SINH LÝ_TIÊU HOÁ Ở MIỆNG VÀ THỰC QUẢN

Đăng vào ngày 2021-09-21 16:45:53 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

SINH LÝ HỌC

Ở miệng, thức ăn được nhào trộn với nước bọt rồi được đẩy xuống thực quản. Sau đó các sóng nhu động của thực quản sẽ chuyển thức ăn xuống dạ dày.

►Các hiện tượng cơ học ở miệng: Nhai và nuốt

1. Nhai

 

Người ta nhai bằng răng: Răng cửa để cắt, răng hàm để nghiền. Các cơ hàm khi cùng làm việc sẽ làm cho hai hàm răng khít lại (cắn răng). Hầu hết các cơ nhai đều do nhánh vận động của dây V chi phối. Trung tâm nhai nằm ở thân não. Phản xạ nhai diễn ra như sau: Thức ăn ép vào miệng gây ức chế các cơ nhai làm hàm dưới trễ xuống và làm căng các cơ hàm, các cơ hàm co lại, hàm dưới nâng lên làm hai hàm răng khít lại đồng thời ép viên thức ăn vào miệng, các cơ nhai lại bị ức chế…,  cứ như thế động tác nhai được lặp đi lặp lại.

Nhai rất quan trọng đối với sự tiêu hoá của thức ăn vì các enzym tiêu hoá chỉ tác dụng trên bề mặt của các phần tử thức ăn. Sự nghiền thức ăn thành những phần tử nhỏ rồi trộn lẫn với nước bọt vừa làm tăng diện tích tiếp xúc của thức ăn với enzym tiêu hoá vừa làm cho thức ăn được vận chuyển dễ dàng mà không làm tổn thương ống tiêu hoá. Riêng đối với rau quả, nhai còn quan trọng ở chỗ nó phá vỡ màng bọc cellulose để những phần dinh dưỡng ở bên trong có thể được tiêu hoá và hấp thu. Những người không có răng thường không thể ăn được thức ăn khô.

2. Nuốt

 

Nuốt là một động tác nửa tuỳ ý, nửa tự động có cơ chế phức tạp, được chia làm ba giai đoạn:

- Giai đoạn nuốt có ý thức: Viên thức ăn được đặt trên lưỡi, lưỡi cử động lên trên và ra sau để đẩy thức ăn vào họng. Bắt đầu từ đây, nuốt trở thành phản xạ tự động.

- Giai đoạn họng không có ý thức: Viên thức ăn kích thích vùng nhận cảm nuốt ở quanh vòm họng, đặc biệt trên các cột hạnh nhân. Xung động truyền về trung tâm nuốt ở hành não theo các sợi cảm giác của dây tam thoa, dây IX. Từ trung tâm, xung động theo các dây thần kinh V, IX, X và XII đến họng và thực quản gây co các cơ của họng theo trình tự sau:

+ Họng mềm bị kéo lên trên để đóng lỗ mũi sau, ngăn sự trào ngược thức ăn vào khoang mũi.

+ Các nếp gấp của vòm họng ở hai bên được kéo vào giữa tạo thành một rãnh dọc để thức ăn qua đó vào họng sau. Rãnh này không cho những thức ăn hoặc vật có kích thước lớn đi qua.

+ Các dây thanh âm nằm sát cạnh nhau, thanh quản bị kéo lên trên và ra trước bởi các cơ cổ. Động tác này cùng với sự có mặt của các dây chằng làm cho nắp thanh quản bị đưa ra sau che kín thanh môn, ngăn không cho thức ăn đi vào khí quản.

+ Thanh quản bị kéo lên trên cũng làm mở rộng khe thực quản, cơ thắt họng, thực quản giãn ra, đồng thời toàn bộ cơ thành họng co lại đẩy thức ăn từ họng vào thực quản.

Toàn bộ giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 2 giây.

- Giai đoạn thực quản: Chức năng chủ yếu của thực quản là đưa thức ăn từ họng vào dạ dày nhờ các sóng nhu động. Thời gian thức ăn di chuyển trong thực quản khoảng 8 đến 10 giây. Nếu người ta ăn ở tư thế đứng thì thức ăn sẽ được chuyển nhanh hơn (chỉ mất khoảng 5 đến 8 giây) do tác dụng của trọng lực kéo thức ăn xuống.

Các sóng nhu động của thực quản được kiểm soát bởi dây thần kinh số IX, dây X và đám rối thần kinh Auerbach ở thực quản.

Khi sóng nhu động của thực quản đến gần dạ dày, cơ thắt dạ dày – thực quản giãn ra, đồng thời với sự giãn của phần trên dạ dày, sóng nhu động ở phía sau viên thức ăn đẩy nó vào dạ dày. Bình thường cơ thắt dạ dày – thực quản ở trạng thái co trương lực để ngăn cản sự trào ngược của thức ăn acid từ dạ dày lên thực quản.

Bài tiết nước bọt

1. Nguồn gốc, thành phần và đặc tính của nước bọt

Có ba đôi tuyến nước bọt là tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi. Ngoài ra trong khoang miệng cũng có rất nhiều tuyến nước bọt nhỏ. Các tuyến nước bọt mang tai có kích thước lớn nhất nhưng các tuyến nước bọt dưới hàm mới quan trọng vì chúng bài tiết khoảng 70% lưu lượng nước bọt trong ngày.


   Hình - Cấu trúc của salivon.

Đơn vị bài tiết cơ bản của tuyến nước bọt được gọi là salivon (hình 11.1). Mỗi salivon gồm nang (acinus) và ống dẫn nước bọt. Lòng nang được nối với hệ thống ống dẫn phân nhánh. Các nang nước bọt được cấu tạo từ hai loại tế bào: Tế bào thanh dịch và tế bào nhày. Tế bào thanh dịch bài tiết thanh dịch chứa các chất điện giải và enzym amylase nước bọt. Tế bào nhày bài tiết chất nhày. Các tuyến mang tai chỉ bài tiết thanh dịch; các tuyến nước bọt nhỏ trong miệng chỉ bài tiết chất nhày; các tuyến dưới hàm và dưới lưỡi bài tiết cả thanh dịch và chất nhày. Nước bọt ra khỏi nang có nồng độ ion Na+, K+ và Cl- giống như của huyết tương. Nhưng khi nước bọt chảy qua ống dẫn, các ion Na+ và Cl- được tái hấp thu, đồng thời các ion K+ và HCO3- được bài tiết vào lòng ống. Do đó nồng độ ion K+ nước bọt cao gấp 7 lần, nồng độ ion HCO3- cao gấp 3 lần trong khi nồng độ ion Na+ và Cl- nước bọt chỉ bằng 1/7 đến 1/10 nồng độ của chúng trong huyết tương.

Lưu lượng nước bọt hàng ngày vào khoảng từ 800 đến 1500 ml, pH nước bọt từ 6 đến 7,4 đó là pH tối thuận cho tác dụng tiêu hoá của enzym amylase nước bọt.

2. Vai trò của nước bọt. Nước bọt có nhiều tác dụng:

- Tác dụng tiêu hoá: Enzym amylase nước bọt có tác dụng phân giải tinh bột chín thành đường maltose, maltotriose và oligosaccarid. pH tối thuận của amylase nước bọt là 7. Khi thức ăn vào dạ dày, do một lượng lớn thức ăn không thể được trộn lẫn ngay với acid của dạ dày nên amylase nước bọt vẫn có tác dụng trong dạ dày và enzym này có thể thuỷ phân tới 75% lượng tinh bột chín ăn vào.

- Nước bọt làm ẩm ướt, bôi trơn miệng và thức ăn tạo  điều kiện cho việc nuốt và nếm được thực hiện dễ dàng.

- Vệ sinh răng miệng: Trong miệng có rất nhiều loại vi khuẩn, chúng dễ dàng huỷ hoại các mô và có thể gây sâu răng. Nước bọt chống lại quá trình huỷ hoại này vì nước bọt chảy sẽ cuốn đi vi khuẩn gây bệnh cũng như nguồn thức ăn cung cấp cho sự chuyển hoá của chúng. Nước bọt cũng chứa một số chất giết vi khuẩn (như ion thyocyanat, lysozym) và chứa kháng thể tiêu diệt vi khuẩn ở miệng, kể cả những vi khuẩn gây sâu răng. Nước bọt còn có tác dụng trung hoà acid do vi khuẩn ở miệng giải phóng ra hoặc acid trào ngược từ dạ dày lên miệng.

- Nước bọt giúp cho sự nói vì nó làm cho môi, lưỡi cử động dễ dàng.

3. Điều hoà bài tiết nước bọt

Tuyến nước bọt là loại tuyến tiêu hoá duy nhất không chịu ảnh hưởng của các hormon tiêu hoá. Chúng chỉ chịu sự điều hoà của thần kinh tự chủ chủ yếu là thần kinh phó giao cảm. Trung tâm kiểm soát sự bài tiết nước bọt là các nhân nước bọt nằm ở giữa cầu não và hành não. Các kích thích gây tăng bài tiết nước bọt là nhai, ngửi hoặc nếm thức ăn (phản xạ không điều kiện). Bài tiết nước bọt cũng tăng lên khi ta nghĩ đến một món ăn nào đó (phản xạ có điều kiện). Bài tiết nước bọt giảm khi ngủ, mệt mỏi, sợ hãi hoặc bị mất nước. Vị chua làm nước bọt tăng bài tiết gấp 8 đến 20 lần bình thường. Sự có mặt của các vật trơn nhẵn trong miệng cũng làm tăng tiết nước bọt. Nước bọt cũng được bài tiết nhiều khi ta nuốt phải những chất kích thích để giúp pha loãng hoặc trung hoà các chất đó trong ống tiêu hoá.

Kích thích các sợi thần kinh phó giao cảm (dây VII, dây IX) làm tăng bài tiết nước bọt loãng giầu chất điện giải và amylase nước bọt.

Nếu cắt các dây phó giao cảm đi đến tuyến nước bọt, các tuyến nước bọt sẽ bị teo đi. Nhưng cắt dây thần kinh giao cảm không làm ảnh hưởng đến kích thước của tuyến.

Kích thích sợi giao cảm làm tăng bài tiết nước bọt giầu chất nhày, khối lượng nước bọt tăng ít hơn so với kích thích thần kinh phó giao cảm. Ngay sau khi kích thích giao cảm, lưu lượng máu giảm nhưng dần dần lưu lượng máu sẽ tăng lên do sự ứ đọng của các chất chuyển hoá gây giãn mạch.

4. Kết quả tiêu hoá ở miệng

Nhờ nhai và bài tiết nước bọt, thức ăn được cắt, nghiền và trộn lẫn với nước bọt thành viên thức ăn mềm, trơn rồi được lưỡi đưa xuống họng vào thực quản. Về mặt hoá học, dưới tác dụng của amylase nước bọt, một số tinh bột được chuyển thành đường maltose và maltotriose, vì thế khi ăn chất bột nếu ta nhai kỹ sẽ thấy có vị ngọt. Amylase nước bọt tiếp tục thuỷ phân tinh bột ở dạ dày cho đến khi thức ăn ngấm acid dưới tác dụng của dịch vị.

Ngoài ra cũng nên lưu ý là do nồng độ ion K+ trong nước bọt cao gấp nhiều lần so với trong huyết tương nên trong một số tình trạng bệnh lý nước bọt bị mất khỏi cơ thể trong một thời gian dài, người ta bị mất nhiều ion K+ làm cho nồng độ ion K+ huyết tương giảm có thể gây liệt.

Chứng khô miệng (xerostomia) là triệu chứng do giảm hoặc không bài tiết nước bọt. Một số thuốc, đặc biệt là thuốc chống trầm cảm với tác dụng anticholinergic có thể gây chứng khô miệng. Bệnh nhân bị khô miệng thường nuốt khó, nói khó và bị rối loạn vị giác, dễ bị viêm niêm mạc miệng và sâu răng.

Resource: sinh lý học

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay