Chụp cắt lớp phát xạ positron hay chụp PET là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp đánh giá chức năng các mô và cơ quan. Chụp PET rất hữu ích trong việc phát hiện hoặc đánh giá một số tình trạng như: bệnh ung thư, bệnh tim và rối loạn não. Thông thường, hình ảnh PET được kết hợp với chụp CT hoặc MRI giúp bác sỹ đánh giá được cả về mặt giải phẫu cũng như chức năng của tổn thương.
1. Mục đích của chụp PET scan
Chụp cắt lớp phát xạ positron (tên tiếng Anh là positron emission tomography và viết tắt là PET) công cụ hiệu quả để đánh giá hoạt động sinh học của các bộ phận của cơ thể bạn từ đó giúp xác định một loạt các bệnh, bao gồm nhiều bệnh ung thư, bệnh tim và thần kinh.
Hình ảnh từ chụp PET cung cấp thông tin khác biệt với hình ảnh được phát hiện bởi các loại hình chẩn đoán hình ảnh thường quy như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Chụp PET hoặc chụp PET/CT kết hợp cho phép bác sĩ chẩn đoán bệnh tốt hơn ở mức độ phân tử, đánh giá tình trạng sức khoẻ của bạn.
1.1 Ung thư
Các tế bào ung thư xuất hiện dưới dạng các điểm sáng trên hình ảnh của PET vì chúng có tốc độ trao đổi chất cao hơn so với các tế bào bình thường. Chụp PET có thể hữu ích trong:
● Phát hiện ung thư;
● Kiểm tra liệu ung thư đã lan rộng;
● Đánh giá hiệu quả phác đồ điều trị ung thư;
● Phát hiện ung thư tái phát.
Chụp PET phải được kiểm tra cẩn thận vì các bệnh lý không ung thư có thể trông giống như ung thư và một số bệnh ung thư không xuất hiện trên hình ảnh của PET. Nhiều loại khối u xuất hiện chụp được chụp PET, bao gồm:
● Não;
● Cổ tử cung;
● Đại trực tràng;
● Thực quản;
● Đầu và cổ;
● Phổi;
● Ung thư hạch;
● Khối u ác tính;
● Tụy;
● Tuyến tiền liệt;
● Tuyến giáp.
Chụp PET/CT giúp phát hiện u não
1.2 Bệnh tim
Chụp PET có thể cho thấy các khu vực giảm lưu lượng máu trong tim, tình trạng sống còn cơ tim vùng tổn thương. Thông tin này có thể giúp bác sĩ quyết định liệu người bệnh có đủ điều kiện để thực hiện thủ thuật thông động mạch tim bị tắc (nong mạch vành) hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
1.3 Bệnh lý thần kinh
Chụp PET có thể được sử dụng để đánh giá một số bệnh lý thần kinh, chẳng hạn như u não, sa sút trí tuệ,bệnh Alzheimer, tự kỷ, bại não và co giật.
2. Mục đích của chụp PET/CT
Chụp PET/CT là công cụ cung cấp cả hình ảnh chức năng (PET) và giải phẫu (CT). Đối với một số loại ung thư, chụp PET/CT là cách giúp tìm ra ung thư và xác định giai đoạn của bệnh, định vị ung thư và xem đã di căn chưa. Các bác sĩ cũng tìm hiểu thông tin về giai đoạn của ung thư và cách ung thư ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể như thế nào. Khi biết được những thông tin này, sẽ giúp bác sĩ có cơ sở để lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất và tiên lượng khả năng phục hồi của người bệnh.
3. Chụp PET/CT khác với quét CT như thế nào?
Chụp CT cho thấy hình ảnh chi tiết của các cơ quan và mô bên trong cơ thể bạn. Còn chụp PET có thể tìm thấy hoạt động bất thường của các cơ quan và kỹ thuật này có thể nhạy hơn các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Chụp PET cũng có thể hiển thị những thay đổi trong cơ thể sớm hơn. Các bác sĩ sử dụng chụp PET-CT để cung cấp thêm thông tin về bệnh ung thư. Ngoài việc tìm hiểu giai đoạn ung thư, chụp PET-CT có thể giúp bác sĩ:
● Tìm đúng vị trí để sinh thiết;
● Đánh giá hiệu quả điều trị ung thư;
● Kiểm tra ung thư mới phát triển sau khi điều trị đã kết thúc;
● Lên kế hoạch xạ trị.
Chụp PET có thể tìm thấy hoạt động bất thường của các cơ quan
___
Thông tin tham khảo