TĂNG HUYẾT ÁP THEO ESC 2024

Đăng vào ngày 2025-03-15 12:35:25 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Bác sĩ Nguyễn Huy Thông

CÓ GÌ MỚI VÀ KHÁC BIỆT TRONG HƯỚNG DẪN TĂNG HUYẾT ÁP ESC 2024 SO VỚI ESH 2023 VÀ AHA 2017
Bệnh tim mạch (CVD- Cadiovasculer Disease) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Bệnh tăng huyết áp (THA) là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác. Các hướng dẫn thực hành lâm sàng đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng đưa ra quyết định điều trị dựa trên bằng chứng khoa học mới nhất. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhiều hướng dẫn khác nhau có thể gây khó khăn cho bác sĩ áp dụng chẩn đoán , điều trị và chăm sóc bệnh nhân tối ưu nhất.

Bài viết này sẽ tóm tắt những điểm mới và khác biệt quan trọng trong hướng dẫn quản lý THA của Hội Tim mạch Châu Âu (ESC- European Society of Cardiology) 2024, đồng thời so sánh với hướng dẫn của ESH hội tăng huyết áp Châu Âu (European Society of Hypertension ) năm 2023 và ACC/AHA Hội tim mạch Hoa Kỳ/ hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology/ American Heart Association) năm 2017.
Những điểm mới và khác biệt chính:
1. Phân loại huyết áp:
Hướng dẫn ESC 2024 giới thiệu cách phân loại huyết áp mới, đơn giản hơn:
• Huyết áp không tăng (<120/70 mmHg)
• Huyết áp tăng (120-139/70-89 mmHg)
• Tăng huyết áp (≥140/90 mmHg)
• Cách phân loại này khác với hướng dẫn ACC/AHA 2017 , tăng huyết áp  là ≥130/80 mmHg và ESH 2023 phân loại huyết áp theo mức độ: tối ưu, bình thường, cao bình thường, tăng huyết áp độ1,2,3).

2. Đánh giá nguy cơ:
ESC 2024 nhấn mạnh việc đánh giá nguy cơ CVD ở những người có huyết áp để xác định đối tượng cần điều trị bằng thuốc. Hướng dẫn này khuyến cáo sử dụng phương pháp 4 bước để đánh giá nguy cơ CVD:
• Xác định các yếu tố nguy cơ cao như CVD, CKD( suy thận mạn tính), HMOD (tổn thương cơ quan đích), đái tháo đường, tăng cholesterol máu gia đình.
• Sử dụng thang điểm SCORE2 hoặc SCORE2-OP để dự đoán nguy cơ CVD trong 10 năm.
• Cân nhắc các yếu tố nguy cơ phi truyền thống để phân loại nguy cơ ở những người có nguy cơ trung bình (5-10%) (VD: chủng tộc, kinh tế xã hội, viêm hệ thống,…)
• Sử dụng các xét nghiệm đánh giá nguy cơ đặc hiệu (ví dụ: điểm vôi hoá mạch vành, mảng xơ vữa động mạch, tốc độ sóng xung) nếu nguy cơ vẫn chưa rõ ràng.
Hướng dẫn ACC/AHA 2017 cũng sử dụng đánh giá nguy cơ để hướng dẫn điều trị hạ huyết áp, nhưng không chi tiết bằng ESC 2024. 
ESH 2023 khuyến cáo phân tầng nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân THA, nhưng không nêu rõ cách sử dụng kết quả đánh giá nguy cơ để hướng dẫn điều trị.

3. Đo huyết áp:  
ESC 2024 khuyến cáo đo huyết áp ngoài phòng khám (out-of-office) trong cả chẩn đoán và quản lý THA, chỉ sử dụng đo huyết áp tại phòng khám khi không thể đo ngoài phòng khám. 
ACC/AHA 2017 cũng khuyến cáo đo huyết áp ngoài phòng khám, nhưng không đề cập đến việc đo lặp lại tại phòng khám nếu không thể đo ngoài phòng khám. 
ESH 2023 khuyến cáo chẩn đoán THA bằng cách đo huyết áp lặp lại tại phòng khám (ít nhất 2 lần), nhưng cũng khuyến cáo đo huyết áp ngoài phòng khám để bổ sung thông tin.

4. Khám đánh giá:
ESC 2024 khuyến cáo:
• HMOD bằng các xét nghiệm creatinine huyết thanh, tốc độ lọc cầu thận ước tính, tỷ lệ albumin/creatinine niệu, điện tâm đồ 12 chuyển đạo, siêu âm tim, soi đáy mắt.
• Sàng lọc THA thứ phát ở những người có dấu hiệu, triệu chứng hoặc tiền sử gợi ý
• Đánh giá THA kháng trị bằng cách chuyển đến các trung tâm chuyên khoa và cân nhắc xét nghiệm tuân thủ điều trị.
Các khuyến cáo này chi tiết hơn so với ACC/AHA 2017 và ESH 2023.

5. Điều trị:
• Điều trị bằng thuốc: 
• Ngưỡng bắt đầu: ESC 2024 khuyến cáo bắt đầu điều trị bằng thuốc sớm cho những người có huyết áp ≥140/90 mmHg, bất kể tuổi tác và nguy cơ CVD.
• ACC/AHA 2017 cũng khuyến cáo tương tự. 
• ESH 2023 khuyến cáo bắt đầu điều trị bằng thuốc ở ngưỡng huyết áp tâm thu cao hơn (160 mmHg) cho bệnh nhân ≥80 tuổi.
• Lựa chọn thuốc: ESC 2024 và AHA/ACC có sự tương đồng về lựa chọn thuốc điều trị hàng đầu là ACEi, ARB, thuốc chẹn kênh canxi DHP và thuốc lợi tiểu thiazide/giống thiazide. 
• ESH 2023 khác biệt đáng kể khi bao gồm cả thuốc chẹn beta giao cảm là thuốc hàng đầu.
• Liệu pháp phối hợp: ESC 2024 và ESH 2023 khuyến cáo điều trị phối hợp 2 thuốc liều cố định ban đầu ở hầu hết bệnh nhân THA. 
• ACC/AHA 2017 cũng khuyến cáo bắt đầu với 2 thuốc cho những người có huyết áp ≥140/90 mmHg, nhưng chỉ khi huyết áp trung bình cao hơn 20/10 mmHg so với mục tiêu.
• Cắt bỏ thần kinh thận: ESC 2024 và ESH 2023 cho rằng cắt bỏ thần kinh thận có thể được xem xét cho những bệnh nhân THA không kiểm soát được bằng thuốc
• Mục tiêu huyết áp: 
• ESC 2024 khuyến cáo mục tiêu HATT ban đầu là 120-129 mmHg ở hầu hết người trưởng thành, nếu dung nạp tốt. Nếu không đạt được mục tiêu này, hướng dẫn khuyến cáo đặt mục tiêu HATT "thấp nhất có thể đạt được" (ALARA)
• ACC/AHA 2017 khuyến cáo mục tiêu huyết áp tương tự (<130/80 mmHg), nhưng cường độ khuyến cáo khác nhau tùy thuộc vào nguy cơ của bệnh nhân.
• ESH 2023 phân tầng mục tiêu huyết áp theo độ tuổi, và đặc biệt khuyến cáo không nên đặt mục tiêu huyết áp dưới 120/70 mmHg

6. Tăng huyết áp kháng trị:
ESC 2024 và ESH 2023 đều ủng hộ spironolactone là thuốc hàng đầu cho THA kháng trị. ACC/AHA 2017 cũng ủng hộ spironolactone, nhưng không đưa ra khuyến cáo chính 
thức.

Kết luận:
Hướng dẫn ESC 2024 có nhiều điểm tương đồng với ESH 2023 và ACC/AHA 2017, nhưng cũng có những khác biệt quan trọng. ESC 2024 có xu hướng điều trị tích cực hơn, với mục tiêu huyết áp thấp hơn và khuyến cáo mạnh mẽ về chăm sóc đa ngành. Việc hiểu rõ những điểm mới và khác biệt này sẽ giúp các bác sĩ lâm sàng áp dụng hướng dẫn ESC 2024 một cách hiệu quả, từ đó cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp.

Tài liệu tham khảo: McCarthy, C. P., Bruno, R. M., Rahimi, K., Touyz, R. M., & McEvoy, J. W. (2025). What is new and different in the 2024 European Society of Cardiology guidelines for the management of elevated blood pressure and hypertension? Hypertension, 82(3), 432–444.

Danh mục: Tài liệu

Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay