CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ CẦN CHÚ Ý GÌ

Đăng vào ngày 2024-01-07 06:34:13 mục Tin tức 5500 lượt xem

Đường dẫn tài liệu:

Ths BSNT Nguyễn Huy Thông

CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI) CHO BỆNH NHÂN 

1. CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI) LÀ GÌ?

Chụp cộng hưởng từ (MRI - Magnetic Resonance Imaging) là một trong các phương pháp thăm khám cận lâm sàng an toàn sử dụng sóng vô tuyến trong một môi trường có từ tính không sử dụng tia X và các tia bức xạ ion hóa... Hình ảnh chụp cộng hưởng từ có độ phân giải cao, chi tiết giải phẫu, tương phản rõ ràng và là phương pháp chẩn đoán được các bác sĩ tin dùng.

2. NHỮNG TRƯỜNG HỢP CHỐNG CHỈ ĐỊNH KHI CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ

Bên cạnh những lợi ích, phương pháp chụp cộng hưởng từ cũng có những nhược điểm riêng. Dưới đây là một vài trường hợp chống chỉ định khi tiến hành chụp cộng hưởng từ cho bệnh nhân mà các bác sĩ nhân viên y tế cần chú ý.

2.1. CHỐNG CHỈ ĐỊNH VỚI CÁC VẬT LIỆU CAN THIỆP TRONG CƠ THỂ KHI CHỤP MRI

Máy điện cực trợ tim: Đối với bệnh nhân cần sử dụng máy trợ tim nằm trong danh sách chống chỉ định tuyệt đối. Bệnh nhân có thể tử vong ngay lập tức do môi trường từ tính có thể làm dừng hoạt động của máy dẫn tới ngừng tim.

Điện cực ốc tai: Bệnh nhân đặt điện cực ốc tai khi chụp cộng hưởng từ sẽ bị từ trường của máy cộng hưởng gây ngừng hoạt động máy. Vật liệu mang từ tính của máy điện cực ốc tai có thể tăng nhiệt độ trong khi chụp kéo dài gây nguy hiểm khi chụp.

Stent, clip mạch máu: Trên thế giới đã ghi nhận những trường hợp tử vong do cộng hưởng từ đối với bệnh nhân đặt stent hoặc clip mạch máu bằng vật liệu có từ tính. Khi đặt trong từ trường cao có thể sinh nhiệt hoặc tại vị trí tiếp xúc với mô hoặc di lệch do sức hút của từ trường dẫn đến nguy hiểm cho người bệnh

Một số thiết bị cấy ghép khác như thiết bị cấy ghép giảm đau cột sống, dụng cụ cấy ghép dương vật, van tim, khớp giả, đinh nẹp vít kim loại, những thiết bị cấy ghép cũ trên 20 năm thường là chất liệu mang từ tính và đều có thể gây nguy hiểm cho người bệnh và không nên chụp cộng hưởng từ.

Đối với những người bệnh có mảnh kim khí trên người cũng cần lưu ý khi chụp cộng hưởng từ do từ trường cao có thể gây di lệch mảnh kim khí gây nguy hiểm cho người bệnh.

2.2. CHỐNG CHỈ ĐỊNH TỪ CÁC YẾU TỐ NGOÀI CƠ THỂ KHI CHỤP MRI

Máy thở, bình oxy, xe lăn: Trường hợp những bệnh nhân nặng cấp cứu cần thở oxy và nằm cáng đi chụp cộng hưởng từ cần hết sức lưu ý những vật liệu này có thể bị hút vào máy với từ trường cao gây hiệu ứng tên lửa, với lực hút mạnh các thiết bị văng mạnh vào người bệnh khiến người bệnh gặp nguy hiểm hoặc bị kẹt trong máy chụp.

Một tai biến khác có thể xảy ra khi chụp cộng hưởng từ đối với bệnh nhân có hình xăm trên người đó là với những hình xăm chứa các oxit sắt khi chụp thời gian dài có thể gây tăng nhiệt tại vị trí xăm và dẫn đến bỏng.

3. CÁCH KHẮC PHỤC CÁC NHƯỢC ĐIỂM CỘNG HƯỞNG TỪ

3.1. NHỮNG TRƯỜNG HỢP CÓ CÁC VẬT LIỆU CAN THIỆP TRONG CƠ THỂ

Những trường hợp bệnh nhân lắp máy điện cực trợ tim, máy trợ thính hoặc cấy ghép các thiết bị từ tính trên người. Trước khi chụp cộng hưởng từ người bệnh sẽ được làm phiếu kiểm tra an toàn trước khi chụp. Chụp X-quang kiểm tra trước nếu cần thiết và phối hợp với bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo bệnh nhân an toàn nhất có thể.

3.2. NHỮNG TRƯỜNG HỢP KÈM CÁC YẾU TỐ NGOÀI CƠ THỂ

Trường hợp an toàn bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như máy thở, bình oxy, xe, cán kim loại mang từ tính cần loại bỏ toàn bộ các thiết bị này bên ngoài phòng chụp. Đảm bảo phân độ vùng an toàn theo đúng 4 cấp độ trong đó:

•    Vùng an toàn 1: Nơi tiếp nhận giấy chỉ định của bệnh nhân

•    Vùng an toàn 2: Nơi người bệnh chờ khám và chưa được kiểm tra an toàn

•    Vùng an toàn 3: Vùng người bệnh được kiểm tra an toàn, làm bảng đánh giá. Vùng này được bảo vệ bởi một cửa và chỉ có nhân viên cộng hưởng từ và bệnh nhân được đi qua

•    Vùng an toàn 4: Vùng bệnh nhân đã được kiểm tra an toàn dưới sự giám sát chặt chẽ của điều dưỡng, kỹ thuật viên được đào tạo về an toàn cộng hưởng từ. Bất cứ người nào đi vào vùng 4 đều được giám sát chặt chẽ.

3.3. LƯU Ý TRƯỚC KHI CHỤP MRI

Trường hợp bệnh nhân thay khớp giả hoặc có đinh vít, nẹp cố định được phẫu thuật dưới 10 năm và được sử dụng các vật liệu đã khử từ có thể chụp cộng hưởng từ bình thường. Nếu bệnh nhân phẫu thuật có sử dụng những vật liệu cũ vẫn mang từ tính thì cần cân nhắc và phối hợp lâm sàng để có được chỉ định hợp lý nhất.

Trường hợp muốn chụp cộng hưởng từ (MRI) cho bệnh nhân cần thở máy liên tục trong suốt quá trình chụp MRI, các cơ sở y tế cần chú ý trang bị máy thở được dùng trong phòng MRI để dùng cho bệnh nhân, tránh dùng máy thở thông thường không sử dụng được cho phòng MRI nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Danh mục: Tài liệu

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay