CHẨN ĐOÁN HẠ KALI MÁU KHÔNG KHÓ
Bệnh nhân nữ 45 tuổi, nhập viện vì hạ kali máu kéo dài 2 năm nay. Từng nhập viện nhiều lần tại khoa Nội tiết một bệnh viện lớn ở Cần Th vì yếu tay chân và hạ kali máu nhưng không tìm ra bệnh. Bệnh nhân cũng đã từng một lần lên bệnh viện Chợ R khám nhưng được cho nhập viện vào khoa Ngoại Thần Kinh và cũng không tìm ra bệnh. Lần này dòng đời đưa đẩy bệnh nhân đến khám và nhập viện tại Khoa Nội tiết - Bệnh viện ĐKTP Cần T. Sau đây là các bước tiếp cận chẩn đoán hạ kali máu cho bệnh nhân:
Bước 1️⃣: định hướng nguyên nhân. Hạ kali máu có 3 nhóm nguyên nhân là (1) giảm nhập, (2) di chuyển từ ngoại bào vào nội bào và (3) mất ra ngoài (tiêu hóa, thận). Trong đó chỉ có một nhóm nguyên nhân gây hạ kali máu dai dẳng và kém đáp ứng với bù kali đó là MẤT QUA THẬN. Với tiền sử hạ kali máu kéo dài 2 năm chúng ta có thể dễ dàng nghĩ ngay đến việc bệnh nhân bị mất kali qua thận.
Bước 2️⃣: chứng minh mất K+ qua thận. Để làm được việc này chúng ta cần xét nghiệm điện giải đồ niệu và creatinin niệu với mẫu nước tiểu bất kỳ. K+/creatinin niệu >1.5mEq/mmol đồng nghĩa mất K+ qua thận. (hình 2)
Bước 3️⃣: kiềm chuyển hóa hay toan chuyển hóa. Mất kali qua thận được chia thành 2 nhóm là kiềm chuyển hóa (cường aldosterone, lợi tiểu) và toan chuyển hóa (toan ống thận). Cho nên sau khi chứng minh có mất kali qua thận thì bước tiếp theo là làm khí máu tĩnh mạch để xác định tình trạng toan kiềm. Bệnh nhân này bị kiềm chuyển hóa (hình 3).
Bước 4️⃣: xét nghiệm aldosterone, renin máu. Trong trường hợp bệnh nhân bị mất K+ qua thận và kiềm chuyển hóa thì nguyên nhân phổ biến nhất là cường aldosterone nguyên phát. Aldosterone có chức năng tái hấp thu Na+ và thải K+. Khi K+ máu thấp thì aldosterone phải bị ức chế tiết, nếu K+ máu thấp mà aldosterone vẫn tăng chứng tỏ có tình trạng tăng tiết aldosterone bất thường. Ngưỡng chẩn đoán cường aldosterone là PAC (plasma aldosterone concentration) >15ng/dL. Cường aldosterone được chia thành nguyên phát (aldosterone tăng, renin giảm) và thứ phát (aldosterone tăng, renin tăng). Trường hợp này xét nghiệm ra aldosterone tăng và renin giảm nên là cường aldosterone nguyên phát (hình 4).
Bước 5️⃣: hình ảnh học tìm u thượng thận. Sau khi chứng minh có bất thường về mặt sinh hóa, chúng ta đi tìm bất thường về hình ảnh học bằng cách cho bệnh nhân chụp CT-scan ổ bụng có tiêm thuốc cản quang. Kết quả chụp phim của bệnh nhân này là adenoma thượng thận (P) (hình 5).
Như vậy chẩn đoán cuối cùng của bệnh nhân này là: cường aldosterone nguyên phát do adenoma thượng thận (P). Hướng điều trị là sử dụng lợi tiểu kháng aldosterone (spironolactone) và bù kali để đưa kali máu về bình thường. Sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ adenoma thượng thận (P).
#bsngoducloc #noitiet #ctump #hakalimau #hypokalemia #cuongaldosterone #primary #aldosteronism