4266
BÀI VIẾT CỦA ANH LINH - THỦ KHOA BSNT 2006
Những kì thi lâm sàng
Tôi có thể đếm được mình đã trải qua bao nhiêu buổi thi lâm sàng.
Này nhé: Nội, Ngoại mỗi môn thi 3 lần; Sản, Nhi mỗi môn thi 2 lần, Lây, Đông Y, Mắt, Tai Mũi Họng, Dị ứng, Lao, Da liễu, Phục hồi chức năng, Thần kinh, Tâm thần. Những kì thi ở trường Y dày đặc đến nỗi, nếu xếp kí ức về từng buổi thi lại cạnh nhau, bạn sẽ có một bức tranh tương đối rõ nét về quãng đời học lâm sàng của mình.
Học kì II Y3, tôi phải thi môn đầu tiên: lâm sàng Nội. Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ hồi đó mình đã chuẩn bị những gì trước khi đi thi: ống nghe, nhiệt kế, thước dây, máy đo huyết áp. Tôi chỉ lo nếu không mượn được mấy chị y tá cái nhiệt kế, thì bệnh án thi của tôi sẽ khuyết mất phần “nhiệt độ”, tương tự như thế là cái đo huyết áp. Ít có khả năng phải dùng thước dây, nhưng lỡ tôi bốc thăm phải một bệnh nhân khoa Cơ Xương Khớp thì sao, thầy giáo có thể bắt tôi đo độ giãn cột sống thắt lưng (nghiệm pháp Schober) lắm chứ? Chả dại!
Thật là ấu trĩ, thật là ngây thơ, thật là không thể tưởng tượng nổi!
Tất cả những cái ấy, cùng với một bệnh án đẹp đẽ và hoành tráng, hoá ra lại là thứ vô duyên nhất trong thực hành lâm sàng. Cô giáo của tôi (“Peace upon her!”) chỉ muốn sinh viên trình bày càng ngắn gọn càng tốt. Buổi hỏi thi – gồm cả tóm tắt tình hình bệnh tật, khám lâm sàng, đưa ra chẩn đoán, trả lời những câu hỏi phụ – kết thúc trong vòng 10 phút, bằng 1/6 thời gian tôi bỏ ra để “trang trí” cho những trang bệnh án không ai thèm đọc. Tôi rất quí cô giáo hỏi thi hôm đấy (BS Hỷ, viện phó viện Lão khoa Trung Ương) không chỉ vì tác phong dịu dàng từ tốn của cô, mà còn vì cô đã giúp tôi phân biệt đâu là cái tiểu tiết, đâu là chi tiết quan trọng cần chú ý khi đứng trước một bệnh nhân. Tất nhiên, còn lý do thứ ba nữa: cô cho tôi điểm 9. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt mà.
Tôi nhớ tất cả các kì thi lâm sàng của mình. Có những hôm thật là thú vị, khi bạn nắm quá vững bệnh nhân và chỉ chờ thày hỏi 1 câu là cả dòng thác biện luận, lý luận, phân tích, chẩn đoán, tiên lượng ào ạt trào ra khiến thày chỉ còn nước gật gù khen ngợi . Có điều những ngày đẹp trời như thế không nhiều lắm. Thường thì giáo viên rất biết sinh viên “sở trường” cái gì, và chả bao giờ muốn hỏi những câu hỏi “tầm thường” cả. Thày có thể lật lại một vấn đề của … năm thứ nhất mà sinh viên năm cuối chịu không nhớ được, thế là “Trời ơi, sắp thành bác sĩ rồi mà cái này cũng không biết ah?”. Bạn nghĩ xem, lúc đó chẳng cứ gì thác, đến biển cũng còn bị chặn lại nữa là. Nói chung, thi lâm sàng rất “khó lường”, nhất là khi các giáo sư hỏi thi. Một giáo sư sẵn sàng cho bạn điểm 9 vì bạn biết AIDS là viết tắt của cụm từ gì trong tiếng Anh, trong khi một giáo sư khác sẽ nện bạn te tua chỉ vì bạn quên không hỏi nhà bệnh nhân cách trạm xá bao xa (tôi tin thầy có lý do chính đáng khi yêu cầu sinh viên nắm được khoảng cách ấy, nhưng dù sao những câu hỏi như thế cũng thật là xương xẩu).
Các thày cô ở trường tôi, mỗi người hỏi thi một kiểu, không ai giống ai. Cô Hồ (khoa Tiêu hoá Bạch Mai) lúc nào cũng dịu dàng điềm đạm như mẹ nói chuyện với con, được cô hỏi cứ gọi là sướng. Thày Thái ở khoa Hô hấp thì enjoy việc hỏi thi đến mức rất hay “dồn sinh viên vào đường cùng”. Thày Sơn khoa phẫu thuật Tiêu hoá bệnh viện Việt Đức đã làm sinh viên chết cười với cách hỏi thi thế này: “Cậu trực tối hôm kia ah, thế thì cậu trực cùng tua với tôi rồi, sao tôi không thấy cậu nhỉ? Hay là cậu toàn bùng trực? Thôi cậu vẽ cho tôi cái sơ đồ phòng khám cấp cứu Ngoại đi…”. Hay một giáo viên khác sau khi đặt ra một câu hỏi khá hóc búa đã an ủi chú sinh viên khốn khổ “Cái bệnh này đến tôi còn chưa chẩn đoán được thì trình độ cậu đừng có mơ!!!”. Thú vị nhất là thày Phúc ở Lây, rất hay hỏi học trò các câu giống nhau. Có em Y bé nào năm thứ 5 thi bàn thày Phúc, nhớ hỏi bạn thi trước xem câu hỏi thế nào rồi chuẩn bị sẵn, đảm bảo chắc ăn!
Lại còn bệnh nhân thi nữa chứ. Bệnh nhân của bạn có thể vui vẻ và dễ tính, hoặc cũng có thể cau có khó chiều (trong khi thời gian để khám bệnh dành cho mỗi sinh viên là tương tự nhau); người bệnh có thể đang ngoan ngoãn nằm trên giường chờ bạn đến làm bệnh án thi, hoặc đang tung tăng dạo chơi đâu đó khiến bạn tá hoả vì “không tìm thấy đề bài”. Sẽ đơn giản biết bao nếu bạn bốc thăm vào một bệnh nhân viêm phổi với những triệu chứng kinh điển đã có trong Y văn từ 200 năm nay; sẽ thật khổ sở nếu bạn gặp một “trẻ 34 ngày tuổi táo bón chưa rõ nguyên nhân”,… Tóm lại là vô cùng đa dạng và rõ ràng kẻ không may chẳng có lý do gì để than thân trách phận cả vì hoàn toàn có khả năng “lần thi sau mình sẽ may mắn … gấp 10 lần nó!”. AQ hay không thì chưa biết nhưng “giảng đường là thao trường, bệnh viện là chiến trường” (“the enemy is…?”), trong hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng hết sức thôi.
Phải thừa nhận một điều là tôi rất thích các kì thi lâm sàng (nghĩa là thích hơn so với thi lý thuyết, chứ bạn đừng so sánh 3 tiếng căng thẳng và mệt mỏi ở bệnh viện với 3h chơi game). Có thể số tôi may mắn. Năm Y3 tôi được một giáo sư “hào phóng” tặng cho điểm 10 lâm sàng Ngoại (lại là giáo sư), các bệnh nhân tôi gặp đều ngoan ngoãn và nhiệt tình, những bác sĩ hỏi thi tôi thường không có thói quen đặt bẫy để mong tôi vấp ngã… Tôi tin rằng mình học được khá nhiều trong buổi thi lâm sàng, và các câu hỏi của thày cô – nếu không quá “lạ lùng” – đều là những tình huống giả định tuyệt vời giúp tôi học cách đối phó với hàng trăm hàng ngàn “kì thi” thực tế trong tương lai.
Hôm nay vừa hoàn thành luận văn, tự cho phép mình dông dài một chút. Ngày mai sẽ là kì thi lâm sàng cuối cùng của tôi. Tất nhiên, tôi nói rồi, sẽ còn nhiều nhiều kì thi nữa, những kì thi không phải làm bệnh án; những kì thi không cho tôi 3 tiếng đồng hồ để suy nghĩ mà nhiều khi chỉ là một vài phút ngắn ngủi trước khi đưa ra một quyết định quan trọng. Nhưng dù sao, đây cũng là kì thi cuối cùng của thời sinh viên (thi tốt nghiệp không phải là “the last one” thì gọi là gì?). Với kinh nghiệm thu được từ 18 lần “trận vòng loại” trước đó, tôi tin là “trận chung kết” này sẽ có kết quả tốt đẹp.
Sẽ tốt đẹp cả thôi!
Tháng 5.2006
Dinh Linh
Nguồn: Nuôi dưỡng Y đức ngành Y