TUYẾN TÙNG - LIỆU CÓ THỂ VIỆC KHAI MỞ “CON MẮT THỨ BA” Ở NGƯỜI?
Tác giả: Prof. Ken Saladin
Dịch: Thành Minh Khánh
Các câu hỏi về tuyến tùng hay cái gọi là "con mắt thứ ba" ở con người xuất hiện thường xuyên trên Quora đến nỗi tôi đang cố gắng tổng hợp các câu trả lời trước đây của mình thành một tổng quan với một mục đích chung. Tôi đã đưa vào các tiêu đề theo từng phần để giúp định hướng đến bất kỳ quan điểm nào phù hợp nhất với những gì mà mọi người đã hỏi. Nếu sự quan tâm của bạn chủ yếu là vôi hóa, "khai mở" tuyến tùng, hoặc giải thích "con mắt thứ ba", bạn có thể cuộn trực tiếp đến các tiêu đề đó và bỏ qua phần sinh học đại cương.
I. Tuyến tùng (pineal gland) là gì?
Tuyến tùng là một tuyến rất nhỏ, dài từ 5 - 8 mm, nằm trong hệ nội tiết của hầu hết các loài động vật có xương sống từ cá cho đến linh trưởng, kể cả con người. Nó được đặt tên như vậy vì sự giống với hạt thông "pine nut" (chứ không phải là nón thông "pine cone", như thường bị viết sai). Nó còn được gọi là "epiphysis cerebri", đây có lẽ là một từ khoá để tìm kiếm hữu ích nếu bạn muốn tìm hiểu thông tin về nó. Ở cá, động vật lưỡng cư và bò sát, tuyến tùng nằm gần vỏ não ngay dưới hộp sọ, nhưng ở động vật có vú, sự phát triển của bán cầu đại não khiến nó bị vùi lấp sâu vào trong não (Hình 1).
Hình 1. Tuyến tùng ở người (ở mũi tên). So sánh với hạt thông Địa Trung Hải (Pignolias). [1]
II. Tuyến tùng có chức năng gì?
Tuyến tùng tiết ra hormone tên là melatonin có liên quan đến nhịp sinh học theo ngày và theo mùa (circadian & seasonal rhythms) trong sinh lý và hành vi của động vật. Tuyến tùng tổng hợp melatonin từ chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Sự bài tiết melatonin hàng ngày đạt đỉnh khoảng 3 đến 5 giờ sau khi một người chìm vào giấc ngủ, và nồng độ của nó dao động theo mùa. Ở những động vật sinh sản theo mùa, nó điều hoà các tuyến sinh dục và sự khởi phát các hành vi sinh sản, đồng thời cũng tham gia vào quá trình di cư theo mùa của nhiều loài. Một số nhà sinh lý học cho rằng tuyến tùng của con người đóng một vai trò trong việc bắt đầu tuổi dậy thì, nhưng bằng chứng cho giả thuyết này là không đủ thuyết phục. Các khối u tuyến tùng đôi khi có liên quan đến dậy thì sớm ở trẻ nam, [2] nhưng không rõ liệu chúng có phải là nguyên nhân trực tiếp hay là do tổn thương các mô não lân cận. Ở người, các thụ thể của melatonin có mặt khắp cơ thể, bao gồm cả các tế bào tiểu đảo tụy sản xuất insulin. Khiếm khuyết ở các thụ thể melatonin làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể với insulin và có liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2. Melatonin cũng có liên quan đến các rối loạn khí sắc như hiện tượng "jet lag", rối loạn cảm xúc theo mùa (seasonal affective disorder, SAD) và hội chứng tiền mãn kinh (PMS). Tuy nhiên, cũng có bằng chứng chống lại vai trò của nó trong bất kỳ trường hợp nào trong số những trường hợp này, vì vậy bồi thẩm đoàn vẫn bỏ ngỏ câu hỏi đó. Tuy nhiên, nhiều người khẳng định melatonin có hiệu quả đối với họ trong việc giảm thiểu tình trạng "jet lag" hoặc hỗ trợ giấc ngủ. (Chính bản thân tôi đã sử dụng nó để ngủ.)
III. Cấu trúc và thành phần của tuyến tùng như thế nào?
Dưới kính hiển vi (Hình 2), tuyến tùng không phải là một cơ quan đáng chú ý hoặc có vẻ ngoài thú vị, ngay cả đối với những người cảm thấy hứng thú với mô học của hầu hết các cơ quan. Hầu hết mọi cơ quan trông thú vị hơn nhiều so với tuyến tùng dưới kính hiển vi. Tuyến tùng bao gồm hầu hết các tế bào tiết melatonin nhỏ gọi là các tế bào tuyến tùng (pinealocytes), xen kẽ với các tế bào hỗ trợ, các neuron và các tế bào giống neuron.
Hình 2. Mô học ở tuyến tùng con người. Ở độ phóng đại thấp và cao. [3]
Tuy nhiên, một điểm thú vị hơn được thấy ở nhiều phần của mô là phần bồi tụ được gọi là "corpora arenacea" [4] (dạng số ít là corpus arenaceum), hay còn được gọi là "acervuli" (Hình 3). Corpora arenacea được dịch là "các thể cát, sand bodies" và thậm chí một số tác giả sinh học còn gọi những hạt này là "cát não, brain sand", nhưng đó chỉ là lối nói tượng hình của lời nói. Điều này khiến một số người hỏi tôi tại sao não lại chứa thạch anh "quartz", [5] giống như cát ở bãi biển. Tuy nhiên, thạch anh là silicon dioxide (SiO2). Mặt khác, "corpora arenacea" bao gồm calcium phosphate, calcium carbonate, magnesium phosphate và ammonium phosphate. "Acervuli" được dịch là "những đống nhỏ, little heaps" và là một thuật ngữ cũng được sử dụng trong thực vật học. Ý nghĩa chức năng của chúng, nếu có, vẫn chưa được biết. Theo quá trình lão hóa, chúng tích tụ trong tuyến tùng và một số mô não khác như các đám rối màng mạch "choroid plexuses". Chúng thường có thể nhìn thấy trên film chụp CT não (Hình 4) ở độ tuổi hai mươi hoặc ba mươi và do đó, chúng được dùng làm mốc giải phẫu X quang cho vị trí của tuyến tùng. Đây là thứ được mô tả là vôi hóa tuyến tùng "pineal gland calcification"; càng lớn tuổi càng nhiều hơn.
Hình 3. Một Corpus arenaceum ở tuyến tùng [6] (Trái) so với cát ở biển (thạch anh) [7] (Phải).
Ngoài việc là các hạt cứng, không có sự giống nhau về mặt vật lý hay hóa học giữa chúng. Tuy nhiên, loại cát biển có nguồn gốc từ san hô nghiền thành bột và vỏ các loài nhuyễn thể thì tương tự về mặt hóa học (calcium carbonates và phosphates) so với corpora arenacea.
Hình 4. Tuyến tùng bị vôi hóa (mũi tên). Ảnh chụp CT của một người đàn ông 63 tuổi. Tuyến tùng ở đây có đường kính khoảng 7 mm. [8] Điều này đôi khi hữu ích, đóng vai trò như một mốc giải phẫu X quang cho phẫu thuật não so với các mô xung quanh.
IV. Tuyến tùng có phải là cơ quan thụ cảm ánh sáng không?
Con người và các động vật có vú khác không có tế bào cảm thụ ánh sáng ở tuyến tùng, nhưng nhiều động vật có xương sống khác thì có. Ở một số loài cá và hầu hết các loài lưỡng cư và bò sát, tuyến tùng có sự liên quan với mắt thái dương "parietal eye" (hay “mắt thứ ba” hoặc “mắt tùng, pineal eye”) (Hình 5), chứa các tế bào thụ cảm ánh sáng và phản ứng trực tiếp với ánh sáng. Thường có một vùng mỏng, trong suốt của hộp sọ hoặc vảy bò sát che phủ trên mắt thái dương để cho phép các thụ thể này tiếp cận trực tiếp với ánh sáng mặt trời, và trong một số trường hợp, tuyến tùng thậm chí còn nhô ra khỏi hộp sọ.
Hình 5. "Mắt thái dương thứ ba". (Trái) ở ễnh ương, Rana catesbiana. [9] (Phải): Một con thằn lằn, tuatara, Sphenodon dotatus. [10]
Các tế bào thụ thể ánh sáng của tuyến tùng của những động vật có xương sống này rất giống với các tế bào thụ cảm ánh sáng của võng mạc (các tế bào hình que và hình nón), đặc biệt là ở các lớp màng song song phức tạp chứa đầy sắc tố thị giác (Hình 6).
Hình 6. Tế bào thụ thể ánh sáng ở mắt thái dương ở cá mút đá, Petromyzon. [11]
Phần bên ngoài (phần OS trong hình B ) chứa các lớp màng ngăn cách nằm sát nhau chứa đầy sắc tố thị giác, giống như phần bên ngoài của tế bào hình que và tế bào hình nón của con người. Đó là nắp tối màu, đặc trong ô nhỏ ở hình C.
Tuy nhiên, ở người và các động vật có vú khác, không có mắt thái dương và tuyến tùng không có các tế bào như vậy. Hộp sọ quá dày và bán cầu đại não quá lớn nên không thể cho phép ánh sáng chiếu tới tuyến tùng của động vật có vú. Một câu hỏi trên Quora từng đặt cho tôi đã trích dẫn một bài báo, “Các thụ thể ánh sáng trong tuyến tùng và não,” và hỏi, “Tại sao mọi người lại khẳng định rằng tuyến tùng không có thụ thể ánh sáng, trong khi nghiên cứu cho thấy rõ ràng ngược lại?” [12] Một người khác, trích dẫn cùng một bài báo, "Tại sao chúng ta có các thụ thể ánh sáng (màu sắc) bên trong tuyến tùng?" [13]
Tuy nhiên, điều mà những người đặt ra câu hỏi này bỏ qua là các nhà nghiên cứu, Okano và Fukada (2000), [14] đang nghiên cứu các tế bào thụ thể hình nón trong tuyến tùng ở các động vật có xương sống nguyên thủy hơn (lưỡng cư và bò sát), không phải ở con người hoặc bất kỳ động vật có vú nào khác. Okano và Fukada đã viết, “Các cơ quan tùng nằm ngoài sọ của các loài thấp hơn động vật có vú (submammalians) là các cơ quan thụ cảm ánh sáng hình nón chiếm ưu thế, nhạy cảm với các bước sóng ánh sáng khác nhau” (tôi nhấn mạnh thêm). Chúng ngụ ý rõ ràng rằng các loài động vật có vú như chúng ta không có tế bào nón tùng hay sắc tố nhạy cảm với màu sắc như vậy. Một vài dòng sau đó, họ nói rằng “tuyến tùng của động vật có vú được hầu hết các tác giả coi là cơ quan nhạy cảm với ánh sáng.” [15] Trong quá trình kiếm tài liệu của tôi, tài liệu tham khảo duy nhất tôi có thể tìm thấy để hướng sự nhạy cảm của tùng với ánh sáng ở động vật có xương sống biến nhiệt, liên quan đến các loài chim.
V. Tuyến tùng có gián tiếp thu nhận bất kỳ thông tin nào về ánh sáng từ môi trường không?
Có, rõ ràng nó nhận thông tin từ mắt bằng con đường gián tiếp. Trong võng mạc, có một hàng tế bào thần kinh được gọi là tế bào hạch (ganglion cells) có các sợi trục tạo thành dây thần kinh thị giác. Hầu hết chúng tiếp nối synapse ở nhân thể gối ngoài "lateral geniculate nucleus" của đồi thị với các neuron để tiếp tục đến vỏ não thị giác ở vùng thuỳ chẩm, nhờ đó mà chúng ta có ý thức nhìn thấy một thứ gì đó.
Hình 7. Mô học của võng mạc người. [16]
Tuy nhiên, một số tế bào hạch chứa sắc tố cảm quang của riêng chúng, melanopsin, khác với rhodopsin của tế bào hình que và photopsin của tế bào hình nón. Các tín hiệu từ các tế bào hạch này không truyền đến vỏ não thị giác mà đến các trung tâm ở thân não kiểm soát đường kính đồng tử và theo các đường đi đến tuyến tùng. Những sợi này kết thúc ở một khu vực của vùng hạ đồi được gọi là nhân trên giao thị "suprachiasmatic nucleus", có liên quan đến đồng hồ chu kỳ sinh học (circadian biological clock) của chúng ta. Một neuron thứ hai đi từ đây xuống thân não và tủy sống, thoát ra khỏi tủy sống ở vùng ngực trên "superior cervical ganglion". Từ đây, các sợi đi vào lại khoang hộp sọ và đi trở lại tuyến tùng. Do đó, tuyến tùng nhận thông tin về chu kỳ sáng - tối hằng ngày, tỷ lệ L: D (Light:Dark ratio), trong môi trường của chúng ta. Bộ não động vật sử dụng thông tin này về sự thay đổi độ dài ngày-đêm theo mùa cho các mục đích khác nhau, từ vỗ béo vào mùa đông cho đến di cư đến vùng có khí hậu ấm hơn. Ý nghĩa chức năng của con đường này ở người vẫn chưa được biết.
VI. Tại sao nó được gọi là “Con mắt thứ ba”? - Triết học và thuyết thần bí về tuyến tùng
Tuyến tùng đã được biết đến từ xa xưa với các bác sĩ và nhà giải phẫu học thời Hy Lạp cổ đại như Galen (129 – 200 sau Công nguyên). Không rõ ai đã đặt tên cho nó, nhưng Galen đã biết về nó và nói rằng nó được đặt tên vì giống với hạt thông Địa Trung Hải (xem Hình 1). [17] Vì quá nhỏ và nằm sâu trong não, tuyến tùng là một trong những đối tượng nghiên cứu khó tiếp cận nhất và về mặt lịch sử, những quan điểm về tuyến tùng có vẻ như là được suy đoán triết học nhiều hơn là khoa học thực nghiệm. Bản chất đơn độc và vị trí trung tâm đã khiến nhà triết học René Descartes (1596–1650) coi đây là nơi trú ngụ của linh hồn con người. Ông cho rằng các dây thần kinh mang cảm giác đến tuyến tùng, khiến nó rung lên một chút, và những rung động này là những gì chúng ta cảm nhận như ý tưởng, suy nghĩ và ký ức (M. Catani & S. Sandrone, Brain Renaissance, Oxford Univ. Press, 2015).
Ý tưởng về con mắt thứ ba xuất phát từ truyền thống thần bí cổ đại ở Ấn Độ và Trung Quốc - từ Ấn Độ giáo, Phật giáo, Đạo giáo và Thiền. Những truyền thống này coi nó như là "một con mắt tâm linh vô hình", cửa ngõ dẫn đến ý thức cao hơn, luân xa thứ sáu của Ấn Độ giáo. Họ tin rằng nó nằm ở trán giữa hai mắt - đâu đó ở gần tuyến tùng ở sau não. Khái niệm con mắt thứ ba đã được phổ biến ở phương Tây bởi triết học Thời đại Mới (New Age philosophy) xuất hiện vào những năm 1970 với sự quan tâm đến chủ nghĩa tâm linh phương Đông. [18] Các biểu tượng tôn giáo mô tả con mắt thứ ba đôi khi có sự tương đồng đáng chú ý với mắt thái dương của động vật có xương sống không có vú và có xương sống không phải chim. (so sánh Hình 8A với Hình 5).
Hình 8. Con mắt thứ ba trong mô tả hình tượng. A: Tượng bán thân của thần Shiva từ cuối thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ 10 ở Campuchia; từ bộ sưu tập của Bảo tàng Guimet ở Paris. [19] B: Con mắt thứ ba của thần Shiva. [20] C: Con mắt thứ ba trong poster nghệ thuật Thời đại Mới. [21]
Nhà thông thiên học (theosophist) người Nga Madame Blavatsky (1831–1891) đề xuất rằng con mắt thần bí thứ ba ở thời cổ đại thực chất là tuyến tùng mà khoa học đã biết. [22] Trong khoảng thời gian gần đây, việc đặt ra rất nhiều câu hỏi trên Quora và các nơi khác, nhiều nhà thần bí, đạo sư, nhà lãnh đạo tâm linh và nhà văn tự phong đã thương mại hóa và quảng bá khái niệm thức tỉnh “awakening” hay mở “opening" con mắt thứ ba, hẳn là vì lợi nhuận,. Nhiều người dường như đang gán ghép con mắt tưởng tượng này với "mắt tùng" giải phẫu được chứng minh ở các loài động vật không phải động vật có vú khác, hoặc cố tình cung cấp kiến thức khoa học về "mắt thái dương" được cho là "bằng chứng" về những gì các nhà thần bí đã nói trong nhiều thế kỷ. Họ đưa ra giả định sai là do tuyến tùng của các động vật khác nhạy cảm với ánh sáng, nên tuyến tùng của con người cũng vậy.
Hình 9. Một số cuốn sách phổ biến về “Con mắt thứ ba”.
VII. Làm cách nào để khai mở hoặc hoạt hóa tuyến tùng của tôi?
Đây là một câu hỏi trên Quora rất phổ biến. [23] [24] Câu trả lời là, bạn không thể mở nó. Không có gì để mở ở đây cả (xem hình 2). Ý tưởng khai mở tuyến tùng, được cho là để đạt được nhận thức tâm linh là nhiều hơn, bắt nguồn từ ý tưởng không được ủng hộ về việc tuyến tùng là một con mắt. Người ta có thể đạt được thức tỉnh tinh linh "spiritual awareness" hoặc giác ngộ thông qua các kỹ thuật thiền định khác nhau từ Kundalini Yoga đến Thiền siêu việt "Transcendental Meditation", và tôi không có ý chỉ trích ở đây về mục đích của các phương pháp đó, nhưng nó không liên quan gì đến tuyến tùng. Ý tưởng về việc khai mở tuyến tùng có thể chỉ được hiểu theo nghĩa ẩn dụ, nhưng nếu hiểu theo nghĩa đen - một lỗ mở vật lý mà người ta có thể quan sát thấy trong các cuộc khám nghiệm tử thi của những người đã chết “đã được giác ngộ” - Tôi sẽ phải bác bỏ chúng vì đó những ngôn từ vô nghĩa ngụy khoa học. Nếu một giả thuyết như vậy không thể được kiểm tra và hỗ trợ bởi bằng chứng thực nghiệm, do đó nó không có giá trị như kiến thức khách quan.
Khái niệm “hoạt hóa” tuyến tùng rõ ràng bắt nguồn từ cuốn sách của Rick Strassman, DMT: The Spirit Molecule (2000) [25] cho rằng tuyến tùng tiết ra N, N-dimethyvianptamine (DMT). DMT đã được sử dụng như một loại thuốc nhằm mục đích tiêu khiển "recreational drug" từ những năm 1960 bởi các tác dụng hướng thần mà một số người dùng thuốc mô tả là trải nghiệm ngoài cơ thể hay thức thần "out-of-body or psychedelic experiences" [26] hoặc “giao tiếp với thực tế bên ngoài.” [27] Strassman liên hệ DMT với trải nghiệm bắt cóc bởi người ngoài hành tinh và suy đoán rằng nó “tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển của linh hồn vào và ra khỏi cơ thể.” Tôi thấy những thứ tưởng tượng như vậy không có giá trị gì, không đáng để theo đuổi hơn là Uri Geller hay Eric Von Däniken (một nhà ảo thuật và nhà một tác giả nổi tiếng với các nghiên cứu về vấn đề các sinh vật ngoài Trái Đất.)
DMT xuất hiện với một lượng nhỏ trong tuyến tùng của chuột, nhưng không chắc chắn rằng tuyến tùng là nguồn gốc của nó; nó cũng xảy ra ở các vùng não khác (chẳng hạn như vỏ não thị giác) và nó hiện diện với số lượng tương tự khi có hoặc không có tuyến tùng (như được tìm thấy ở chuột đã cắt tuyến tùng). MRNA mã hóa cho một enzyme tổng hợp DMT, INMT, xuất hiện trong tuyến tùng của con người nhưng cũng có trong nhiều mô khác trên khắp cơ thể, và có các chức năng khác bên cạnh việc sản xuất DMT. [28] Bản thân DMT không được phát hiện trong tuyến tùng hoặc não của con người. Tuyến tùng sản xuất khoảng 30 microgam melatonin mỗi ngày và sẽ phải nhanh chóng sản xuất 25 miligam DMT (gấp một nghìn lần trong một phần nhỏ thời gian, vì nó bị phá vỡ nhanh chóng) để đạt đến ngưỡng cho bất kỳ trải nghiệm ảo giác nào. . [29] [30] Điều này là không thể tin được, để nói rằng ít nhất.
VIII. Tôi có thể điều hòa tuyến tùng của mình không?
Cách duy nhất mà tôi từng nghe nói đến là điều hòa tuyến tùng nhân tạo (sửa đổi chức năng của nó) bằng cách đèn chiếu. Ánh sáng chói ức chế bài tiết melatonin và đã được phát hiện để cải thiện giấc ngủ và giảm trầm cảm ở những người không nhận đủ ánh sáng mặt trời tự nhiên. Ví dụ, những người làm ca đêm thường không nhận được đủ ánh sáng tự nhiên vì họ thức và làm việc vào ban đêm và ngủ vào ban ngày trong khi mặt trời chiếu sáng. Rối loạn giấc ngủ và rối loạn tâm trạng đôi khi có thể thuyên giảm bằng một khoảng thời gian ngắn (ít nhất là 30 phút) ánh sáng rực rỡ mỗi ngày. Tôi không thể dễ dàng tìm thấy thông tin tốt về các lựa chọn, nhưng tôi thấy một số công ty bán “hộp đèn” cho việc này (nằm gục đầu trong hộp có đèn sáng); Tôi không biết liệu cách này có hiệu quả không hay chỉ là cách viết hoa lung tung dựa trên niềm tin phổ biến. Tôi đã nghe nói về một số công ty (nhà máy, bệnh viện, v.v.) có nhân viên làm ca đêm cung cấp phòng chiếu đèn - một căn phòng nhỏ có đèn huỳnh quang sáng dọc các bức tường - nơi nhân viên có thể đi chiếu đèn trị liệu trong nửa giờ hoặc lâu hơn. trước khi họ về nhà, được cho là cải thiện giấc ngủ và tâm trạng thông qua hoạt động của nó trên quả tùng. Tuy nhiên, việc không tìm thấy kết quả đáng kể trong các thử nghiệm có đối chứng với giả dược, kết hợp với lo ngại về tác dụng có hại quá mức, đã dẫn đến việc đóng cửa các phòng khám trị liệu bằng ánh sáng ở Thụy Điển. [31]
IX. Làm cách nào để tôi có thể khử vôi hóa (decalcify) tuyến tùng của mình?
Tuyến tùng bị vôi hóa dần dần theo tuổi tác, tích tụ các corpora arenacea ngay cả khi chúng ta còn nhỏ. Chúng hình thành ngay cả ở các loài chim nhưng không hình thành ở bất kỳ nhóm động vật có xương sống nào khác từ cá đến bò sát. [32]
Một số câu hỏi khác đã nảy sinh trên nguồn tài liệu của tôi về việc liệu điều này có ảnh hưởng gì đến chức năng tuyến tùng hoặc não hay không, liệu nó có hại không, liệu chất fluoride trong nước uống có ảnh hưởng đến nó hay không và liệu nó có thể đảo ngược không hoặc có lý do nào để đảo ngược quá trình vôi hóa hay không?
Fluoride dường như góp phần vào quá trình vôi hóa tuyến tùng, như đã thảo luận trong một nghiên cứu về vịt cát "merganser ducks" của Kalisinska và cộng sự. (2014) [33] về các tác động đối với động vật có vú và tuyến tùng con người. Các tác giả này đã nói trong đoạn 4 về tác dụng gây độc thần kinh của fluoride lên não của động vật có vú như chính con người chúng ta. Trong các tài liệu ít ỏi có sẵn cho đến thời điểm này, các tác động được báo cáo ảnh hưởng lên não của động vật có vú dường như tập trung vào sự stress do oxy hóa và quá trình apoptosis (cái chết do “tự sát theo chương trình”) của các tế bào neuron. Nửa tá tài liệu tham khảo của Kalisinska đã chỉ ra những mối liên hệ giả định với sự sụt giảm trong học tập và trí nhớ.
Về việc liệu vôi hóa tuyến tùng có thể bị đảo ngược hay không hoặc có bất kỳ lý do nào để làm điều đó hay không, tôi đã tìm thấy rất ít thông tin ngoại trừ các chế độ ăn kiêng lỗi thời và ý tưởng bổ sung chế độ ăn uống không có cơ sở, chẳng hạn như thực hiện chế độ ăn với một liều giấm táo hàng ngày - hoàn toàn vô nghĩa. Người ta cho rằng malic acid trong giấm sẽ làm tan các hạt calcium trong tuyến tùng. Giấm chắc chắn sẽ hòa tan muối calcium — bất cứ thứ gì từ viên thuốc antacid, phấn viết bảng đen đến xương động vật — nhưng một chút giấm được uống bằng đường uống sẽ không ảnh hưởng đến độ pH của cơ thể và sẽ không bao giờ đến được gần tuyến tùng. Theo giả thuyết này, nếu nó có khả năng hòa tan “cát não”, thì nó cũng sẽ có tác dụng không mong muốn là làm nhuyễn xương của một người (osteomalacia) và sẽ là một lời khuyên tồi.
Nhiều trang web khác nói về chủ đề này có các việc cần làm như bán bộ lọc nước đặc biệt, kính mắt chặn ánh sáng xanh, phương pháp detox, phương thuốc tiếp thị sai sự thật (snake-oil remedies) và các biện pháp khắc phục bằng dầu rắn kiểu như “Activator X” (vâng, đây chính là tên thương mại của một trong số chúng). Tìm kiếm này dẫn đến một lỗ hổng u ám của ngụy khoa học và những câu chuyện phiếm mà tôi không muốn lãng phí thời gian nữa và cũng đừng ai phải lãng phí tiền cho chúng.
Tôi đã tìm thấy một bài báo đáng tin cậy, được đánh giá ngang hàng về vôi hóa tuyến tùng với một phần về sự trẻ hóa tuyến tùng theo giả thuyết và thực nghiệm. Tuy nhiên, về mặt thực nghiệm, điều này liên quan đến các nghiên cứu trong đó các tuyến tùng non được cấy vào mắt (!) của chuột già và cho thấy một số hiệu ứng trẻ hóa, hoặc các tế bào được tiêm vào tuyến tùng của gà con (không giống như tuyến tùng của con người, tuyến tùng ở gà con gần bề mặt vỏ não và dễ tiếp cận). Về mặt giả thuyết, có một số suy đoán về việc liệu có bất kỳ cách hợp lý nào để trẻ hóa tuyến tùng của con người đang bị lão hóa bằng kỹ thuật tiêm hoặc truyền tế bào hay không, [34] nhưng rõ ràng đây không phải là công việc có thể tự làm được.
Lời kết: Tôi hy vọng bài này giải đáp hầu hết các câu hỏi của mọi người về tuyến tùng. Nếu phát sinh các câu hỏi, thay đổi hoặc điều chỉnh mới, tôi sẽ chỉnh sửa và cập nhật điều này ở bất kỳ mức độ nào mà tôi cảm thấy chúng có thể đảm bảo.
Link file pdf:
https://drive.google.com/file/d/1ZtOoE__xZXjuS_QMrIOxkfRqd1XVH09X/view?usp=sharing