên họ chính là người rất không muốn kéo dài ca mổ nhất. Khách quan mà nhìn nhận thì vì mức lương của bác sĩ ở Việt Nam rất thấp. Do vậy, mỗi ngày nếu bác sĩ chỉ mổ một ca thì phần lớn sẽ rất khó khăn để họ có thu nhập đủ sống.
Tuy nhiên, đôi khi “nhanh thường đi liền với ẩu”. Biến chứng phẫu thuật là không thể tránh được, nhưng có đến hơn một nửa trong số đó có thể phòng ngừa (theo WHO). Quá trình phẫu thuật chậm rãi giúp bác sĩ mổ bình tĩnh hơn và có thời gian để kiểm soát chảy máu, cũng như kiểm soát tối đa những nguy cơ có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật, nhờ đó có thể giảm thiểu nhiều biến chứng không đáng có. Mặt khác, quá trình phẫu thuật luôn đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác. Điều này càng đúng hơn nữa trong phẫu thuật ung thư, khi mà việc loại bỏ hạch có lẽ là quan trọng nhất, và quyết định cơ hội khỏi của bệnh nhân sau này. Tất nhiên, càng cẩn thận, tỉ mỉ thì sẽ càng mất nhiều thời gian.
2. … hay mổ chậm?
Hồi ở Việt Nam, có những ca mổ kéo dài khiến mình khá mệt, chỉ muốn kết thúc càng nhanh càng tốt, nhất là dưới áp lực của sự thúc giục như “xong chưa?”, “sao lâu thế?”, “đừng chu huy mân”… Những lúc ấy thường tự nhắc nhở chính mình: thôi chịu khó một chút, một giờ của mình nhưng có thể là cả một cuộc đời của bệnh nhân.
Mình vẫn nhớ trong một buổi giảng, Giáo sư có nói: Thời gian phẫu thuật có quan trọng không khi mà nếu ca mổ kéo dài lâu hơn, nhưng tỷ lệ biến chứng thấp hơn, sẽ giúp cho bệnh nhân có thể kéo dài sự sống hơn, họ sẽ bớt lo lắng hơn, do đó họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Về phía bác sĩ, khi biến chứng ít hơn, các bác sĩ sẽ mất ít thời gian để chăm sóc bệnh nhân hơn. Vì vậy, các bác sĩ sẽ có thể dành nhiều thời gian cho gia đình, điều này cũng giúp họ hạnh phúc hơn. Vậy thời gian phẫu thuật có còn quan trọng? Hay việc giảm thiểu tối đa biến chứng và kéo dài thời gian sống thêm của bệnh nhân là quan trọng nhất?
3. Thành quả
Những ca mổ kéo dài như vậy thường khiến bác sĩ như mình, mặc dù chỉ ở vị trí phụ mổ, nhưng cũng phải mất rất nhiều sức lực và sự cố gắng. Sau khi vượt qua cơn đau chân do đứng lâu, đau cổ, mỏi mắt do phải nhìn màn hình liên tục, thì cơn đói lại kéo đến để nhắc nhở về bữa trưa. Cơn đói qua đi thì cơn buồn ngủ ập đến, mà có cảm tưởng như chỉ cần nhắm mắt lại 1 giây là có thể đi vào giấc ngủ. Khi đến cuối ngày đó là thời điểm “thở không ra hơi”. Trở về sau mỗi ca mổ như vậy, mình thường cảm thấy kiệt sức vì mệt và đói. Những lúc ấy, mình thường nghĩ thầm: Giáo sư bước sang tuổi 68 rồi mà vẫn còn chịu được thì mình với tuổi đời chưa bằng một nửa tại sao lại không vượt qua được?
Trên thực tế, thời gian ở Nhật cũng là khoảng thời gian thực sự thử thách cho lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng của mình.
Và đây là thành quả đạt được sau những nỗ lực của cả team: khối u được cắt bỏ kèm theo rất nhiều hạch. Đây chính là một trong những nguyên nhân mà bệnh nhân ung thư thực quản ở Nhật Bản có khả năng khỏi cao hơn rất nhiều so với phần còn lại của thế giới. Trên thực tế, mình gặp rất nhiều bệnh nhân khám lại sau 5 – 7 năm từ khi phẫu thuật. Đây có lẽ là điều tuyệt vời nhất, và đó cũng như nhân chứng sống cho những cố gắng của tất cả nhân viên y tế trong Bệnh viện.