GIẢI PHẪU: Động mạch cảnh ngoài

Đăng vào ngày 2022-01-17 16:04:37 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

GIẢI PHẪU: Động mạch cảnh ngoài

Giải phẫu động mạch đầu mặt cổ: tế bào vị trí kích thước đặc điểm chức năng

Động mạch cảnh ngoài

I. Nguyên uỷ, đường đi:

- Động mạch cảnh ngoài là 1 trong 2 nhánh tận của động mạch cảnh chung.

- Động mạch cảnh ngoài bắt đầu từ bờ trên sụn giáp chạy hướng ra sau, lên trên và hơi ra ngoài, rồi nhanh chóng đi vào tuyến nước bọt mang tai, đến sau cổ hàm thì tận hết bằng cách chia làm 2 ngành cùng.

II. Liên quan:

Động mạch cảnh ngoài đi trong 2 vùng ngăn cách bởi bụng sau cơ nhị thân.

- Vùng cổ: động mạch đi trong tam giác cảnh và ngăn cách với động mạch cảnh trong bởi mỏm trâm, cơ trâm hầu, cơ trâm lưỡi, thần kinh lưỡi hầu. Bên ngoài 2 động mạch này là bụng sau cơ nhị thân và cơ trâm móng.

- Vùng mang tai: khi vào tuyến mang tai, động mạch cảnh ngoài đi ở phần sâu của tuyến, phía sau bờ sau ngành xương hàm dưới, ở sâu hơn tĩnh mạch sau hàm và thần kinh mặt, đến cổ hàm thì chia 2 nhánh tận.

Ở chỗ xuất phát, động mạch cảnh ngoài nằm phía trước trong động mạch  cảnh trong, nhưng ngay sau đó hướng ra ngoài để đi vào tuyến mang tai.

Thần kinh thiệt hầu (IX) và đám rối hầu, thần kinh lang thang (X) và các thần kinh giao cảm, và một phần tuyến mang tai phân cách động mạch cảnh ngoài và động mạch cảnh trong.

Thần kinh hạ thiệt (XII) lúc đầu nằm giữa 2 động mạch, nhưng khi xuống dưới thì bắt chéo dưới động mạch cảnh ngoài, chen giữa động mạch cảnh trong và tĩnh mạch cảnh trong để ra trước. Lúc này nó cho rể dưới quai cổ.

Quai cổ được hình thành từ rễ trên (thuộc đám rối cổ) và rể dưới (từ dây XII) nằm ở phía trước ngoài bao cảnh (bên trong bao chứa tĩnh mạch cảnh trong, động mạch cảnh chung và dây X).

III. Nhánh bên

Trên đường đi động mạch cảnh ngoài cho 6 nhánh bên chính, và đây là đặc điểm chủ yếu để phân biệt động mạch cảnh ngoài với động mạch cảnh trong ở vùng cổ, điều này rất quan trọng trong thủ thuật thắt động mạch cảnh ngoài trong điều trị những xuất huyết trầm trọng ở đầu mặt. Các nhánh đó là:

- Động mạch giáp trên: xuất phát ngay dưới mức sừng lớn xương móng và tận cùng ở tuyến giáp.

- Động mạch hầu lên: xuất phát từ phần sau động mạch cảnh ngoài ở gần nơi xuất phát của động mạch này và tận cùng ở mặt dưới nền nọ.

- Động mạch lưỡi: xuất phát ở sau sừng lớn xương móng, tận cùng ở đỉnh lưỡi.

- Động mạch mặt: xuất phát trong tam giác cảnh, trên động mạch lưỡi một chút, chạy ngoằn ngoèo lên vùng mặt.

- Động mạch chẩm: xuất phát gần đối diện với động mạch mặt, gần bờ sau bụng sau cơ nhị thân.

- Động mạch tai sau: xuất phát khoảng giữa bụng sau cơ nhị thân và trâm móng.

Các nhánh bên này thông nối với nhau rất phong phú nên có thể thắt động mạch cảnh ngoài mà không gây nguy hiểm. Đồng thời qua các chỗ nối này, máu vẫn cung cấp đủ cho bên bị thắt, nên cũng có thể thắt động mạch cảnh chung 1 bên.

IV. Nhánh tận:

Động mạch cảnh ngoài khi tới chỏm xương hàm dưới thì chia làm 2 nhánh tận là động mạch thái dương nông và động mạch hàm trong.

- Động mạch thái dương nông: chạy lên trên, ở phía trước loa tai và ống tai ngoài, bắt chéo mỏm tiếp rồi tận hết bằng cách phân làm 2 nhánh là động mạch trán và động mạch đỉnh. Động mạch thái dương nông cho 3 nhánh bên chính là: động mạch gò má ổ mắt, động mạch ngang mặt, động mạch thái dương giữa.

- Động mạch hàm: sau khi tách ra, động mạch đi ngang qua ở mặt sau cổ xương hàm dưới để ra trước, rồi băng qua mặt ngoài (đôi khi mặt trong) của cơ chân bướm ngoài tới hố chân bướm khẩu cái. Dựa vào cơ chân bướm ngoài, động mạch hàm được chia làm 3 đoạn: đoạn hàm dưới, đoạn chân bướm, và đoạn chân bướm khẩu cái. Trên đường đi, động mạch cho rất nhiều nhánh bên cấp máu cho tất cả các khu sâu ở mặt: ổ mắt, ổ mũi, ổ miệng, hầu, cho các cơ nhai, cho màng não trước, và tận hết bằng nhánh động mạch bướm khẩu cái.

 

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay