GIÁO SƯ ĐẶNG VĂN CHUNG - ÔNG TỔ NỘI KHOA

Đăng vào ngày 2022-01-31 06:14:45 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Giáo Sư Y Học

Đặng Văn Chung sinh năm 1910, quê ở Sa Đéc, học tại Trường Trung học Chasseloup-Laubat, một “trường Tây” ở Sài Gòn trước cách mạng, khét tiếng “kén học trò giỏi”.

Năm 1952, ông sang Paris thi lấy bằng thạc sĩ y khoa, học vị cao nhất trong ngành y (khác với bằng master hiện nay). Bằng cấp có cao hơn, cuộc sống có ô-tô, nhà lầu, nhưng sao mà trong lòng chẳng lúc nào được yên tĩnh thảnh thơi.

Chẩn đoán bệnh như thần

Sau ngày Hà Nội giải phóng, theo đề nghị của GS Hồ Đắc Di và GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Chung được Nhà nước ta tin cậy bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội (Hiệu trưởng là GS Hồ Đắc Di) kiêm Chủ nhiệm Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai. Vừa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, vừa làm công tác điều trị tại bệnh viện đa khoa lớn nhất miền bắc, GS Chung rất bận. Mỗi tuần có bảy ngày, thì cả bảy ngày – không trừ chủ nhật – ông đều làm việc.

GS Chung đã phát hiện được căn bệnh trong toàn cõi Đông Dương: bệnh hypolycémie tumorale (hạ đường huyết do u ở tuỵ). Khối u chỉ bé bằng hạt ngô, sờ nắn bên ngoài chẳng có cảm giác gì, chụp điện quang cũng chẳng rõ, do vậy dễ bỏ qua. Cách điều trị tạm thời là cho uống nước đường, nhưng muốn chữa khỏi hẳn, thì phải mổ, cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, ở nước ta chưa ai mổ ca nào như thế cả! GS Chung nhờ GS Tùng, người bạn của ông từ thời sinh viên, nay là nhà phẫu thuật nổi tiếng thế giới, trực tiếp mổ ca đó. Khối u đúng là chỉ bé bằng hạt ngô, nằm ở khúc đuôi của tuỵ, sau khi bị cắt bỏ, người bệnh trở lại bình thường, không quá béo tốt như những năm mắc bệnh “háu ăn”…

GS Chung cũng đã phát hiện lần đầu tiên ở nước ta nhiều chứng bệnh khác như: bệnh gút (goutte), bệnh u ở tuyến thượng thận (phéochromocytome), bệnh Seckel, bệnh mất mạch (tức là bệnh Takoyashu, tên nhà bác học Nhật Bản tìm ra bệnh này)…

Ngay từ những năm đầu sau giải phóng Thủ đô, GS Đặng Văn Chung đã bắt tay biên soạn nhiều bộ giáo trình đại học như: Bệnh học nội khoa (hai tập), Điều trị học (hai tập). Hai bộ giáo trình này, về sau, được sửa chữa, bổ sung, in lại nhiều lần. Ông còn chỉ đạo Bộ môn Nội Đại học Y Hà Nội biên soạn cuốn Triệu chứng học nội khoa. Đó là những bộ giáo trình được giảng dạy tại các trường y ở khắp nước ta.

Ông cũng đã cộng tác với GS Trương Công Quyền biên soạn cuốn Tra cứu y – dược. Ngoài ra, để phổ cập kiến thức y học, ông đã viết cuốn Giải đáp về tim-mạch, Sức khoẻ và bảo vệ sức khoẻ…

Hầu hết các thầy thuốc nội khoa ở Việt Nam hiện nay đều là học trò của GS Đặng Văn Chung, có người học trực tiếp, có người học qua sách ông viết.

Dưới mưa bom B-52

Trong những năm chiến tranh phá hoại, cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai, GS Chung ở lại thành phố, chữa chạy cho những ngời bị bệnh nội khoa nguy kịch (nếu chuyển đi xa, có thể chết ngay trên đường), và cấp cứu chiến thương: một em bé bị bom vùi, một cụ già bị ngạt, một bà mẹ bị choáng sau trận mưa bom…

Giường bệnh chuyển xuống tầng hầm. Giáo sư vẫn giữ nếp đi khám bệnh hằng ngày. Những phút ngớt bom rơi, ông ngồi sửa chữa, bổ sung những cuốn sách đã in, chuẩn bị cho lần tái bản.

Nhà nước ta đã truy tặng GS Đặng Văn Chung Giải thưởng Hồ Chí Minh về “Cụm công trình nghiên cứu nội khoa”.

(Sưu tầm)

Website Luyện Thi Bác Sĩ Nội Trú

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay