HÃY THƯƠNG LẤY LÁ PHỔI CỦA BỆNH NHÂN!
Liệu trong một số trường hợp, chúng ta có đang quá dễ dãi khi chỉ định phẫu thuật cắt thùy phổi?
Gần đây, tôi tư vấn hai trường hợp khiến bản thân không khỏi trăn trở.
🔹 Trường hợp 1: Suýt mổ nhầm u thành viêm
Một chú bệnh nhân ngoài 50 tuổi, ho kéo dài, chụp CT tại tuyến dưới phát hiện tổn thương bất thường ở phổi phải, được chuyển lên tuyến trên. Tại đây, bác sĩ xem phim và kết luận luôn cần cắt thùy phổi nghi ngờ có u. Các cận lâm sàng như MRI sọ não, xạ hình xương không thấy di căn, bệnh nhân được hẹn mổ sau 3 tuần.
Trong thời gian chờ mổ, nhiều câu hỏi lởn vởn trong đầu chú:
“Tôi đã sinh thiết đâu mà kết luận là ung thư? Có chắc là u không? Có cần mổ thật không?”
Chú nhờ mình tư vấn. Do không có phim hoặc mã QR, tôi chỉ định chụp lại CT ngực. Báo cáo hình ảnh cho thấy:
“Thùy giữa phổi phải (S4, S5) có tổn thương đông đặc-xẹp 21x27mm, ngấm thuốc tương đối đồng nhất, có phế quản đi vào, kèm dày nhẹ tổ chức kẽ → nghĩ nhiều đến viêm hơn u.”
Mình chỉ định dùng kháng sinh trong 2 tuần. Kết quả chụp lại sau điều trị: tổn thương giảm kích thước → khả năng cao là viêm phổi, không phải ung thư. Bệnh nhân dược khuyên theo dõi tiếp, chưa chỉ định phẫu thuật.
🔹 Trường hợp 2: Phẫu thuật rồi mới biết… không cần mổ
Một bệnh nhân khác phát hiện nốt phổi 12x15x7mm. Sau 1 tháng dùng kháng sinh, tổn thương không thay đổi kích thước. Không có sinh thiết trước, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt thùy phổi và nạo hạch trung thất.
Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là viêm lao, không có tế bào ung thư. Ban đầu, gia đình mừng vì “không phải K”. Nhưng sau đó, họ đặt câu hỏi đầy xót xa:
“Nếu là lao thì chỉ cần điều trị nội khoa. Tại sao phải mất đi cả một phần lá phổi?”
Tỷ lệ lưu hành bệnh lao ở Việt Nam khá cao, ước tính ở người trưởng thành là 322 ca/100.000 người. Số ca mới mắc năm 2024 là 116.600 ca. Nhiều tổn thương lao phổi khá giống ung thư phổi, thậm chí PET-CT cũng khó phân biệt. Do vậy tổn thương nốt ở phổi nếu sinh thiết được thì nên sinh thiết trước khi quyết định phẫu thuật.
⚠️ Phẫu thuật cắt thùy phổi không phải là thủ thuật nhẹ nhàng
1. Tai biến trong mổ
- Chảy máu (động/tĩnh mạch lớn)
- Tổn thương dây thần kinh hoành, quặt ngược, thực quản…
- Rò khí – phế quản
- Tràn khí, tràn dịch màng phổi
2. Biến chứng sau mổ
Hô hấp: Xẹp phổi, viêm phổi, tràn khí kéo dài, suy hô hấp cấp (ARDS)
Tim mạch: Rung nhĩ, nhồi máu cơ tim
Khác: Nhiễm trùng, thuyên tắc phổi, đau kéo dài sau mổ
✅ Chỉ định phẫu thuật cắt phổi là quyết định lớn, cần cân nhắc kỹ lưỡng, không thể chỉ dựa vào hình ảnh đơn thuần.
Sinh thiết trước phẫu thuật – nếu làm được – có thể giúp tránh nhiều can thiệp không cần thiết.
👉 Hãy thương lấy lá phổi của bệnh nhân.
👉 Hãy chắc chắn rằng, khi đã chỉ định cắt bỏ, đó là một quyết định đúng và thực sự cần thiết.
Bs Trịnh Thế Cường