THẬN TIẾT NIỆU: Suy Thận Mạn Điều Trị

Đăng vào ngày 2021-12-26 21:39:53 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Suy Thận Mạn - Bác Sĩ Nội Khoa

SUY THẬN MẠN, KHÔNG THỂ CHỮA KHỎI NHƯNG CÓ THỂ ĐIỀU TRỊ LÀM CHẬM TIẾN TRIỂN CỦA BỆNH

Làm phòng chạy thận nhân tạo, bệnh nhân được đưa đến để liên hệ lọc máu cấp cứu. Cô bé mới có 14 tuổi, trông cũng lớn so với tuổi, chưa đi khám bệnh bao giờ, đợt này xuất hiện mệt mỏi, buồn nôn và nôn kèm rối loạn tiêu hóa, đã nằm ở bệnh viện tỉnh, phát hiện suy thận rất nặng và thiếu máu nặng: nồng độ hemoglonbin là 53 g/lít (chưa đến 50% so với bình thường), ure là 68 mmol/lít (cao gấp 10 lần bình thường) và creatinin là 1790 umol/lít (cao gấp 20 lần giá trị bình thường). Bệnh nhân đã được truyền thêm khối hồng cầu và lọc máu cấp cứu 2 lần rồi được chuyển viện. Vì vậy cuộc sống và việc học tập của bệnh nhân sẽ phải gián đoạn một thời gian dài, với không ít xáo trộn để có tiếp tục điều trị bệnh và kéo dài cuộc sống sau này. 

Khám lâm sàng và xét nghiệm của bệnh nhân này đều cho thấy trẻ bị suy thận mạn (thiếu máu, tăng huyết áp, siêu âm 2 thận tăng âm vang) và nghĩ đến viêm cầu thận mạn (nước tiểu có protein và hồng cầu rõ, siêu âm hai thận gợi ý của bệnh lý cầu thận), tức là bệnh thận đã có từ nhiều tháng nhiều năm nay, nhưng do trẻ không được khám sàng lọc sức khỏe nên không phát hiện ra bệnh.

Khai thác tiền sử còn thấy: Mẹ của bệnh nhân (là giáo viên, tức là cũng có trình độ nhận thức) thấy con "hơi lùn" so với các bạn nên ra hiệu thuốc được người bán thuốc tư vấn mua một loại thực phẩm chức năng là GH Creatinin EX (thành phần là hỗn hợp của Canxi, Alpha-GPC, Arginin, Bone peptide) được cho là có nhiều tác dụng trong đó có tác dụng thúc đẩy chiều cao cho trẻ. Bệnh nhân này từ hơn 1 năm nay đã được cho uống 3 đợt, mỗi đợt kéo dài 3 tháng liên tục.

Trong thực tế các bệnh nhân còn rất trẻ tuổi đi khám bệnh lần đầu nhưng đã phát hiện ra suy thận giai đoạn cuối cũng khá thường gặp. Cũng có một số vấn đề cần được rút kinh nghiệm.

1. Bệnh suy thận mạn có thể không có biểu hiện triệu chứng ở những giai đoạn còn sớm, hoặc các triệu chứng không đặc hiệu. Khi có những biểu hiện, triệu chứng trên lâm sàng (mệt mỏi, da xanh xao, ăn kém, buồn nôn, đau đầu, ngủ kém, ...) thường là bệnh đã ở giai đoạn muộn, thậm chí là giai đoạn cuối. Do vậy cần được thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần để có thể đánh giá tình trạng sức khỏe cũng như phát hiện sớm bệnh trong đó có bệnh thận.

2. Viêm cầu thận mạn là một vấn đề rất thường gặp ở Việt Nam nhưng ít/không có biểu hiện lâm sàng, nhưng có thể phát hiện sớm được, có thể chỉ cần một xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền là tổng phân tích nước tiểu. Mặc dù có những trường hợp tổng phân tích nước tiểu âm tính cũng chưa thể loại trừ tổn thương cầu thận, nhưng hầu hết là mức độ rất nhẹ. Tuy nhiên, chẩn đoán viêm cầu thận chưa phải là một chẩn đoán tốt, vì người bác sĩ cần phải chẩn đoán nguyên nhân của viêm cầu thận như các nguyên nhân nguyên phát và các nguyên nhân thứ phát, dự vào lâm sàng và xét nghiệm, đặc biệt là sinh thiết thận làm mô bệnh học. Chẩn đoán chính xác nguyên nhân của viêm cầu thận sẽ quyết định chiến lược điều trị cho người bệnh. Trường hợp bệnh nhân này cũng được loại trừ một bệnh lý thứ phát hay gặp ở Việt Nam là viêm thận Lupus (tổn thương thận do Lupus ban đỏ hệ thống). Một nguyên nhân gây viêm cầu thận hay gặp ở Việt Nam là Bệnh thận IgA, cũng thường được phát hiện muộn nên không còn chỉ định sinh thiết, hoặc sinh thiết ra cũng chỉ giúp chẩn đoán xác định mà không còn chỉ định điều trị nguyên nhân và điều trị bảo vệ thận.

3. Về điều trị bệnh thận mạn tính và suy thận mạn:
- Bệnh không thể điều trị khỏi được nhưng có thể điều trị bảo tồn hay điều trị làm chậm tiến triển bệnh. Mục tiêu của chiến lược điều trị bảo tồn là làm cho tiến triển của bệnh đến bệnh thận giai đoạn cuối, tức là giai đoạn phải điều trị thay thế thận (lọc máu, ghép thận) có thể chậm nhất có thể được. Khi có giảm mức lọc cầu thận thì người bệnh cần phải được tư vấn chuyển sang chế độ ăn giảm đạm, làm sao để bệnh thận không nặng lên do bị "quá tải" từ chế độ ăn đạm bình thường hoặc đạm quá cao, nhưng cũng phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Nếu bị suy thận nhưng không biết hoặc không được tư vấn chuyển sang chế độ ăn giảm đạm thì tình trạng suy thận sẽ bị tiến triển nhanh hơn và bệnh nhân sẽ phải rút ngắn thời gian đến giai đoạn điều trị thay thế thận.

- Bệnh nhân bị suy thận nếu không được phát hiện sớm hoặc bỏ khám định kỳ sẽ không được phát hiện sớm các biến chứng để điều trị kịp thời, các biến chứng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và nặng, làm tiên lượng bệnh nặng nề và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Ví dụ biến chứng thiếu máu nếu được phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ tránh để bệnh nhân phải chịu đựng các triệu chứng do thiếu máu gây ra (mệt mỏi, chóng mặt, ăn ngủ kém, suy giảm trí nhớ, ...) cũng như hậu quả của thiếu máu lên các cơ quan khác trong đó có thận. Hoặc nếu tăng huyết áp được phát hiện sớm, được kiểm soát tốt theo mục tiêu sẽ phòng/tránh được các tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp gây ra trên mạch lớn (mạch vành, mạch não, mạch ngoại biên, gây suy tim) cũng như trên các mạch nhỏ (biến chứng võng mạc, làm tổn thương thận nặng lên do xơ hóa mạch thận).

- Người bệnh suy thận mạn cần được đánh giá đúng giai đoạn suy thận để có được tư vấn về sử dụng thuốc hợp lý. Có nhiều loại thuốc được đào thải qua thận cần phải được giảm liều khi sử dụng, có những loại thuốc độc cho thận sẽ phải chống chỉ định hoặc thận trọng khi sử dụng, ... Không được sử dụng thuốc bừa bãi mà không được các bác sĩ tư vấn, kể cả các loại thuốc thông thường, thuốc thảo dược và thực phẩm chức năng. Có nhiều loại thuốc có thể được chỉ định ưu tiên ở giai đoạn sớm của bệnh nhưng lại bị chống chỉ định khi suy thận đã ở giai đoạn muộn do nguy cơ thúc đẩy tiến triên của suy thận đến giai đoạn cuối.

- Các nguyên nhân gây suy thận mạn không thể được điều trị khỏi, nhưng có thể được điều trị ổn định và điều trị ổn định các nguyên nhân này cũng là điều trị bảo vệ thận và làm chậm tiến triển bệnh thận, ví dụ như sử dụng các thuốc nhóm ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin II cho các bệnh lý cầu thận, hoặc bắt buộc sử dụng các thuốc nhóm corticoid và/hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác cho các trường hợp bệnh thận IgA hoặc viêm thận Lupus khi có chỉ định. Vì vậy protein niệu cũng là một mục tiêu rất quan trọng khi điều trị bệnh thận mạn tính đặc biệt là nhóm bệnh lý cầu thận. Đạm niệu càng thấp thì tiên lượng thận sẽ càng tốt. Tất nhiên đạm niệu cũng chỉ là một mục tiêu trong số nhiều mục tiêu để theo dõi điều trị bệnh thận mạn tính và có nhiều yếu tố gây tiến triển bệnh thận cũng cần phải được quản lý.

Vì vậy, khác với suy thận cấp có khả năng hồi phục hoàn toàn thì suyt thận mạn không thể chữa khỏi được, nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hợp lý thì hoàn toàn có thể làm chậm tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian đến giai đoạn phải điều trị thay thế thận do thận bị mất chức năng quá nặng.
Nguồn: Bs Thanh

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay