Loét dạ dày - tá tràng
Loét dạ dày - tá tràng là bệnh phổ biến trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Tỷ lệ loét dạ dày - tá tràng ở Liên Xô cũ là 3 đến 4% dân số. Ở Mỹ, tỷ lệ này là 1,9%. Ở Việt Nam, qua điều tra sơ bộ một số tỉnh phía Bắc, khoảng 5,63% dân số có những triệu chứng của loét dạ dày - tá tràng.
Loét dạ dày-tá tràng là tổn thương niêm mạc dạ dày - tá tràng do HCl và pepsin gây ra. Tổn thương loét có thể lan tới lớp cơ niêm hoặc xa hơn, có thể chạm tới các mạch máu gây chảy máu. Loét có thể làm thủng thành ống tiêu hoá, khi đó thức ăn, dịch tiêu hoá và vi khuẩn qua lỗ thủng thoát vào khoang màng bụng gây hậu quả nghiêm trọng. Tác dụng ăn mòn của acid và tác dụng tiêu hoá của pepsin đóng vai trò chính trong sự phát triển của bệnh, nhưng sự tạo thành ổ loét không phải hoàn toàn do sự hoạt động quá mức của hai yếu tố này. Ổ loét sẽ phát triển nếu cơ chế bảo vệ niêm mạc bị rối loạn. Loét tá tràng hay gặp nhất (chiếm 50%). Bệnh nhân bị loét tá tràng thường có sự tăng bài tiết acid, vị trấp thoát xuống tá tràng quá nhanh hoặc nồng độ bicarbonat trong tá tràng quá ít. Loét dạ dày ít gặp hơn và thường do cơ chế bảo vệ niêm mạc bị rối loạn. Ngày nay người ta đã thừa nhận vi khuẩn helicobacter pylori (HP) đóng vai trò quan trọng trong loét dạ dày-tá tràng. Năm 1983, lần đầu tiên hai nhà nghiên cứu người Úc đã tìm thấy HP trong các mẫu sinh thiết niêm mạc dạ dày của bệnh nhân bị viêm dạ dày cấp tính hoặc bị loét dạ dày-tá tràng. HP khư trú trong lớp gel nhày bao phủ niêm mạc dạ dày do đó chúng được bảo vệ khỏi acid và pepsin của dịch vị. Tất cả bệnh nhân bị loét tá tràng và khoảng từ 75 đến 85% bệnh nhân loét dạ dày bị nhiễm HP. HP có tác dụng phá vỡ hàng rào bảo vệ niêm mạc và kích thích tế bào viền bài tiết HCl. Trong phác đồ điều trị loét dạ dày - tá tràng, người ta thường dùng kháng sinh để diệt trừ HP kết hợp với các thuốc làm giảm bài tiết HCl như các thuốc ức chế receptor H2 của tế bào viền (cimetidine, ranitidin, famotidin) hoặc thuốc ức chế bơm proton (omeprazol) và các thuốc bảo vệ niêm mạc, băng ổ loét (sucralfat, gel alumin…).
Cũng cần lưu ý rằng tình trạng quá căng thẳng về tâm lý do những chấn thương tinh thần và tình cảm cấp, mạn hoặc những rối loạn về nhịp điệu và tính chất của thức ăn (rượu, thuốc lá, các chất chua cay, suy dinh dưỡng…) đều là những yếu tố thúc đẩy bệnh phát triển.
Táo bón
Táo bón là sự vận chuyển chậm chạp của phân qua ruột già thường kèm theo sự ứ đọng một lượng khá lớn phân khô và rắn ở đại tràng ngang vì phân bị giữ lại ở ruột già quá lâu nên nước được hấp thu gần hết.
Nguyên nhân hay gặp của táo bón là do thói quen ức chế những phản xạ đại tiện bình thường. Trẻ sơ sinh hiếm khi bị táo bón, nhưng trong những năm đầu của cuộc đời, các cháu thường bị bắt nhịn mỗi khi các cháu muốn đi đại tiện. Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy nếu người ta không được phép đại tiện mỗi khi phản xạ đại tiện bị kích thích hoặc khi người ta lạm dụng các thuốc nhuận tràng để thay thế cho chức năng tự nhiên của ruột già thì cùng với thời gian các phản xạ sẽ yếu dần đi và ruột già sẽ bị mất trương lực. Do đó, nếu một người tập được thói quen đi đại tiện vào buổi sáng sau bữa điểm tâm là lúc các phản xạ dạ dày - ruột già, tá tràng - ruột già gây ra các co bóp khối ở ruột già thì sẽ không bị táo bón.
Ỉa chảy
Ỉa chảy là sự vận động quá nhanh của chất phân trong ruột già do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus đường tiêu hoá. Quá trình viêm nhiễm thường lan rộng ở ruột già và phần cuối của hồi tràng. Do niêm mạc bị kích thích, các tuyến tăng cường bài tiết, vận động của ruột cũng tăng lên nhiều lần. Ruột bài tiết một lượng dịch rất lớn để cuốn đi các tác nhân gây bệnh và ruột co bóp rất mạnh đẩy dịch về phía hậu môn.
Nôn Khi đường tiêu hoá bị căng quá mức hoặc bị kích thích quá mức, đặc biệt là ở tá tràng thì nôn sẽ xẩy ra để tống thức ăn ở phần trên đường tiêu hoá ra ngoài. Xung động theo dây X và dây giao cảm truyền về trung tâm nôn ở hành não (nằm gần nhân lưng vận động của dây X). Các xung động vận động truyền qua dây V, dây VII, dây IX, dây X, dây XII đến phần trên của ống tiêu hoá và theo các dây thần kinh tuỷ sống đến cơ hoành và các cơ thành bụng gây ra các tác dụng sau: (1) Hít vào thật sâu, (2) nâng xương móng và thanh quản để kéo cho cơ thắt thực quản trên mở ra, (3) đóng thanh môn, (4) đóng lỗ mũi sau, (5) co cơ hoành và co các cơ thành bụng làm cho áp suất bên trong dạ dày tăng lên, (6) cơ thắt thực quản dưới giãn ra hoàn toàn, thức ăn trong dạ dày bị đẩy qua thực quản ra ngoài. Như vậy, động tác nôn là do sự ép của các cơ thành bụng lên dạ dày phối hợp với sự mở đột ngột của các cơ thắt thực quản để tống thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Kích thích gây nôn có thể xuất phát từ ống tiêu hoá nhưng cũng có thể xuất phát từ một vùng nhỏ nằm ở hai bên sàn não thất 4, gần vùng postrema gọi là vùng kích thích cảm thụ hoá học (chemoreceptor trigger zone). Kích thích điện vào vùng này sẽ gây nôn hoặc một số thuốc như apomorphin, morphin, các dẫn chất digitalis cũng có thể kích thích trực tiếp vào vùng này gây nôn. Ngoài ra sự thay đổi hướng chuyển động quá nhanh của cơ thể cũng làm một số nguời bị nôn. Cơ chế như sau: Chuyển động sẽ kích thích các receptor của mê cung, xung động truyền qua các nhân tiền đình vào tiểu não rồi đến vùng kích thích cảm thụ hoá học, cuối cùng đến trung tâm nôn và gây nôn. Một số kích thích tâm lý như những bối cảnh gây lo lắng sợ hãi, những mùi kinh tởm, độc hại hoặc các yếu tố tâm lý tương tự cũng có thể gây nôn, cơ chế còn chưa rõ. |
Resource :Sinh lý học |