HỌC LÂM SÀNG CHO SINH VIÊN Y THÁI NGUYÊN

Đăng vào ngày 2024-02-17 10:11:37 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Bác Sĩ Nội Trú Nguyễn Huy Thông

LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC LÂM SÀNG TỐT HƠN ?

 

Nói đến học trường Đại học Y Dược mọi người đều biết đây là trường có thời gian đào tạo dài, học vất vả và nói đến trường có hình thức học thực hành khá đặc biệt đó là học lâm sàng tại bệnh viện. Học lâm sàng là học tại giường bệnh; đối tượng học tập là người bệnh, người nhà của họ và những trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Các sinh viên trường Y thường có phần tự hào, hãnh diện với bạn bè khi nói về việc đi học lâm sàng, đi trực tại bệnh viện. Các sinh viên năm đầu thường rất háo hức, mong chờ được đi học lâm sàng. Rất nhiều các sinh viên học rất tốt các môn học khoa học cơ bản, các môn y học cơ sở; nhưng khi sang học lâm sàng lại không đạt được kết quả như mong đợi. Lý do có nhiều như sinh viên quá đông, cơ sở thực hành chật chội, cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn trong tổ chức học tập theo tín chỉ… nhưng qua nhiều năm giảng dạy lâm sàng, tôi thấy lý do chủ yếu là do sinh viên chưa biết cách học lâm sàng. Điều đó dẫn đến hậu quả là sinh viên gặp khó khăn, lúng túng trong học lâm sàng, đi học lâm sàng nhưng sinh viên không dám vào buồng bệnh, vào buồng bệnh không biết phải làm gì, không tiếp xúc được với người bệnh; không học được làm sinh viên phát sinh tâm lý chán nản, các buổi học lâm sàng trôi qua một cánh buồn tẻ, vô ích. Hình ảnh thường thấy là các sinh viên mặc blouse đứng vật vờ trắng xóa dọc theo các hành lang, ở vườn hoa bệnh viện.

Các sinh viên vào học trường Y Dược đều là những người ham học hỏi, chịu khó; nhưng muốn học tốt các môn học lâm sàng, nhất là trong bối cảnh môi trường học tập chưa được tốt, thì rất cần phải biết cách cách học. Ngày nay, không chỉ kiến thức mà cả phương pháp học hỏi của bạn mới là điều tạo nên giá trị riêng của bạn; bởi những kiến thưc bạn có hôm nay sẽ trở nên lỗi thời nhanh hơn bạn tưởng nhiều.

Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên là cơ sở đào tạo có nhiệm vụ đào tạo các cán bộ y tế chủ yếu phuch vụ cho các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc; trong nhiều năm qua nhà trường đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các sinh viên ra trường dễ dàng tìm được việc làm, đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Trong vài năm gần đây đã có những ý kiến quan ngại về chất lượng đào tạo, đặc biệt là khả năng thực hành lâm sàng của các sinh viên y khoa khi ra trường, tất nhiên đây cũng là tình hình chung của tất cả các trường đại học y ở Việt Nam. Việc học lâm sàng của các sinh viên trường Đại học Y Dược Thái Nguyên có những thuận lợi có thể kể đến là:

- Cơ sở thực tập chính là Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, là bệnh viện loại I trực thuộc Bộ Y tế, là bệnh viện lớn, có trang thiết bị khá hiện đại, đội ngũ cán bộ có trình độ cao được đào tạo bài bản.

- Các thầy cô giáo của các bộ môn lâm sàng cũng đồng thời là các bác sĩ làm việc trực tiếp tại các khoa lâm sàng, trực tiếp khám chữa bệnh, trực tiếp làm các thủ thuật- phẫu thuật cho các bệnh nhân. Hầu hết các thầy cô đều nhiệt tình, tận tâm với sinh viên, tâm huyết với nghề nghiệp.

- Hầu hết bệnh nhân cũng như gia đình của họ đều sẵn lòng giúp đỡ sinh viên học tập.

- Ngày nay là thời đại thông tin, hầu như tất cả những gì sinh viên cần biết đều có trên thư viện, trên Internet.

Với mong muốn có thể giúp các em sinh viên đi học lâm sàng có hiệu quả hơn, tôi có một vài suy nghĩ muốn được chia sẻ:

- Trước hết, sinh viên phải tự chuẩn bị cho mình một tác phong, một phong thái tự tin, chững chạc và nghiêm túc ngay từ khi bước sang học lâm sàng, bao gồm tinh thần thái độ, trang phục sạch sẽ, đầu tóc nghiêm túc, gọn gàng, đầy đủ thẻ sinh viên đi lâm sàng; đầy đủ các vật dụng cần thiết như sổ ghi chép, ống nghe, búa gõ phản xạ…

- Sinh viên phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định đi học lâm sàng của nhà trường; tôn trọng các nội quy bệnh viện, các quy định của khoa phòng. Chỉ có vậy các khoa cũng như người bệnh và gia đình của họ mới tin tưởng, yên tâm và tạo điều kiện cho sinh viên vào học. Các em sinh viên nên tìm hiểu các quy định, chế độ làm việc của các khoa (giờ đi khám bệnh, giờ đi buồng, giờ tam tra thuốc, giờ làm thủ thuật…) để có thể lên kế hoạch học cái gì và học khi nào cho phù hợp. 

- Đặc biệt tránh để việc học tập của mình làm cản trở hoạt động chuyên môn của nhân viên (ngồi chiếm hết chỗ trong phòng hành chính, chép bệnh án trong bác sĩ cho thuốc hoặc giờ tam tra thuốc, tụ tập gây ồn ào, làm vướng đường nhân viên khi cấp cứu bệnh nhân…). Thay vào đó, các em nên nhiệt tình tham gia giúp đỡ nhân viên trong các công việc của khoa (ghi xét nghiệm, chép thuốc hộ các bác sĩ, đo huyết áp, đưa bệnh nhân đi chụp Xquang, chuyển bệnh nhân lên phòng mổ…) chính những việc này sẽ giúp các em học được nhiều điều.

- Cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho thực hành, tập làm càng nhiều càng tốt. Bao gồm tập hỏi bệnh, tập các kỹ năng khám bệnh, tập làm các thủ thuật - phẫu thuật… kể cả những việc tưởng như rất đơn giảm nhưrút kim truyền dịch, cho bệnh nhân thở oxy, đặt thông tiểu, thay băng… Chỉ có tự làm mới giúp ta cảm nhận được thực tế lâm sàng là thế nào. Để có nhiều cơ hội thực hành, đương nhiên các em phải tạo được niềm tin tưởng của nhân viên cũng như của bệnh nhân và người nhà của họ.

- Trong điều kiện phòng bệnh chật chội lại đông sinh viên thì để học được sinh viên cần biết tận dụng, tranh thủ học mỗi khi có thể: theo bác sĩ đi khám bệnh, đi hội chẩn, làm thủ thuật… các đêm trực chính là thời gian có thể học được rất nhiều.

- Nên tự đặt ra cho mình mục tiêu cụ thể và cố gắng hoàn thành bằng được mục tiêu đã đề ra (ví dụ: hôm nay phải sờ được một cái gan to; hôm nay phải nghe được một tiếng thổi tâm thu; hôm nay phải xin phụ giúp một ca bó bột…). Như vậy sẽ hạn chế được cảnh đứng vạ vật ở hành lang hoặc hàng chục sinh viên xúm xít hỏi bệnh, khám một bệnh nhân.

- Sinh viên nên mạnh dạn, chủ động nêu vấn đề, qua đó các thầy cô biết chính xác sinh viên của mình còn yếu ở đâu, còn thiếu hụt gì; như vậy các bài giảng của các thầy mới đáp ứng mong đợi của sinh viên. Các sinh viên nên tích cực đặt ra các câu hỏi vì học mà không hỏi thì coi như chưa học. Các em đừng ngần ngại đưa ra các câu hỏi với các các thầy cô, cũng như e ngại trả lời các câu hỏi của thầy cô. Vì thực tế lâm sàng khác xa lý thuyết trong sách vở; bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, phong phú và phức tạp hơn rất nhiều (đó là những ca bệnh không điển hình, là những trường hợp có nhiều bệnh trên cùng một bệnh nhân…). Thấy gì lạ, thấy gì khác thì cứ hỏi. Các em có thể hỏi thầy, hỏi các bác sĩ, hỏi các anh chị lớp trên, hỏi bạn cùng lớp hoặc tự mình tìm câu trả lời qua đọc sách.

- Một điểm rất quan trọng là các em phải nắm vững lý thuyết khi đi học lâm sàng, bao gồm lý thuyết môn học và các môn học liên quan. Ngay từ những năm đầu tiên đã phải xác định từng môn học đều cần thiết, là hành trang không thể thiếu được trong quá trình học lâm sàng cũng như trong quá trình thực hành nghề nghiệp sau này. Nếu các em không thuộc lý thuyết thì khi đứng trước bệnh nhân các em sẽ không biết phải hỏi những gì, không biết cần ưu tiên khám gì, không biết cần cho làm xét nghiệm gì. Quên các kiến thức y học cơ sở thì ta sẽ không giải thích được bệnh, không có khả năng liên kết các dữ kiện, không có cái nhìn tổng thể, khó có thể đưa ra phương án giả quyết toàn diện được. Và đương nhiên, kết quả thi lâm sàng khó mà tốt được.

- Đi học lâm sàng nên mang theo sách để nhỡ quên hoặc gặp vấn đề gì chưa biết thì có thể đọc được ngay(nếu để về nhà thì không nhớ để đọc). Ngày nay, ta có thể dễ dàng tra cứu thông tin ngay trên điện thoại di động của bạn.

- Làm bệnh án tốt cũng rất quan trọng, ta có thể học được rất nhiều qua làm bệnh án nhưng các em không nên để mất quá nhiều thời gian vào việc xem và chép bệnh án. Đặc biệt, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào chẩn đoán - điều tri trong bệnh án.

- Chú ý phát huy vai trò của các nhóm học tập, nhất là ở các lớp học theo tín chỉ.

Để học được phương pháp học tập, trước hết bạn phải yêu việc học hay chí ít cũng phải thích học, bởi cốt lõi của việc học chính là động lực tự học. Người ta cho rằng (tôi cũng thấy đúng như vậy), chỉ số thông minh (IQ: Intelligence quotient) vẫn quan trọng nhưng chỉ số hiếu học (CQ: Curiosity quotient) và chỉ số ham mê (PQ: Passion quotient) còn quan trọng hơn. Tôi rất tâm đắc với phương trình CQ + PQ > IQ, nghĩa là sự hiếu học cộng với lòng ham mê học tập quan trọng hơn trí thông minh. Bởi những ai ham học hỏi và giàu đam mê có thể tự học và tự tạo động lực cho chính mình.

Ở đây còn một điều không thể thiếu được, đó là vai trò của các thầy cô. Thực ra, sinh viên học hành vì chính bản thân các em, nhưng nếu các em thấy các thầy cô thực sự quan tâm và cất công dạy dỗ thì các em sẽ không ngừng học hỏi, không ngừng cố gắng vì các thầy cô của mình. Đó là thực chất của việc dạy và học.

Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi với tư cách là một giảng viên của một bộ môn lâm sàng, cũng là mà nhiều năm trước đây cũng là sinh viên. Rất hy vọng có thể giúp các em sinh viên đi học lâm sàng sẽ cảm thấy thú vị hơn, việc học tập có hiệu quả hơn.

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay