NỘI KHOA: Cường cận giáp nguyên phát

Đăng vào ngày 2022-06-19 12:22:47 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Y Hà Nội

CƯỜNG CẬN GIÁP NGUYÊN PHÁT

Làm chuyên khoa Thận nhưng thi thoảng mình lại được gặp những bệnh nhân bị Cường cận giáp nguyên phát. Nếu như Cường cận giáp thứ phát (Secondary hyperparathyroidism) do suy thận mạn là biến chứng quá thường gặp đối với chuyên khoa Thận, thì Cường cận giáp nguyên phát (Primary hyperparathyroidism) ít gặp hơn, vì bệnh nhân đến phòng khám Thận khám hoặc vào khoa Thận điều trị chủ yếu vì biến chứng sỏi thận thường là cả hai bên và/hoặc có suy thận. Tuy nhiên, khác với Cường cận giáp thứ phát, thường xảy ra với những bệnh nhân suy thận nặng, ở giai đoạn cuối, đặc biệt là Cường cận giáp thứ phát  nặng thường chỉ xảy ra ở những bệnh nhân đã lọc máu (chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) đã nhiều năm, và calci máu nếu tăng cũng không quá cao; còn Cường cận giáp nguyên phát dễ gây ra sỏi thận do calci máu tăng cao và kéo dài gây tăng calci niệu mà không được điều trị, và sau đó gây suy thận mạn tính. Thường bệnh được phát hiện khi suy thận chưa quá nặng vì các triệu chứng khác nổi trội hơn do có nhiều sỏi thận hai bên và/hoặc calci máu tăng cao.

Xét nghiệm trên là của một bệnh nhân nữ, 43 tuổi, ở Quảng Bình, phát hiện suy thận mạn vài tháng nay nhưng vẫn cảm thấy "rất mệt" dù đã được kê đơn điều trị bệnh suy thận. Xét nghiệm cho thấy có sự không phù hợp giữa mức độ suy thận (không quá nặng) với tình trạng cường cận giáp nặng (parathyroid hormon - PTH và calci máu đều tăng quá cao) và siêu âm cho thấy có nhiều sỏi ở cả hai thận. Calci máu tăng cao gây đái nhiều, mất nước và làm cho tình trạng suy thận bị nặng hơn do thiếu dịch đến thận, mặt khác tăng calci máu còn gây co mạch thận, trên nền sỏi thận gây viêm ống kẽ thận mạn, làm cho khả năng cô đặc ống thận bị giảm, càng dễ xảy ra tình trạng thiếu dịch, dù có suy thận. Bệnh nhân đã được nhập viện điều trị nội trú, trước mắt là các biện pháp làm hạ calci máu do nguy cơ ngừng tim bởi nồng độ calci máu tăng quá cao. 

Mình vẫn còn nhớ một bệnh nhân nam giới mà mình đã điều trị, vào viện cách đây hơn 10 năm trước vì suy thận không quá nặng, creatinin huyết thanh hơn 300 micrimol/lít, khai thác tiền sử thấy bệnh nhân đã được cắt thận phải vì sỏi thận và mổ lấy sỏi thận trái, xét nghiệm về có PTH cao hơn 150 pmol/lít và calci máu 2.7 mmol/lít. Siêu âm tuyến cận giáp cho thấy nghi ngờ Cường cận giáp nguyên phát là đúng với hình ảnh các khối u của tuyến cận giáp. Bệnh nhân sau đó đã được gửi phẫu thuật cắt u cận giáp, kết quả  thật đáng ngoạn mục khi PTH và calci huyết thanh đã trở về bình thường và creatinin huyết thanh xuống còn 150 micromol/lít. Tuy nhiên bệnh nhân cũng đã phải chạy thận chu kỳ từ 2 năm nay do chỉ còn thận trái vốn đã có tổn thương do sỏi từ trước. 

Một bệnh nhân khác là nữ, hơn 30 tuổi, được phòng khám gửi vào vì có tình trạng calci hóa cả hai thận (nephrocalcinosis) nghi ngờ là bệnh xốp tủy thận hay còn gọi là bệnh tủy thận dạng bọt biển (bệnh Cacchi-Ricci), nhưng kết quả cận lâm sàng cho thấy đó chỉ là hậu quả của Cường cận giáp trạng nguyên phát. Bệnh nhân sau đó đã được gửi đi phẫu thuật cắt tuyến cận giáp.

Cho nên, những bệnh nhân có nhiều sỏi thận, hoặc sỏi cả hai thận, hoặc đôi khi được chẩn đoán là nghi ngờ bị bệnh tủy thận bọt biển cần chú ý kiểm tra các rối loạn chuyển hóa dễ tạo sỏi trong đó có tăng calci máu do u tuyến cận giáp gây Cường cận giáp trạng nguyên phát. Chẩn đoán này cũng cần được phân biệt với Cường cận giáp trạng thứ phát do suy thận gây ra nếu có sự không tương xứng giữa mức độ suy thận (không nặng) với tình trạng cường cận giáp nặng (calci và PTH huyết thanh tăng cao). Chẩn đoán hình ảnh thường được chỉ định giúp cho chẩn đoán rõ hơn là siêu âm và xạ hình tuyến cận giáp bằng 99mTc-MIBI. Điều trị kinh điển được ưa thích là phẫu thuật cắt tuyến cận giáp, tuy nhiên các biến chứng cũng khá nhiều và hay gặp nhất là gây các cơn tetani, hoặc đôi khi là co giật do hạ calci máu quá mức. Hy vọng trong tương lai, các biện pháp can thiệp ít xâm lấn hơn như tiêm cồn hoặc sử dụng siêu âm hội tụ cường độ cao (High Intensity Focused Ultrasound - HIFU) sẽ thông dụng hơn và giúp ích nhiều hơn cho những bệnh nhân bị cường tuyến cận giáp bao gồm cả nguyên phát lẫn thứ phát có chỉ định can thiệp hoặc phẫu thuật.

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay