NỘI KHOA: CHẾ ĐỘ ĂN GIẢM MUỐI BỆNH THẬN MẠN

Đăng vào ngày 2021-12-26 21:24:58 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Suy Thận Mạn - Hạ Natri máu

CÓ PHẢI CỨ CÓ BỆNH THẬN = ĂN NHẠT ?

Bệnh nhân nữ, 20 tuổi, là sinh viên năm 2 một trường đại học, đến khám bệnh định kỳ vì suy thận giai đoạn nặng. Mẫu máu gửi đi được chừng 30 phút thì thấy phòng xét nghiệm gọi điện báo ngay cho điều dưỡng đón tiếp vì thấy natri máu giảm thấp quá. Hỏi lại mới biết trong 1 tháng qua bệnh nhân bị mẹ bắt ăn nhạt "tuyệt đối" tức là các bữa ăn không được cho bất cứ chút muối nào, vì người mẹ đọc trên mạng thấy nói suy thận phải ăn nhạt như vậy mới tốt. Thực ra trường hợp người bệnh này cần có chế độ ăn nhạt (ăn giảm muối) vì có suy thận nặng kèm theo có tăng huyết áp, nhưng chỉ cần ăn nhạt "vừa phải", tức là giảm lượng muối ăn vào chứ không phải là không được ăn thêm muối. Một phần vì bệnh nhân này không bị phù, còn tiểu được, và nguyên nhân bị suy thận mạn trong trường hợp này là viêm ống - kẽ thận mạn tính do trào ngược bàng quang – niệu quản, là hậu quả của dị tật ống sống bẩm sinh gây tổn thương thần kinh chi phối hoạt động của bàng quang. 

Trong chế độ ăn hàng ngày, muối ăn có vai trò hết sức quan trọng vì là nguồn cung cấp natri chính cho cơ thể. Natri là một chất điện giải đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết cho hoạt động của cơ thể sống. Nguồn cung cấp natri có thể là trong thực phẩm từ động vật cho tới thực vật đều có sẵn một lượng muối natri. Ngoài ra một lượng natri chủ yếu được nhập vào cơ thể thông qua quá trình chế biến thực phẩm, được cung cấp từ muối ăn, mắm, gia vị, bột nêm, … và cả mỳ chính.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người bình thường một ngày chỉ nên ăn vào khoảng từ 5-6 gam muối natriclorua, tương đương 1 thìa café (thìa nhỏ) muối tinh. Nếu dùng nước mắm hoặc bột canh, ... thì phải quy đổi theo lượng tương đương. Về mặt thực hành, có một số bệnh lý phải thực hiện chế độ ăn giảm muối do trong tình trạng bị rối loạn bệnh lý, cơ thể đã huy động các cơ chế thứ phát gây giữ muối và nước, làm giảm đào thải muối (và nước), gây giữ muối và nước, gây tăng huyết áp và/hoặc phù, như bệnh thận, suy tim, tăng huyết áp, xơ gan, … Chế độ ăn giảm muối thông thường được khuyên là ăn nhạt “vừa phải” tức là lượng muối natriclorua đưa vào hàng ngày không quá 6 gam, thường khoảng 2-3-4 gam/ngày, ngoài ra vẫn có một lượng muối được nhập vào cơ thể thông qua có sẵn từ thực phẩm. Rất ít khi người bệnh được khuyên một chế độ ăn nhạt “tuyệt đối”, tức là không được bổ sung các gia vị có chứa muối khi chế biến bữa ăn, vì thực tế rất khó thực hiện do người bệnh rất khó ăn chế độ không có muối, trước đây thường được các bác sĩ chỉ định cho những người bệnh rất nặng, như huyết áp tăng rất cao, phù to, viêm cầu thận cấp nặng, vô niệu, … Để thực hiện chế độ ăn giảm muối, người bệnh phải kiểm soát lượng muối ăn vào từng bữa ăn, không dùng/hạn chế dùng các nguồn thực phẩm nhiều muối như dưa cà, đồ biển đặc biệt là hải sản khô, các cách chế biến phải chiên xào, hoặc dùng nước sốt, … Cá nhân tôi thường khuyên ngắn gọn là ăn nhạt "vừa phải" hay ăn "nhan nhát" như nấu canh nhạt, và hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm ít muối. Cũng có một số cách đong đếm bột canh, nước mắm mà không phải dùng cân tiểu li tôi đã học được từ các bạn làm dinh dưỡng tiết chế.

Tuy nhiên trong bệnh thận không phải tất cả các trường hợp đều phải thực hiện chế độ ăn nhạt, tức là ăn giảm muối. Đôi khi có những trường hợp lại được các bác sĩ khuyên thực hiện chế độ ăn muối bình thường và uống đủ nước hoặc tăng nước. Về mặt sinh lý và vi cấu trúc của thận thì các đơn vị chức năng nhỏ nhất của thận là các nephron (còn gọi là các đơn vị thận). Các nephron bao gồm (1) vi mạch máu cung cấp máu đến thận và dẫn máu đi sau khi đã được lọc sạch; (2) cầu thận - một bộ máy lọc sạch "tinh vi" có nhiệm vụ lọc máu đến thận và (3) các ống thận - các đoạn ống dẫn có chức năng tái hấp thu và bài tiết các chất. Ngoài ra còn có (4) mô kẽ thận có chức năng chống đỡ và một số chức năng khác. Người ta đã chứng minh rằng, ở người bình thường, một ngày các cầu thận của cả hai thận lọc sạch máu và tạo ra đến 180 lít dịch lọc được gọi là “nước tiểu đầu”. Nhưng một người bình thường đi tiểu chỉ khoảng 1.5 đến 2.0 lít nước tiểu/ngày, tức là chỉ chiếm khoảng 1% lượng “nước tiểu đầu”. Vậy còn 99% lượng còn lại đã đi đâu? Thực ra là chúng đã được các ống thận tái hấp thu trở lại và đi vào hệ thống tuần hoàn!  Các đoạn ống thận có một nhiệm vụ rất quan trọng là tái hấp thu các chất trở lại cơ thể, trong đó có muối natri và nước, qua đó điều hòa nội môi và duy trì tình trạng sinh lý bình thường của cơ thể. 

Trong trường hợp có bệnh lý mạch máu ở thận và bệnh lý ở cầu thận, thường sớm gây ra tình trạng đái ít đi và gây phù, do các cơ chế gây giữ muối và giữ nước trong cơ thể, cũng như hay gây nên tình trạng tăng huyết áp. Tình trạng phù, tăng huyết áp, đái ít càng nặng hơn thậm chí là vô niệu (không có nước tiểu) nếu có giảm chức năng lọc của cầu thận, hay còn gọi là có suy thận. Nếu có bệnh thận nhưng tổn thương ban đầu ở các ống thận và/hoặc mô kẽ thận sẽ gây ra hiện tượng giảm/mất chức năng tái hấp thu của ống thận và mô kẽ, trong đó có chức năng tái hấp thu muối và nước. Dấu hiện sớm là người bệnh hay tiểu đêm sau đó là tiểu nhiều hơn bình thường, nếu nặng hơn nữa sẽ gây mất muối và mất nước, làm cho bệnh nhân bị thiếu dịch, thấy khát nước, da niêm mạc khô, xét nghiệm nồng độ natri huyết thanh giảm. Tất nhiên tiểu đêm ngoài nguyên nhân do giảm tái hấp thu ở ống thận còn có thể do nguyên nhân ở đường tiểu dưới, tức là bệnh lý tại bàng quang, niệu đạo (cả hai giới) và tuyến tiền liệt (ở nam giới). Nguyên nhân của bệnh lý ống kẽ thận rất phong phú, có thể bẩm sinh di truyền, hoặc mắc phải như hậu quả của bệnh gút mạn tính, do sỏi tiết niệu, nhiễm trùng ở thận tái phát nhiều đợt, trào ngược bàng quang - niệu quản, bàng quang thần kinh, do sử dụng thuốc, … Các trường hợp bệnh lý ống kẽ thận giai đoạn sớm thường không thấy phù, thậm chí là da niêm mạc khô, tiểu nhiều hơn bình thường (trên 2 lít/ngày, có thể tới 4-5 lít tới 10 lít/ngày như đái tháo nhạt do thận) và ít gặp tăng huyết áp hơn so với nhóm bệnh cầu thận. Nếu bệnh nhân có phù thường là có kèm theo giảm nặng chức năng lọc của thận (suy thận giai đoạn nặng), kết hợp với suy tim, suy dinh dưỡng, hoặc phù do thuốc, do mạch máu (tĩnh mạch bị viêm tắc, suy tĩnh mạch), … Những trường hợp bệnh lý ống kẽ thận cần được các bác sĩ thăm khám để phát hiện tình trạng có mất nước, mất muối để tư vấn chế độ ăn muối và uống nước cho phù hợp, tránh để cơ thể bị thiếu nước và thiếu muối. 

Do đó, khi có bênh thận, để thực hiện chế độ ăn giảm muối cần phải có sự thăm khám, tư vấn của các bác sĩ đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa thận và/hoặc các chuyên gia dinh dưỡng tiết chế. Người bệnh không nên tự ý thực hiện chế độ ăn giảm muối theo các kiến thức không được kiểm chứng trên internet. Ngoài ra, khám bệnh định kỳ cũng hết sức quan trọng vì chế độ ăn tiết chế muối và nước còn tùy thuộc vào từng giai đoạn suy thận cũng như các biến chứng có thể xuất hiện theo thời gian. Các bác sĩ chuyên khoa phải thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm bổ sung để đánh giá tình trạng muối - nước của cơ thể trước khi có những lời khuyên cho phù hợp.
Nguồn: Bs Thanh

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay