Đau dây thần kinh số V - Trigeminal neuralgia
TỔNG QUAN
Căn bệnh này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1773 bởi John Fothergill, một bác sĩ người Anh. Đau dây thần kinh số V có hai dạng: cơn đau điển hình và không điển hình. Cơn đau điển hình thường xuất hiện đột ngột, kéo dài vài giây cho đến một vài phút ở một bên mặt. Mức độ đau có thể rất dữ dội khiến cho người bệnh có cảm giác muốn tự vẫn để hết đau. Cơn đau không điển hình thường ít dữ dội hơn mà thiên về cảm giác đau rát vùng chi phối của nhánh thần kinh bị tổn thương.
Nguyên nhân gây đau dây V đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhưng các tác giả đều thống nhất nguyên nhân là do sự mất vỏ bao myelin của dây. Sự mất vỏ myelin có thể gây ra bởi chèn ép (mạch máu, khối u), tai biến mạch não, chấn thương… tại vị trí dây V đi ra khỏi thân não.
Điều trị đau dây V bao gồm dùng thuốc và can thiệp. Thuốc chống động kinh loại Carbamazepin hoặc Oxcarbazepine là thuốc đầu tay, có hiệu quả với 80% các trường hợp. Trong trường hợp thuốc không có tác dụng hoặc bệnh nhân từ chối sử dụng thuốc do các tác dụng phụ, phẫu thuật hoặc tiêm diệt hạch Gasser được chỉ định.
DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG
Dây thần kinh số V là một dây thần kinh hỗn hợp, vừa vận động vừa cảm giác. Dây tách ra thành 3 nhánh để chi phối vùng mắt (nhánh V1), vùng gò má hàm trên (nhánh V2) và vùng hàm dưới (nhánh V3). Người bệnh có thể đau tại một vùng thuộc một nhánh riêng lẻ hoặc hai trong ba vùng hoặc đau tại cả ba vùng nhánh chi phối của dây V. Thời gian của cơn đau, cũng như tần suất của cơn đau biến thiên rất đa dạng. Nó có thể kéo dài 3-5 giây, hoặc kéo dài tới hàng chục phút, cơn đau xuất hiện hàng ngày, thậm chí có thể là hàng giờ.
Bệnh nhân thường có một điểm khởi phát đau (a trigger point) trên mặt. Cơn đau xuất hiện khi có tiếp xúc tại điểm khởi phát đó, như gió thổi, chạm vào bằng tay hoặc động tác đánh răng, nhai nuối thức ăn. Cơn đau có xu hướng tăng dần về cường độ, thời gian đau và tần suất đau trong ngày. Cơn đau làm cản trở người bệnh trong sinh hoạt và giao tiếp. Tâm lý lo sợ cơn đau xuất hiện khiến bệnh nhân có thể mắc chứng trầm cảm vì sợ hãi.
Đau dây thần kinh số V cần được chẩn đoán phân biệt với các dạng đau nửa mặt khác, như đau do tổn thương một nhánh của dây V sau chấn thương, đau mặt do nguyên nhân răng miệng.
NGUYÊN NHÂN
Như đã đề cập, nguyên nhân của loại bệnh lý này vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nguyên nhân về sự mất lớp myelin của dây V do chèn ép kéo dài được tìm thấy. Nguyên nhân chèn ép có thể xuất phát từ các mạch máu chạy trong phần khoang dưới màng nhện vùng góc cầu tiểu não gây ra, thường gặp nhất là động mạch tiểu não trên. Các nguyên nhân chèn ép khác cũng được tìm thấy như các khối u vùng góc cầu tiểu não, túi phình động mạch, dị dạng thông động tĩnh mạch…
CHẨN ĐOÁN
Với những bệnh nhân có triệu chứng đau như đã mô tả, phim chụp cộng hưởng từ sọ não được chỉ định. Phim cộng hưởng tử cho phép chẩn đoán chính xác nguyên nhân chèn ép gây đau dây V như khối u vùng góc cầu, các dị dạng mạch máu não và tìm sự xung đột giữa mạch máu và dây thần kinh V. Với những kỹ thuật chụp cộng hưởng từ hiện đại có thể cho phép định danh chính xác tên mạch máu tiếp xúc với dây V cũng như vị trí hai thành phần giải phẫu này “va chạm” vào nhau.
ĐIỀU TRỊ
- Dùng thuốc: thuốc chống động kinh Carbamazepine được chỉ định đầu tay với bệnh lý này. Các thuốc giảm đau khác như Baclofen, Lamatrigine, Oxybazepine, Phenytoin, Gabapentin và Pregabaline. Vẫn tồn tại sự không đồng thuận trong việc sử dụng Opiate để giảm đau trong đau dây thần kinh số V.
- Tiêm diệt hạch Gasser: đây là một phương pháp được nhiều tác giả ủng hộ bởi hiệu quả cũng như tính ít xâm phạm của chúng. Tuy nhiên, liệt mặt hoặc tê bì giảm cảm giác bên mặt đau hoặc loét giác mạc là những biến chứng thường gặp của phương pháp này.
- Vi phẫu thuật giải ép mạch máu thần kinh: phương pháp này được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các trung tâm phẫu thuật thần kinh. Việc xác định được nguyên nhân gây đau do sự tiếp xúc giữa mạch máu và dây thần kinh là cơ sở khoa học cho phương pháp điều trị này. Các phẫu thuật viên sẽ tiếp hành giải phóng sự tiếp xúc chèn ép giữa hai thànhp phần giải phẫu để điều trị bệnh. Một mảnh vật liệu nhân tạo, thường là miếng Teflon được đặt vào giữa vị trí tiếp xúc. Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, các phẫu thuật viên cũng sẽ kiểm tra toàn bộ đường đi của dây V để tránh bỏ sót các vị trí “va chạm” khác có thể không quan sát được trên phim cộng hưởng từ trước mổ.
Nguồn: Bv Xanh Pôn