TỪ KIẾN TRÚC SƯ TRỞ THÀNH BÁC SĨ TẠI MỸ

Đăng vào ngày 2022-04-15 06:21:19 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Con đường động lực

Kết sách

"Trên hành trình đầy gian truân nhưng thú vị tại Hoa Kỳ, tôi cảm giác ba tôi và những người thân đã mất luôn sát cánh bên mình. Những đêm đi phỏng vấn trường Y hay phỏng vấn bác sĩ nội trú, tôi mệt mỏi nằm co ro ngủ trong chiếc xe Honda Civic để tiết kiệm tiền khách sạn. Nhìn ra cửa kính, tôi thấy vài ngôi sao chợt lóe lên trên nền trời đen thẫm. Trong vài giây chói sáng đó, tôi như đang thấy ba, thấy ngoại và cả những người khác trên cao trìu mến nhìn xuống. Tôi ôm gối nhẹ nhàng ngủ thiếp đi.

Nhìn lại, tôi đã đi qua 6 năm Kiến trúc và 14 năm Y khoa. Bài học lớn nhất tôi có được là học cách sống có trách nhiệm với cuộc đời của mình. Chính bạn chứ không ai khác sẽ chịu trách nhiệm về thành công hay thất bại của cuộc đời bạn. Với tôi, sống có trách nhiệm đơn giản là lắng nghe trái tim và theo đuổi đam mê. Chính hành trình khó khăn trên đất Mỹ đã dạy tôi dám từ bỏ sự ổn định để tìm thấy điều mình mong muốn.

Tôi đã từng sợ hãi khi bỏ mọi thứ tại Việt Nam và qua Mỹ làm lại từ đầu. Khi đã tốt nghiệp Kiến trúc và đi làm tại Michigan, tôi lại lo nếu bỏ một công việc ổn định như vậy để bắt đầu một nghề mới hoàn toàn là Y khoa, tôi sợ mình sẽ thất bại. Nhưng chính sự khát khao và tiếng gọi của đam mê đã cho tôi động lực quyết định bỏ nghề kiến trúc.

Vào trường Y, tôi đi từ nội khoa, ngoại khoa, đến nội trú chẩn đoán hình ảnh rồi cuối cùng dừng lại ở chuyên khoa tôi thật sự yêu thích và đeo đuổi đến cùng là cơ xương khớp và da liễu.

Để làm được những điều này, tôi phải hoàn toàn tập trung và cố gắng hết tâm sức, cộng với chút may mắn. Bạn cũng vậy, khi chạy theo đam mê, hãy chạy với toàn bộ tâm sức mình có. Đôi khi vì đang ở một vị trí đỉnh cao, chúng ta không muốn xa rời ánh hào quang hay sự ổn định. Chúng ta sợ thất bại, ngại thay đổi và chính điều đó khiến ta mất đi niềm đam mê thật sự.

Tôi cũng chiêm nghiệm ra nhiều thứ về bản thân và cơ thể mình. Tôi phát hiện mình có những khả năng tuyệt vời khác nếu chịu tập luyện, như việc vẽ màu nước chẳng hạn. Bản thân và cơ thể của bạn, dù muốn hay không, sẽ là người bạn đồng hành cùng bạn cho đến cuối đời. Hãy trân trọng cơ thể, hãy bảo vệ và chăm sóc nó. Có vậy, bạn mới thành công một cách bền vững.

Điều thứ hai tôi nhận thấy trên liên tục đặt câu hỏi cho bản thân: “Tại sao?”, “Tại sao tôi không vào được trường Y?” “Tại sao tôi thất bại?”, “Tôi có thật sự thích chuyên khoa này không?”... Nhiều lúc thất bại và mệt mỏi, tôi ngồi xuống đối thoại với chính mình, lắng nghe mình thật kỹ để tự nhận ra sai lầm, để tìm cách và tìm đường đứng dậy đi tiếp.

Một điểm cực kỳ quan trọng tôi muốn chia sẻ với những ai đã, đang và sẽ theo đuổi ngành Y là các bạn phải có tâm và thích giúp đỡ người khác. Tôi có viết một bài trên Facebook Làm công dân tốt trước khi làm bác sĩ giỏi để chỉ ra nếu bạn có tâm muốn giúp đỡ người khác, bạn sẽ thấy nghề Y thú vị. Bạn sẽ không thấy đi làm bác sĩ hằng ngày là vất vả. Tâm ở đây đơn giản là giúp đỡ cộng đồng từ những việc nhỏ nhất mà bạn có thể làm...

Chữ tâm trong nghề Y đã giúp tôi làm được tất cả những điều tưởng chừng như mất rất nhiều công sức và thời gian như thế.

Là bác sĩ, bên cạnh kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và giao tiếp với bệnh nhân cũng là một trong những kỹ năng quan trọng. Một sinh viên Y khoa học giỏi đến đâu, khi đi thi làm bài xuất sắc đến đâu, nhưng không có khả năng nói chuyện và kết nối với bệnh nhân, thì sinh viên này không thể là bác sĩ giỏi. Chính vì vậy, trường Y tại Mỹ luôn nhấn mạnh việc giao tiếp và thực hành ngay từ những ngày đầu học Y khoa...

Càng làm nghề Y, tôi càng nhận ra bệnh nhân là người tôi thật sự tri ân nhất. Chính bệnh nhân là người dạy tôi trưởng thành và giúp tôi giỏi hơn mỗi ngày. Bệnh lý Y khoa ngày càng phức tạp vì ngoài bệnh trong các cơ quan trên cơ thể, người bệnh còn có các vấn đề về tâm lý và người thân. Mỗi lần vào khoa hồi sức tích cực, nhìn một bệnh nhân ra đi, lòng tôi lại chùng xuống nao nao buồn. Để chia sẻ với bạn đọc, tôi tập hợp những câu chuyện của bệnh nhân khoa hồi sức tích cực (ICU) của tôi thành một quyển sách sẽ xuất bản ngay sau quyển này, tạm gọi là ICU: Khi thiên thần mỏi mệt. Trong quyển này, mỗi câu chuyện là một góc nhìn trần trụi về cuộc sống của bệnh nhân và gia đình mà tôi từng gặp ở nơi giao thoa giữa sự sống và cái chết. Chính ở ranh giới mong manh đó, lòng yêu thương nở hoa. Chính nơi đó, sự dối trá, ganh đua, hay danh vọng cũng bộc lộ rõ nhất.

Cuối cùng, tôi nhận ra sự kiên trì, nhẫn nại và chịu khó là chất kết dính xây dựng ngôi nhà thành công. Tôi đã từng làm rất nhiều nghệ khác nhau để mưu sinh, từ làm nail, bồi bàn, rửa chén, thông dịch viên, hay kiến trúc sư... Bất kỳ nghề nào, tôi cũng cố gắng làm hết sức
của mình. Người châu Á nói chung, người Việt Nam nói riêng, đều rất chịu khó và nhẫn nại. Khi đọc đến những dòng này, hãy mỉm cười vì bạn là người Việt, bạn có tất cả những đức tính trên và bạn sẽ thành công. Cái bạn cần đôi khi chỉ là có ai đó truyền cảm hứng. Hôm nay bạn có thể làm chạy bàn, nhưng ngày mai bạn sẽ là bác sĩ! Hãy luôn tin vào chính mình, như cách mà tôi đã tin trong suốt 20 năm qua, cho đến bây giờ, và cả tương lai."

PGS. BS. Huỳnh Wynn Trần Los Angeles, Hoa Kỳ

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay