Bệnh cúm mùa: Những điều cần biết
____
Cúm theo mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào mùa lạnh. Đối với đa số người khỏe mạnh, cúm có thể gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng thường tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, ở một số nhóm nguy cơ cao, bệnh có thể diễn tiến nặng và gây biến chứng nghiêm trọng.
1. Dịch tễ bệnh cúm tại Việt Nam
Tại Việt Nam, cúm theo mùa lưu hành quanh năm nhưng thường gia tăng vào hai thời điểm chính: mùa xuân (tháng 3 - 4) và mùa thu - đông (tháng 9 - 12). Do điều kiện khí hậu nóng ẩm, cúm có thể xuất hiện rải rác ngay cả vào mùa hè.
Theo số liệu của Bộ Y tế, mỗi năm có hàng trăm nghìn ca cúm được ghi nhận, trong đó nhiều trường hợp phải nhập viện do biến chứng. Các nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người già và người có bệnh nền thường bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Mặc dù phần lớn bệnh nhân hồi phục sau 7 - 10 ngày, cúm vẫn có thể gây viêm phổi, suy hô hấp hoặc thậm chí tử vong nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách.
2. Các chủng virus cúm phổ biến
Virus cúm theo mùa chủ yếu do các chủng thuộc họ Influenza virus gây ra, bao gồm hai loại chính:
➤ Cúm A:
• Gây ra các đợt dịch lớn, lây lan nhanh.
• Hai chủng chính gây bệnh ở người là H1N1 và H3N2.
• Cúm A(H1N1): Trước đây từng gây đại dịch năm 2009, hiện nay lưu hành như cúm theo mùa.
• Cúm A(H3N2): Thường gặp, gây triệu chứng nặng hơn ở người già và trẻ nhỏ.
➤ Cúm B:
• Lưu hành hàng năm, thường gây dịch nhỏ hơn so với cúm A.
➤ Cúm C:
• Hiếm gặp và thường gây bệnh nhẹ, không tạo thành dịch lớn.
3. Triệu chứng của bệnh cúm
Các triệu chứng của cúm thường xuất hiện đột ngột và có thể bao gồm:
• Sốt cao, ớn lạnh
• Ho, đau họng
• Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
• Đau cơ, mệt mỏi
• Đau đầu
• Ở trẻ em, có thể kèm theo buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
Hầu hết các trường hợp cúm sẽ tự khỏi sau khoảng 7-10 ngày, nhưng một số người có nguy cơ cao bị biến chứng nặng.
4. Ai có nguy cơ bị cúm nặng?
Dù cúm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một số nhóm dễ gặp biến chứng hơn, bao gồm:
• Người cao tuổi, đặc biệt là những người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, bệnh phổi mạn tính
• Trẻ nhỏ, do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ
• Phụ nữ mang thai
• Những người có bệnh mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy giảm
Biến chứng của cúm có thể bao gồm viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng nặng, và thậm chí có thể đe dọa tính mạng.
5. Phòng ngừa cúm: Tiêm vaccine là biện pháp quan trọng
Vaccine cúm là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm mức độ nghiêm trọng nếu bị nhiễm. Những lợi ích chính của tiêm vaccine cúm bao gồm:
• Giảm nguy cơ mắc cúm, giúp ngăn ngừa sự lây lan trong cộng đồng
• Giảm nguy cơ bệnh nặng và biến chứng, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao
• Bảo vệ người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi
Ngoài việc tiêm vaccine hàng năm, một số biện pháp khác cũng giúp phòng ngừa cúm, bao gồm:
• Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
• Tránh tiếp xúc với người bệnh, hạn chế đến nơi đông người khi có dịch
• Tăng cường hệ miễn dịch, bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ.
Bác sĩ Truyền Nhiễm