NGƯỜI MẮC BỆNH THẬN MẠN TÍNH (SUY THẬN MẠN TÍNH) CÓ NÊN TIÊM VẮC XIN (VACCIN)?
Có một số người bệnh mắc bệnh thận mạn tính, bao gồm cả người bệnh đã điều trị bảo tồn lẫn những người bệnh đang lọc máu chu kỳ và sau ghép thận đặt câu hỏi: Tôi có nên tiêm vắc xin không bác sĩ?
Vậy những người mắc bệnh thận mạn tính và suy thận mạn tính có nên tiêm Vắc xin hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem nhé!
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC), tất cả các bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính bao gồm bệnh thận mạn các giai đoạn khác nhau và bệnh thận giai đoạn cuối đã được điều trị thay thế thận như chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc màng bụng và ghép thận được xếp vào nhóm suy giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm một số loại nhiễm trùng trong đó có vi-rút. Khi người mắc bệnh thận mạn tính nhiễm vi-rút dễ bị biến chứng nặng hơn. Vì vậy, tiêm phòng vắc xin là thực sự cần thiết để bảo vệ sức khỏe người mắc bệnh thận mạn tính. Vắc-xin có thể giúp bạn không mắc một số bệnh truyền nhiễm (cúm, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, COVID-19, bệnh zona và viêm phổi, …) hoặc khi mắc bệnh thì có thể giảm thiểu nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng. Những người mắc một số bệnh này có thể lây truyền cho người khác, vì vậy vắc-xin cũng có thể giúp bảo vệ cho những người khác.
1. Hiệu quả của vắc xin trong bệnh thận mạn tính: Đáp ứng miễn dịch với vắc xin của bệnh nhân bệnh thận mạn có thể kém hơn so với người khỏe mạnh, đặc biệt là với bệnh nhân suy thận mức độ nặng hoặc bệnh nhân lọc máu chu kỳ. Tuy nhiên, tiêm phòng vắc xin được khuyến cáo vì giúp làm giảm mức độ nặng của các bệnh lý nhiễm trùng nếu người bệnh mắc phải.
2. Sự an toàn của vắc xin đối với bệnh thận mạn tính: Nhiều loại vắc xin an toàn với bệnh nhân bệnh thận mạn tính, nhưng có một vài ngoại lệ. Vắc xin sống giảm độc lực, ví dụ vắc xin MMR (phòng sởi, quai bị và rubella), vắc xin thủy đậu, vắc xin phòng cúm xịt qua đường mũi – những loại vắc xin này không được khuyến cáo cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bao gồm cả các bệnh nhân sau ghép thận.
3. Thời điểm và tần suất nhắc lại khi tiêm phòng vắc xin: Một vài loại vắc xin, ví dụ vắc xin phòng vi-rút viêm gan B có thể cần tiêm liều cao hơn hoặc nhắc lại sớm hơn để đạt hiệu quả phòng bệnh.
4. Một số loại vắc xin được được khuyến cáo cho bệnh nhân mắc Bệnh thận mạn tính:
4.1. Vắc xin ngừa Thủy đậu (varicella):
- Người lớn bị bệnh thận mạn tính có mức lọc cầu thận <30ml/phút/1,73 m2 hoặc đang chạy thận nhân tạo chưa được tiêm vắc xin này và chưa có miễn dịch: Khuyến cáo tiêm 2 liều, cách nhau 4 đến 8 tuần.
- Những người bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người bệnh hội chứng thận hư, đái tháo đường, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như sau ghép thận và ghép các tạng khác): KHÔNG SỬ DỤNG – vì đây là vắc-xin sống nên không được khuyến cáo.
4.2. COVID-19 (SARS-CoV-2): Có thể tiêm vắc xin ngừa Covid nếu bạn đang không bị suy giảm miễn dịch mức độ trung bình hoặc nặng. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị và nơi tiêm chủng.
4.3. Cúm mùa:
- Những người bị suy thận mạn có mức lọc cầu thận <30ml/phút/1,73 m2 hoặc đang chạy thận nhân tạo: Khuyến cáo tiêm 1 liều mỗi năm. LƯU Ý: tránh sử dụng vắc-xin sống (dùng qua đường mũi) nếu có thể được.
- Những người bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người bệnh hội chứng thận hư, đái tháo đường, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như sau ghép thận và ghép các tạng khác): Khuyến cáo tiêm 1 liều mỗi năm.
- LƯU Ý: Vắc xin dùng qua đường xịt mũi là vắc-xin sống, do đó KHÔNG ĐƯỢC KHUYẾN CÁO sử dụng cho những người bị suy giảm miễn dịch.
4.4. Viêm gan virus B:
- Những người bị suy thận mạn có mức lọc cầu thận <30ml/phút/1,73 m2 bao gồm cả đang chạy thận nhân tạo hoặc bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người bệnh hội chứng thận hư, đái tháo đường, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như sau ghép thận và ghép các tạng khác): Khuyến cáo dùng 2 đến 4 liều.
- Những người đang chạy thận nhân tạo cần liều cao hơn và/hoặc liều tiêm bổ sung.
4.5. Human Papillomavirus (HPV):
- Những người bị suy thận mạn có mức lọc cầu thận <30ml/phút/1,73 m2 bao gồm cả đang chạy thận nhân tạo: Khuyến cáo tiêm 2 đến 3 liều cho những người dưới 26 tuổi. Số liều thực tế được khuyến cáo phụ thuộc vào độ tuổi của bạn khi tiêm liều đầu tiên. Những người từ 27 đến 45 tuổi cũng có thể là đối tượng tiêm - hãy tham khảo ý kiến các bác sĩ.
- Những người bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người bệnh hội chứng thận hư, đái tháo đường, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như sau ghép thận và ghép các tạng khác): Khuyến cáo tiêm 3 liều cho những người dưới 26 tuổi, bất kể độ tuổi khi tiêm liều đầu tiên. Những người từ 27 đến 45 tuổi cũng có thể là đối tượng cần tiêm - hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn.
5.6. Sởi, quai bị và rubella (MMR):
- Những người bị suy thận mạn có mức lọc cầu thận <30ml/phút/1,73 m2 bao gồm cả đang chạy thận nhân tạo: Khuyến cáo tiêm 1 hoặc 2 liều, cách nhau ít nhất 4 tuần đối với những người chưa tiêm vắc-xin này và chưa có miễn dịch.
- Những người bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người bệnh hội chứng thận hư, đái tháo đường, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như sau ghép thận và ghép các tạng khác): KHÔNG SỬ DỤNG – đây là vắc-xin sống nên không khuyến cáo.
5.7. Viêm phổi (phế cầu):
- Những người bị suy thận mạn có mức lọc cầu thận <30ml/phút/1,73 m2 bao gồm cả đang chạy thận nhân tạo và những người bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người bệnh hội chứng thận hư, đái tháo đường, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như sau ghép thận và ghép các tạng khác): Hỏi ý kiến các bác sĩ loại vắc-xin nào là tốt nhất cho bạn.
5.8. Virus hợp bào hô hấp (RSV):
- Khuyến cáo cho tất cả người lớn từ 75 tuổi trở lên.
- Người lớn trên 60 tuổi bị suy thận mạn có mức lọc cầu thận <30ml/phút/1,73 m2 bao gồm cả đang chạy thận nhân tạo hoặc bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người bệnh hội chứng thận hư, đái tháo đường, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như sau ghép thận và ghép các tạng khác) có nguy cơ cao hơn mắc RSV nghiêm trọng. Hỏi ý kiến các bác sĩ xem vắc-xin này có phù hợp với bạn không.
5.9. Bệnh zona (herpes zoster):
- Những người bị suy thận mạn có mức lọc cầu thận <30ml/phút/1,73 m2 bao gồm cả đang chạy thận nhân tạo: Khuyến cáo tiêm 2 liều, cách nhau từ 2 đến 6 tháng cho những người từ 50 tuổi trở lên. Những người dưới 50 tuổi có thể có thể tiêm loại vắc-xin này trong những trường hợp đặc biệt – hãy hỏi ý kiến bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn.
- Những người bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người bệnh hội chứng thận hư, đái tháo đường, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như sau ghép thận và ghép các tạng khác): Khuyến cáo tiêm 2 liều, cách nhau từ 2 đến 6 tháng.
5.10. Bạch hầu, Ho gà và Uốn ván:
- Người lớn trên 60 tuổi bị suy thận mạn có mức lọc cầu thận <30ml/phút/1,73 m2 bao gồm cả đang chạy thận nhân tạo hoặc bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người bệnh hội chứng thận hư, đái tháo đường, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như sau ghép thận và ghép các tạng khác): Khuyến cáo tiêm 1 liều, cộng với liều nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Việc tiêm vắc xin cho các bệnh nhân suy thận mạn tính là vấn đề rất cần thiết, tuy nhiên loại vắc xin, thời điểm, liều tiêm và tần suất nhắc lại các mũi tiêm cần được điều chỉnh theo từng người nhân và từng mức độ suy thận. Nếu bạn bị bệnh thận mạn tính, đang chạy thận nhân tạo, đang làm lọc màng bụng hoặc đã được ghép thận, điều quan trọng là phải biết loại vắc-xin nào là cần thiết và tốt nhất cho bạn. Luôn hỏi ý kiến bác sĩ của bạn trước khi tiêm vắc-xin và cho chuyên gia tiêm chủng biết nếu bạn đang chạy thận nhân tạo, đã được ghép thận hoặc ghép tạng khác hoặc đã từng có phản ứng nghiêm trọng với vắc-xin trong tiền sử. Bạn hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ Nội Thận, bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm và các chuyên gia tiêm chủng để được tư vấn cụ thể.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. KDIGO 2012 Clinical Practice Guideline for the Evaluation and Management of Chronic Kidney Disease.
2. https://www.kidney.org/.../vaccines-adults-advanced...
-------------***--------------
Bs Nguyễn Văn Thanh