MÀY ĐAY MẠN TÍNH NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Đăng vào ngày 2025-04-01 17:54:29 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Bác sĩ dị ứng da liễu

Hiểu đúng về mày đay mạn tính: Căn bệnh “ngứa dai dẳng” gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống

Mày đay mạn tính là tình trạng nổi hồng ban sẩn phù trên da (gọi là ban mày đay) và/hoặc sưng phù (phù mạch) kéo dài ít nhất 6 tuần. Ban mày đay có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Các nốt ban này thường có kích thước và hình dạng đa dạng, từ nhỏ vài milimet đến lớn vài centimet, và thường biến mất sau vài giờ mà không để lại dấu vết, ít khi kéo dài quá 24 giờ, trừ một số trường hợp đặc biệt như mày đay viêm mạch, mày đay tự miễn. Tình trạng này được chia thành hai loại chính: mày đay tự phát mạn tính (không rõ nguyên nhân) và mày đay do yếu tố kích thích vật lý (như nóng, lạnh, áp lực). Trong đó, mày đay tự phát chiếm đa số, thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam, đặc biệt trong độ tuổi từ 40 đến 60.

Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa rõ, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy có liên quan đến rối loạn miễn dịch, khi cơ thể sản xuất kháng thể tấn công nhầm vào chính các tế bào mast và basophil – hai loại tế bào giải phóng histamine gây ngứa và sưng. Mày đay mạn tính cũng thường gặp ở người có bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp… Ngoài ra, một số tác nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng) cũng có thể liên quan, dù chưa có bằng chứng rõ ràng.

Khi khám bệnh, bác sĩ sẽ khai thác kỹ tiền sử bệnh, yếu tố khởi phát hoặc làm nặng triệu chứng, và loại trừ các nguyên nhân khác. Các nốt mày đay thường ngứa, có màu hồng hoặc đỏ, nổi gồ trên da, xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào và tự biến mất sau 24 giờ mà không để lại dấu vết. Khoảng 40% người bệnh có phù mạch đi kèm, gây sưng môi, mí mắt, tay chân hoặc bộ phận sinh dục – thường gây cảm giác căng tức hơn là ngứa.

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng, không cần xét nghiệm phức tạp. Một số trường hợp có thể cần làm xét nghiệm máu cơ bản để loại trừ bệnh khác. Sinh thiết da không phải là thường quy, chỉ thực hiện khi tổn thương da không điển hình.

Việc điều trị nhằm kiểm soát triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thuốc kháng histamine thế hệ hai (như levocetirizine, desloratadine, bilastine, fexofenadine....) là lựa chọn đầu tay. Nếu liều thông thường không hiệu quả, có thể tăng gấp 4 lần. Trong các trường hợp kháng trị, bác sĩ có thể chỉ định thêm omalizumab – một kháng thể đơn dòng tiêm dưới da mỗi tháng, hoặc ciclosporin – thuốc ức chế miễn dịch. Corticoid uống chỉ dùng ngắn ngày khi bệnh bùng phát nặng.

Người bệnh cần lưu ý tránh các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn như thuốc giảm đau NSAIDs, nhiễm trùng, stress, nhiệt độ cao, quần áo bó sát… Điều quan trọng là sử dụng thuốc đều đặn, không nên chỉ uống khi có triệu chứng.

Dù mày đay mạn tính gây khó chịu, nhưng đa số sẽ tự khỏi sau 3-5 năm. Tuy nhiên, một số trường hợp kéo dài hơn, đặc biệt nếu kèm phù mạch hoặc bệnh tuyến giáp. Người bệnh cần được tư vấn, hỗ trợ tâm lý nếu triệu chứng kéo dài ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày.

 

Danh mục: Tài liệu

Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay