Đăng vào ngày 2021-08-16 19:28:04 mục Tin tức 5500 lượt xem

Tổng hợp và chia sẻ kinh nghiệm ôn thi Bác sĩ Nội trú

(Khá dài, các bạn nên đọc cẩn thận, phần hay ở phía sau nhé )

I. KINH NGHIỆM ÔN THI BÁC SĨ NỘI TRÚ

Từ 1 người trải qua kỳ thi nội trú trắc nghiệm năm đầu tiên và đạt kết quả cao (khoe khoang)

Dành cho những bạn đang ôn thi nội trú và có ý định sau này thi nội trú!

Tháng 1 năm ngoái tớ cũng đang hoang mang giữa rừng tài liệu chính, phụ, đồn đại, sát đề… của anh chị cho, bạn bè chia sẻ. Hoang mang hơn khi thấy từng nhóm bạn truyền nhau các tập bí ẩn nhất trong ngành mà ai học y cũng từng nghe tên “tài liệu nội trú” và tháng 6 các bạn thủ thỉ với nhau rằng ôn tập này trúng tập kia trúng. Thậm trí không ít (nhiều thì sát nghĩa hơn) bạn phao tin sai để các bạn khác ôn lệch @@ và rồi các bạn ấy lại là người không đỗ.

Các bạn năm nay và năm sau nữa, trước khi các bạn cày đến tài liệu “riêng” của mình, tài liệu xin cũng được, mua cũng được tùy quan điểm từng người, hãy NHỚ là phải kinh qua (nắm vững ấy) các giáo trình chuẩn sau đã nhé, đừng nghĩ ăn xổi hớt phía trên mà quên cái gốc, cây chắc rễ mới đâm nhiều trái, chớ như giống cây ngắn ngày. Bởi hướng ra đề của thầy cô là chi tiết trong sách và suy luận dựa trên kiến thức cơ bản.

Học theo các bài có trong mục tiêu giảng dậy mà bộ môn gửi cho đầu mỗi kỳ học nhé, nội dung dưới đây đã bao gồm thứ tự ưu tiên đọc cho mỗi môn, ngoại lệ tớ sẽ lưu ý ở dưới.

1. Nội: 2 quyển bệnh học, slide bài giảng thầy cô, vở ghi với sổ lâm sàng của các bạn, trang bệnh học của Bạch Mai (với 1 số bài không có trong sách), lượng giá bằng test hết môn của các năm từ Y3-Y6.
Tớ thấy có bạn đề cao 1 số tài liệu không chính thống bảo sách các thầy dày quá, cao siêu quá khó học hơn sách kia. Các thầy là người ra đề ơ kìa. Nếu không học được sách các thầy viết thì đừng nói chuyện thi nội trú nữa nhé!

2. Nhi: 2 quyển Nhi xanh hồng, slide bài giảng thầy cô, quyển nhỏ nhỏ bỏ túi lúc đi lâm sàng các giá trị bình thường của Nhi và sổ lâm sàng của các bạn, vở ghi, test từ Y4-Y6.

3. Ngoại: (đề ngoại sản khó hơn nội nhi năm tớ thi) sách giáo khoa, slide, vở ghi, sách cấp cứu với sách sau đại học (học những bài trong mục tiêu vì khá nhiều), quyển đề cương của anh Hiếu (không phải chính thống nhưng anh tổng hợp lại từ các nguồn chính thống, có các nội dung trong mục tiêu nhưng lại nằm trong sách cấp cứu với sau đại học, dành cho các bạn không có thời gian đọc 2 quyển này), test từ Y3-Y6.

4. Sản: (cái này tài liệu chắc nhiều bạn băn khoăn nhất) sách giáo khoa (cũ nhưng không được bỏ qua), sách thủ thuật, slide, vở ghi, sổ lâm sàng, đề cương anh Hiếu, 2 quyển sản Huế sản Hà Lan (đọc những nội dung có trong mục tiêu nhưng không có trong sách giáo khoa, bao giờ cũng ưu tiên sách giáo khoa trước vì 2 quyển này không phải tài liệu chính thống nhé), lưu ý nội dung đái tháo đường thai nghén không có trong mục tiêu nhưng có trong nội dung thi, lượng giá test 3000 câu.

5. Sinh lý: sách giáo khoa, test y học trực tuyến, test guyton (có bản tiếng Việt thì tốt, theo cá nhân tớ test này làm với những bạn đã ổn ổn các môn khác rồi vì test này dài, khó thuộc, ít trong nội dung thi và nếu vững sách giáo khoa có thể suy luận được 1 số câu)

6. Giải phẫu: tớ học thầy Huy để nhanh hiểu và tiết kiệm thời gian tự đọc, nếu bạn nào không học có thể học theo tài liệu anh Hiếu, còn nội dung thi năm tớ có 1 số câu (ít thôi) thầy Huy chưa dậy trong tài liệu anh Hiếu chưa viết mà có trong sách giáo khoa thôi (ít thôi không cần hoang mang) chuẩn ra có thời gian thì học trong sách giáo khoa, các bạn nên cân đối vì mức độ đóng góp điểm của các môn, lượng giá bằng test sau sách giáo khoa và trên y học trực tuyến.

7. Hóa sinh: sách giáo khoa, test 6 đề ngoài quán photo.

8. Sinh học: sách giáo khoa, test quán photo (dễ tìm thôi ra hỏi là có mà)

9. Tiếng Anh: đợi gần thi mua test 10 đề để học thuộc nhé.

=> Kết lại:

1. Nhấn mạnh sách giáo khoa, slide, những điều bạn tích cóp ghi chép của thầy cô.

2. Trong giai đoạn 2 tháng nước rút, thời gian tổng hợp lại 8 môn, chia bài theo ngày và ghép cặp hợp lý. Tớ ôn nội nhi sinh lý cũng nhau (ví dụ cả 3 môn đều ôn chương tiêu hóa 1 ngày chẳng hạn), ngoại sản giải phẫu cùng nhau, còn hóa sinh sinh học xen kẽ vào cho không quên.

3. Hy vọng các bạn không học thuộc đáp án (trước đây tớ cũng từng có suy nghĩ ấy), mà có thuộc thì trúng cũng ít, thời gian ấy đã lĩnh hội được nhiều kiến thức khác. Ngân hàng đề nhiều thì cũng nhiều nhưng mỗi năm lộ ra thì sẽ thành ít và các thầy vài năm lại phải tìm phương án đối phó lại vấn đề này. Tớ và không ít người vẫn luôn mong muốn kỳ thi này là thiêng liêng là đáng nhớ, có ganh đua nhưng đừng đố kỵ, ích kỷ, cơ hội, và đừng vì nội trú mà mất đi nhiều thứ quý giá. Bác sĩ nội trú là người có óc tư duy, nếu bạn không đủ khả năng hãy nhường cơ hội cho người khác, nhé.

4. Tuy là quan điểm cá nhân thôi nhưng tớ cũng biết nhiều bạn đứng top cũng bám lấy tài liệu chính thống để vượt qua kỳ thi này chứ không hề có cái “tài liệu nội trú” thần thánh nào khác cả.

5. Lời cuối rồi (dài quá và làm mất nhiều thời gian của người đọc quá phải không) tớ chúc các bạn luôn tỉnh táo nhìn nhận mọi vấn đề của kỳ thi này, ôn tập thật tốt, để được chào đón 1 thế hệ tiếp theo cùng tớ (vừa được mấy tháng) vào với thế giới bác sĩ nội trú, mong rằng sẽ là thế hệ bác sĩ nội trú vừa có tài có tâm như đàn anh đàn chị, thế hệ các thầy nhà mình các bạn nhé!

II. Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi Bác sĩ nội trú của Bác sĩ Thân Hữu Tiệp – Bác sĩ nội trú chuyên ngành Tai – Mũi – Họng. Khóa 37 ĐH Y Hà Nội

Nếu là 1 sinh viên y có lẽ ai cũng muốn mình trở thành 1 BSNT thế nhưng để trở thành 1 BSNT bạn phải trải qua khá nhiều chông gai mà trước tiên chính là kỳ thi tuyển BSNT.

Bản thân anh vừa trải qua kỳ thi NT37 với năm đầu tiên theo quy chế mới học 8 môn thi 5 môn,với nhiều khó khăn đã trải qua và mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm bản thân tích lũy được của mình hy vọng sẽ giúp được các em sau này khi ôn thi bớt bỡ ngỡ,ít vất vả hơn và xác định 1 thái độ đúng để có thể thực hiện được ước mơ BSNT của mình.

Một số câu hỏi được đặt ra ngay khi muốn trở thành 1 BSNT: mấy cái quy chế thì nhiều lắm để hiểu hết các em phải tìm hiểu dần sau đây chỉ là 1 số điểm chính:

– Điều kiện thi Nội trú

Các em có thể dễ dàng đọc được trong các thông báo của trường mình.Cái này có mấy điểm cần lưu ý: vừa tốt nghiệp, không bị kỷ luật trong 6 năm học từ cảnh cáo trở lên,môn chuyên ngành của ngành mình định thi cần trên 7….

– Hình thức thi: theo quy chế mới các em sẽ học 8 môn thi 5 môn (trong 3 ngày thứ 6, 7, chủ nhật cuối cùng của tháng ? gồm:

+ Môn 1: toán

+ Môn 2: ngoại ngữ(có thể chọn tiếng Anh/Pháp)

+ Môn 3: môn cơ sở:bốc 1 môn trong 4 môn cơ sở để thi: giải phẫu, sinh lý, hóa sinh, sinh học – di truyền

+ Môn 4-5: môn chuyên ngành:phía nội:môn 4 nội+ môn 5 nhi,phía ngoại: môn 4 ngoại+môn 5 sản; riêng sản thì môn 4 là sản môn 5 là ngoại; nhi thì môn 4 là nhi, môn 5 là nội; ngành nào phía nội ngành nào phía ngoại các em tự tìm hiểu; các ngành CLS các em tự tìm hiểu vì anh cũng không nhớ lắm.

– Điều kiện xét tuyển:

+ Qua sàn: toán, ngoại ngữ trên 5, môn thứ 4 trên 7, môn thứ 5 trên 6 (với sản và nhi môn thứ 4 chính là sản và nhi tương ứng còn lại các ngành phía nội môn 4 là nội, phía ngoại môn 4 là nhi)

+ Xếp từ trên xuống dưới những người qua sàn theo số chỉ tiêu mà nhà trường công bố trước thi, không được nguyện vọng 1 sẽ được cân nhắc xếp nguyện vọng 2, cái này sẽ có nhiều thông báo của nhà trường qua kỳ họp của hội đồng xét tuyển tùy tình hình hàng năm mà thay đổi.

1. Chọn thi NT gì?

Phụ thuộc rất nhiều yếu tố: cái mình thích, sức học đến đâu, đầu ra ngành đó thế nào… Tất nhiên các em phải đủ điều kiện rồi,mình tin mỗi sinh viên sẽ tự chọn được cho mình 1 ngành mình thích và mong muốn theo đuổi từ đó định hướng học ngoại sản/RHM/nội nhi/YHCT/YHDP…những môn chuyên ngành cho tử tế sau này ôn thi đỡ vất vả. Bên cạnh đó là các môn cơ sở các em nếu xác định từ sớm nên học tốt ngay từ y dưới đó là 4 môn: giải phẫu, hóa sinh, sinh học-di truyền, sinh lý.

2. Thời gian ôn thi

+ Theo nhiều người với tình hình học nhiều như hiện nay nên bắt đầu sớm thì tốt hơn để “làm quen” dần; tùy lực học mà có thể là ôn từ hè năm thứ 4, hay năm thứ 5 nhưng theo anh nếu kiến thức các em khá chắc từ y dưới cộng với quyết tâm thì nên bắt đầu từ kỳ 2 năm Y5 hay hè Y6 mà ôn tập trung, hiệu quả là đủ tránh kéo dài gây chán nản, căng thẳng không cần thiết từ đó các em sẽ ôn liên tục đến tận lúc thi.

+ Xen kẽ với đó các em câng vượt qua 1 số kỳ thi các môn Y6 cùng kỳ thi tốt nghiệp. Bản thân quá trình này cũng cần rất nhiều chiến thuật phù hợp với từng người với mục đích là: giành “tối đa” thời gian cho việc ôn thi nội trú mà vẫn đạt được số điểm cần thiết, có thể lấy vài ví dụ:

Với những người cần bằng giỏi thì cần điểm cao sẽ mất thời gian,trí não cho việc lấy điểm nên cần chú ý cân bằng thời gian cho ôn nội trú hợp lý, theo anh nếu sau 5 năm số điểm các em không lên đến hơn 7,93 thì không nên cố lên bằng giỏi làm gì sẽ có áp lực không cần thiết mà tổn hại trí não cho việc ôn thi. Mấy môn không liên quan đến điều kiện thi nội trú thì các em nghỉ học lý thuyết những buổi không cần thiết hay thậm chí môn liên quan đến thi nội trú mà không liên quan đến chuyên đề ôn thi mình nghỉ cũng được, lúc ôn để chuẩn bị thi thì tính toán thời gian cho hợp lý xin tài liệu chuẩn mà học đỡ tốn thời gian.
Làm luận văn hay thi tốt nghiệp: luận văn điểm cao cần cho người muốn bằng đẹp tuy nhiên nếu biết chọn chuyên ngành để làm cũng sẽ đỡ vất vả,có nhiều thời gian ôn thi NT; buổi bảo vệ luận văn cũng là 1 buổi lễ đáng nhớ.Chọn thi tốt nghiệp sẽ có lượt học chuyên nghành tập dượt cho kỳ thi NT nhưng căng thẳng áp lực hơn.
Đi học lâm sàng, thi lâm sàng tốt nghiệp: hơi may mắn 1 chút, ví như đi học ngoại ở st paul các em sẽ có thời gian ngồi nhà ôn NT mà đi thi vẫn có thể lấy điểm cao, hay thi lâm sàng tốt nghiệp: nếu bốc phải môn lâm sàng phía mình định thi thì sẽ có thêm thời gian ôn luyện và ngược lại sẽ mất thời gian đọc lại môn không liên quan đến thi NT.
Ví dụ thi nội trú phía ngoại mà bốc phải thi lâm sàng nhi thì đau khổ lắm, đây là sự thật dù anh rất yêu quý bộ môn nhi.

3. Tài liệu ôn thi

Muốn bắt đầu ôn thi thì nên bắt đầu xin tài liệu ôn thi,tùy khả năng quen biết quan hệ của mỗi người mà họ có thể tìm được sư phụ và xin được bộ tài liệu tốt hay không, 1 vài kinh nghiệm xin tài liệu của anh:

+ Cách xin tài liệu: rất dễ chỉ cần các em xin được số điện thoại rồi gọi điện cho các anh chị mới đỗ là khả năng xin được rất cao, khó nhất chỉ là làm sao có được SĐT anh chị mình định xin tài liệu, cái này dựa vào khả năng xã hội của các em.

+ Xin tài liệu đủ dùng: với các em định ôn sớm thì xin 1-2 bộ của các anh chị hơn mình 2 khóa mới đỗ để ôn dần rồi chờ kết quả đỗ của các anh chị đỗ khóa ngay trước mình xin tiếp 1-2 bộ nữa so sánh và bổ sung, việc xin các anh chị ngay khóa trên tài liệu sẽ cập nhật hơn nhưng sẽ phải chờ đợi lâu. Tránh xin nhiều quá dễ loạn,hại não mà lại không dùng tới.

+ Xin tài liệu tin tưởng được: thường là tài liệu của những anh chị đỗ cao các môn, càng cao càng tốt, mà tốt nhất định thi các gì xin tài liệu người đỗ Nội trú đấy sau dễ nói chuyện, theo anh nên xin của các chị vì thường thì các chị chữ đẹp lại cẩn thận dễ đọc, nếu là bộ đề cương đánh máy thì nên xin cả file gốc dễ bề sửa chữa để in ra học, cái này khoản xin tài liệu này quan trọng vì nó sẽ giúp các em đỡ vất vả hơn, tài liệu càng tin tưởng thì các em càng đỡ phải lo xin thêm tài liệu, đỡ tốn thời gian, và vắt óc suy nghĩ nhiều.

+ Bên cạnh đó: các em phải có các quyển sách giáo khoa từng môn, sách tham khảo từng môn đủ dùng không nhiều quá,cái này tưởng dễ mà không biết thì cũng khá là đau đầu vì nhiều khi các em đọc đến 1 đoạn mà chả hiểu từ đâu ra thì sẽ không tin tưởng lắm muốn check lại thì không biết check ở đâu, cái này các em nên hỏi các anh chị. Ví dụ để học ngoại theo anh cần sách giáo khoa của bộ môn, 2 quyển cấp cứu,quyển ôn thi sau đại học dành cho BSNT thêm vào đó là bài giảng của các thầy ví dụ xương thì theo thầy Hòa, cấp cứu tiêu hóa nên đọc bài thầy Quyết, ung thư tiêu hóa nên theo thầy Huấn,lồng ngực nên đọc của thầy Ước….hay tài liệu nội thì nội tiết ĐTĐ nên theo cô Vân, thầy Quân chả hạn; suy thận theo thầy Tuyển…cái này là lý do đòi hỏi các em xác định từ sớm môn mình cần học cẩn thận hơn mà biết xem cái gì nên theo của ai thì tin tưởng được.

4. Học các môn thế nào?

Đặc thù năm anh học thì các thầy mới thay đổi quy chế trước thi 6 tháng bọn anh vừa học vừa nghe ngóng và cho chuyên đề trước thi 4 tháng nên anh không có nhiều thời gian để chuẩn bị đặc biệt là các môn cơ sở, các em học sau sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị và tài liệu hơn nhé nên cái này chỉ để tham khảo:

– Toán: anh rút ra

+ Toán không khó nhưng để cân bằng khi học cùng với các môn học thuộc khác không phải điều dễ dàng,cần học chắc ngay từ đầu vì 2 lý do: đến đoạn cuối các em sẽ có rất ít thời gian dành cho toán và để hơn 1 điểm môn học thuộc thì khó nhưng hơn 1 điểm toán thì rất dễ.

+ Bộ đề bộ môn toán chính là quyển sách bài tập của bộ môn, các em khi dỗi dãi hoặc khi không học thuộc được nữa nên lấy ra làm dần gọi là giải trí nếu các em làm hết trong đấy lúc đi thi chắc chả còn dạng bài gì là lạ với các em nữa đâu.

+ Nên đi học thêm: các em có thể học cô Hằng hay cô Nguyệt hay em thậm chí cả 2 cô tùy:

Học Cô Nguyệt: cô giảng hay, cơ bản, dạy cho các em cách trình bày và nếu nắm chắc các em thi rất tốt điểm 8-9 không ngoài tầm tay;Cô chỉ dạy thêm từ đầu Y6.
Học Cô Hằng: cô dễ tính, học thoải mái nhưng cô khuyến khích các em tự học đặc biệt là làm các bài tập sách bài tập,học cô Hằng ăn về cuối các em ạ đó là lúc làm đề, rất quan trọng. Với những em không đi học cô có thể mượn các bạn đi học photo để làm nhưng sẽ tốn time hơn nếu không biết cách học đặc biệt đoạn cuối không có nhiêu time cho toán; Cô có thể dạy từ lúc Y5 tùy vào sự chủ động lập lớp liên hệ của bọn em.
Năm của anh do không có thời gian nên sau khi học hết lý thuyết của cô nguyệt anh nghỉ và chỉ làm đề học theo cô Hằng,cũng trúng phết đấy, mỗi điều anh không cẩn thận và dành quá ít thời gian cho toán nên điểm cũng không cao.
– Ngoại ngữ:thoải mái nhất vì không tính điểm,cần khi các bạn cùng chuyên ngành bằng điểm nhau. Có 2 loại ngoại ngữ các em có thể chọn để thi: tiếng Anh, tiếng Pháp.

+ Anh thi tiếng Anh: hiện tại thi bằng B. Học thêm sẽ cần với những đứa học dốt như anh, mưa dần thấm lâu mà; anh thấy nhiều bạn cũng chả đi học thêm cứ lấy 10 đề cao học ra học thì đề thi cũng giống thế, cái quan trọng là các em nếu không đi học cần biết cách thu xếp thời gian tự học để đến lúc thi nắm tốt 10 đề thi cao học cũ là ok. Để qua sàn tiếng anh không khó: 3 điểm trả lời câu hỏi chỉ cần đọc câu hỏi chép từ đoạn văn xuống dưới 1 chút tư duy nữa là ổn, thêm 2 điểm dịch Việt anh (đi học thêm cô Ninh cho mấy chục câu cứ thế nhai thôi), mấy điểm nữa dịch Anh Việt rồi mấy câu ngữ pháp nữa là ok (các em tham khảo 10 đề ngoài quán photo để biết dạng bài thôi)

+ Thi tiếng Pháp: anh không rõ lắm thấy các bạn học ý nhàn hơn không phải đi học thêm 5-6 tháng liền như bọn anh, chỉ học đoạn cuối và nghe bảo đi học cô Mai dạy 1 khóa 10 buổi làm đề, hôm đi thi thấy các bạn toàn nộp bài sớm và điểm thì rất cao.

– Các môn cơ sở: quy luật ngắn, học vào nhanh, ra nhanh, phải ôn luyện lại nhiều lần mới nhớ được và học cũng cần chiến thuật hợp lý.

+ Giải phẫu: nên học thêm thầy Huy xin lịch học và học đợt đầu vì giải phẫu ôn luyện nhiều lần các em mới nhớ được (thầy chỉ mở lớp dạy từ đầu Y6 sau khi chấm xong NT và do số lượng quá nhiều thường chia làm 2 đợt học); môn này dễ học nhưng cũng nhanh quên,theo anh nên đi học thêm để có hình tượng trong đầu thì sẽ lâu quên; không đi học thêm tự học được thì tốt nhưng sẽ tốn thời gian hơn nữa đi học cũng nhiều cái vui. Khi học các em nên viết luôn thành đề cương lúc thầy đọc cho chép(đỡ phải soạn lại) và có sẵn bút chì, tẩy, vẽ nhiều hình nhất có thể lâu lâu động lại nhìn vào sẽ có ấn tượng dễ hiểu hơn; cần chú ý những hình nào sẽ thi. Đề thi sẽ gồm 6 phần mỗi phần 1 câu theo anh chia: chi trên/chi dưới/đầu mặt cổ/bụng/lồng ngực-phúc mạc/thần kinh trung ương. Sẽ có 1 số câu tự học thầy không dạy, các em không được bỏ khóa anh đã thi 1 câu tự học như thế khá nhiều bạn bỏ khá đáng tiếc.

+ Sinh lý: tự học, cố kiếm bộ nào chuẩn 90 câu, tham khảo các anh chị cao học vì các anh chị ý được bộ môn ôn thi cho lúc gần thi, môn này học nhanh nhưng cũng theo quy luật cái gì vào nhanh thì ra nhanh,phải ôn lại nhiều lần. Đề thi anh cũng không hiểu cấu trúc nhưng thường thấy có 1 câu nội tiết, 1 câu sinh dục sinh sản, 1 câu hormone tổng hợp và 3 câu nữa có thể là sinh lý tim mạch-màng tế bào… Tức là về hormone có 3 câu đủ để em qua sàn nếu làm tốt.

+ Hóa sinh: các em tự soạn dựa trên 2 quyển hóa sinh cũ và mới và các chuyên đề của bộ môn ra dành cho NT, 1 số bạn có cả handout từ Y2 để soạn thì tốt, nói chung môn này bộ môn cho chuyên đề năm của anh khá là rõ ràng, các em soạn đừng lan man dài dòng khổ cho lúc học hãy nhớ môn cơ sở chỉ cần trên 5 và soạn sao cho lúc học mình thấy dễ học nhất. 1 số phần chính: đại cương (enzyme, năng lượng sinh học), chuyển hóa, hóa sinh cơ quan.

+ Sinh học-di truyền: năm của anh bộ môn cho toàn là sinh học không có tí di truyền nào không biết đến năm bọn em thế nào,anh cũng không có thời gian soạn đề cương nên ra hàng photo mua mấy tập đề cương in của Y1 sửa theo sách giáo khoa và chuyên đề nhà trường cho rồi học theo,đại khái anh nhớ có 1 số phần chính: sinh học tế bào, đột biến, a.nucleic… Muốn đoán cấu trúc đề thi em hỏi mấy anh chị thi đợt ngoại nhi đợt sau bọn anh bốc phải sinh học đấy, anh không thi nên không nắm rõ

– Chuyên ngành(môn 4,5): ”cần dành nhiều thời gian,giết nhầm hơn bỏ xót, vấn đề là phải qua sàn”.

Nhìn chung cái này anh thấy cũng khó nói vì nội, ngoại, RHM, YHCT…mỗi cái 1 kiểu nó tốn nhiều thời gian của anh để đọc sách xem tài liệu y trên và sửa đề cương…thi cử qua sàn hay không cũng là ở cái này vì nhiều lý do: lượng kiến thức quá nhiều, đòi hỏi điểm cao hơn, khi thi thì thời điểm thi vào lúc cuối khi các em đã mệt mỏi…. Anh thi phía ngoại nên chỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm học môn ngoại và sản của anh để các em tham khảo:

+ Ngoại: anh chỉ xin tài liệu các anh chị y trên soạn đi soạn lại, sửa đi sửa lại sao cho ngắn nhất mà vẫn đủ ý rất tốn thời gian (sẽ đỡ tốn time hơn cho các em nếu các em kiếm được 1 bộ tài liệu tốt) cái này anh chỉ trâu bò húc mả thôi chả có kinh nghiệm gì. Khi đề cương anh cảm thấy ưng ý anh mới bắt đầu học thuộc. Đề thi theo anh nghĩ sẽ có 6 phần: 1 câu tiêu hóa cấp cứu, 1 câu tiêu hóa ung thư, 1 câu xương, 1 câu thận, 1 câu lồng ngực, 1 câu sọ não hoặc nhi và khi soạn em nên xem các anh chị y trên soạn những cái gì để theo và tham khảo đề thi các năm trước đó thế thôi. Nhìn chung các thầy ngoại cho đề rõ ràng và vấn đề các em phải đọc kỹ đề để trả lời đúng không xót ý là được.

+ Sản: cái này làm anh đau đầu lắm, sách thì rất nhiều hết sản Hà Lan, sản xanh, sản đỏ,sản sau đại học, handout của người này về cùng 1 bài lại khác người kia thậm chí mâu thuẫn rồi thừa thiếu lung tung,cái này các em xin được tài liệu tốt thì đỡ vất vả hơn, đề thi thì các thầy cho rất rộng và chả biết đường nào mà lần đâu, ví dụ có những câu hỏi rộng bắt trình bày cả chẩn đoán, xử trí, tiên lượng, dự phòng,…riêng chẩn đoán các em đã phải trình bày cả chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán nguyên nhân, chẩn đoán giai đoạn (nếu là ung thư)… nếu để viết hết và kỹ các em dễ sa đà không có thời gian vì vậy anh nghĩ chỉ cần các em làm ngắn nhưng đủ ý là ổn rồi –> Khi soạn đề cương các em soạn ngắn nhưng phải rộng tránh bỏ xót. Đề thi năm của anh có câu Viêm ruột thừa và thai nghén thậm chí còn không có trong chuyên đề nên anh không dám tiên lượng gì cả.

5. Chiến thuật ôn thi

Mỗi người có 1 cách học riêng,hoàn cảnh riêng không ai giống ai nhưng anh khuyên:

+ Học NT là 1 chặng đường dài học các môn khối lượng lớn cần học thuộc nhiều đầu óc phải tỉnh táo và đủ glucose não (đừng để học lúc đói), học không nên quá khuya, ăn-ngủ-nghỉ đủ, cố gắng tập thể dục duy trì sức khỏe, chọn nơi nào yên tĩnh mà học tập trung, học ít nhưng chất lượng còn hơn ngồi cả ngày ở giảng đường mà vật vờ học mãi không vào; tránh những thứ làm mình phân tâm hay áp lực không cần thiết càng nhiều càng tốt việc gì nhờ được ai thì cứ nhờ, cái gì không biết cứ hỏi các anh chị giúp mình, xông xáo và chủ động lên. Phải tự tin vào bản thân,cố gắng từng giờ từng phút tận dụng tối đa vào thời gian để học, tâm lý vững không nên dao động trước các tin đồn thất thiệt các em nhé.

+ Làm việc nhóm cùng các bạn (nên là những bạn thi khác chuyên ngành với mình và cùng nguồn tài liệu sẽ hiệu quả hơn), cái này rất nhiều lợi ích nếu các em biết phát huy. Việc làm việc nhóm và sermina sẽ giúp các em nhớ bài lâu hơn, biết mình còn thiếu và yếu ở điểm gì mà bổ sung…. Ví dụ ban ngày các em cùng thảo luận sẽ học thuộc 1 vấn đề gì đó, tối khi không thể học được nữa đã bão hòa, giảng đường đóng cửa các em họp nhau lại sermina những gì mình đã học trong ngày vừa được lượt 2 vừa nhớ lâu (cách này hiệu quả với những bạn ở ktx hay ở gần trường như anh). Việc thảo luận mấy môn cơ sở thì dễ vì tài liệu khá giống nhau nhưng chuyên ngành cần phải có sự thống nhất cao và tốt nhất là học cùng nguồn tài liệu.

+ Làm đề cương: Vấn đề này có nhiều quan điểm khác nhau tùy thói quen từng người, có người soạn, có người không soạn mà dựa vào tài liệu có được để học luôn.

Riêng anh thấy nếu có thời gian các em nên làm đề cương sẽ giúp những lần sau học nhanh hơn,dễ ôn lại hơn nhưng nhược điểm là soạn sẽ lâu, mất nhiều thời gian có khi viết đi viết lại 1 chuyên đề mà mãi vẫn chưa hài lòng. Lúc đầu các em có thể viết dài 1 chút, thừa 1 chút nhưng không nên quá dài dòng lan man cái gì cũng muốn cho vào đề cương càng học các lượt sau sẵn cái bút xóa mà sửa lại tiếp tục rút ngắn; Các ý cần rõ ràng theo mạch tư duy của mình đừng dập khuôn có thể phá cách biến thành cái của mình sẽ dễ nhớ hơn; những vấn đề gần giống nhau dễ nhầm các em nên trình bày dạng bảng so sánh; viết sao cho ít chữ nhất mà vẫn toát lên ý chính kể cả viết tắt nếu cần sẽ giúp đề cương ngắn gọn hơn học đỡ nản (đề cương mà dài quá thà học thuộc luôn sách còn hơn các em ạ)…
Nếu xin được tập đề cương in các em có thể sửa thẳng trên đề cương đó thành đề cương của mình (3/4 môn cơ sở anh học kiểu này trừ hóa sinh tự soạn vì không kiếm đâu ra). Cách này anh thấy được áp dụng phổ biến vì vừa đỡ viết lách nhiều tốn time, vừa có tài liệu theo ý mình; điều kiện: các em cần xin được đề cương khá ổn thì đỡ phải sửa nhiều không thì thà viết lại còn hơn.
Làm đề cương trên máy tính: 1 cách hay hiện đại cũng được nhiều người áp dụng, lợi thế là khi xin được các bộ tài liệu trên máy các em chỉ việc đọc copy-paste sửa thành tài liệu của mình, không phải viết lách nhiều, thu ngắn dễ dàng, in ra để học sạch sẽ ngắn gọn, 1 vài chuyên đề anh làm theo cách này. Tuy nhiên anh thấy không thích hợp với mấy bạn cứ bật máy lên là vào mạng đọc báo hay thích chơi điện tử (anh cũng là 1 trong số đấy
Một số bạn anh biết không làm đề cương và đọc rất nhiều tài liệu khác nhau rồi học thuộc thẳng trên đó, có thể với 1 số chuyên đề tài liệu này thì học định nghĩa, tài liệu kia thì học triệu chứng-chẩn đoán, điều trị lại ở 1 tài liệu khác… đây là cách học hay, hiệu quả. Theo anh biết năm nay do không có nhiều thời gian nhiều bạn đã chọn cách này,có những bạn đỗ cao thậm chí thủ khoa,chính anh cũng thấy bất ngờ có lẽ vì mình không quen nên không dám áp dụng, các em nào thấy phù hợp thì đây cũng là 1 lựa chọn hay.
+ Học ăn nhau về cuối nhưng đó là chỉ sau 1 quá trình chuẩn bị tốt các em ạ. Anh chỉ thực sự học được nhiều từ sau khi thi thi hết môn thi cuối cùng của Y6. Hãy nhớ học đến đâu cần chắc đến đấy, có kế hoạch, mục tiêu cụ thể từng ngày, từng giai đoạn và luôn nhớ dôi ra 1 thời gian để đảm bảo giải quyết được những vấn đề sẽ phát sinh.Theo anh lúc học thuộc lượt đầu thì tập trung vào từng môn học cố học cho hết môn đấy (với các môn học thuộc thôi nhé), đến những lượt sau các em học xen kẽ chuyên ngành-cơ sở và phân bổ thời gian trong ngày hợp lý tùy khả năng từng người. Ví dụ giai đoạn anh tập trung cơ sở lượt đầu thì 1 ngày anh học 2 buổi cơ sở 1 buổi ôn chuyên ngành còn thời gian thì học toán, tiếng anh tối đi sermina cơ sở với các bạn để nắm chắc cơ sở; đến giai đoạn sắp thi cần nắm chắc chuyên ngành thì anh học 2 buổi chuyên ngành 1 buổi ôn cơ sở, dành những lúc mệt mỏi chán học nhất (buổi tối chả hạn) đi sermina chuyên ngành với các bạn vừa vui vừa hiệu quả.

+ Lượt 1 cần học cẩn thận thường rất lâu có thể đến 2 tháng thậm chí vừa xong lượt 1 sang học lượt 2 lại như mới và còn ức chế hơn (những lúc như thế các anh chị thường gọi vui là bị đơ vì học rất nhiều mà sao vẫn chả nhớ gì) các em cần nghĩ đấy là bình thường quan trọng là phải bình tĩnh kiên nhẫn học lại có thể là từ đầu nhưng sẽ nhanh hơn vì các em đã có khái niệm rồi, càng những lượt sau thì càng nhanh, đến đoạn cuối mỗi môn các em học thuộc ít nhất là 4-5 lượt chắc sẽ ổn và có thể đi thi được. Làm sao tính toán để điểm rơi vào đúng kỳ thi là các em thành công. Rồi sẽ có lúc các em đọc hết 1 môn cơ sở trong 1-2 tiếng, 1 môn chuyên ngành trong 5-6 h mà lúc đó chính là lúc trước thi khi khi đó đi thi là các em có thể tự tin vào phòng thi rồi.

+ Học tủ: dành cho những người không có nhiều thời gian, anh đã thấy những bạn áp dụng và thành công vang dội, anh thì không dám thử, cần khá nhiều may mắn ở đây, nhưng tủ cũng phải biết cách, môn nào tủ được môn nào không. Hãy nhớ mỗi môn thi ngân hàng sẽ có 90 câu chia 6 phần mỗi phần sẽ chọn 1 câu chưa kể các thầy có thể thay đổi qua các năm.

Dựa vào đó tùy lượng kiến thức mình có, thời gian còn lại và mục tiêu điểm môn thi có thể 1 số cách: tủ cơ sở: mỗi môn cơ sở tủ vài phần chính dễ học đủ để qua sàn chả hạn,tủ chuyên ngành không khuyến khích vì chỉ bỏ 1 vài câu thôi sẽ khiến các em hối hận cả đời.Lời khuyên chân thành: đã quyết tâm thi thì các em nên học hết, giết nhầm hơn bỏ xót,học tủ chỉ khi bần cùng bất đắc dĩ dòng đời xô đẩy mà thôi.

6. Làm bài thi

– Phải có sự chuẩn bị tốt: luôn có đồng hồ trước mặt căn thời gian làm bài, thi toán mang 2 máy tính phòng hết pin, thi cơ sở sẵn sàng bút chì-tẩy-thước kẻ đề phòng bốc vào giải phẫu… Ngày trước thi các em cố gắng ngủ đủ giờ không ít thì nhiều nếu cần có thể dung thuốc ngủ,trong mấy ngày thi anh uống hết 1 vỉ rotunda đấy :”>

– Lúc làm bài:

+ Đọc kỹ đề trước đã để hình dung mình sẽ viết cái gì, cái gì dài ngắn, cái gì nuốt được-cái gì không mà phân bổ hợp lý.

+ Viết cái gì trước thì tùy người,nói chung là câu nào thuộc nhất ăn điểm chắc nhất nên làm trước, làm đến đâu chắc đến đấy đặc biệt mấy môn chuyên ngành các em không có thời gian nhìn lại đâu.

+ Mấy môn đầu (toán, cơ sở, ngoại ngữ) không hết thời gian các em cũng có thể hoàn thành bài thi của mình, 1 số ngành cạnh tranh không cao nếu cảm thấy làm ổn trên điểm sàn các em có thể nộp bài sớm về đọc lại những môn thi sau cho chắc; với ngành cạnh tranh cao thì không khuyến khích nộp bài sớm và chỉ có thể áp dụng cho ngoại ngữ.

+ Đến môn chuyên ngành phải căn giờ làm bài mỗi câu làm bài tùy vào dài hay ngắn mà không cho phép thời gian quá 30-40 phút (thi trong 3h 6 câu mà),mỗi câu nên viết trên 1 tờ vê đúp, cứ xin giấy trước viết dần tránh để thời gian chết cho việc xin giấy, không nên nộp bài sớm vì 1 phút các em nhớ ra 1 ý hay sửa lại những ý sai là đã có thể khác nhiều rồi. Hãy nhớ khi thi chuyên ngành câu nào cũng phải làm không viết nhiều thì cũng phải gọi là có ý thì mới mong qua sàn được vì nếu mỗi câu lại cưa của bọn em ít điểm thì dễ tạch lắm.

7. Lúc chờ và có kết quả

Anh nghĩ sau khi nộp bài chắc các em cũng tự tiên lượng được kết quả nên sẽ có hướng đi thích hợp, các em cần nghỉ ngơi và chuẩn bị tâm lý đón nhận mọi khả năng có thể xảy ra.Thường thì tầm 1 tháng sau ngày thi các thầy sẽ công bố điểm thi và sau đó 1 thời gian sẽ lập hội đồng xét tuyển.

Khi có kết quả: sẽ chả có vấn đề gì nếu điểm thi của các em qua sàn và nằm trong diện chỉ tiêu các bạn khác cách xa điểm mình hoặc có phúc tra lên thì cũng khó có thể lên bằng điểm mình. Nhưng sẽ có nhiều vấn đề nếu các em thuộc diện còn lại, cái này rất thay đổi riêng anh thấy năm của anh cứ qua sàn là các bạn đều có rất nhiều lựa chọn (có lẽ sau này cũng thế khi hệ NT các bệnh viện được nhân rộng). Vì thế theo anh các em ôn thi quyết tâm là 1 chuyện nhưng đừng quá áp lực,hãy cứ theo đuổi ngành mình thích mà có khi chỉ cần xác định học qua sàn thôi không đỗ nguyện vọng 1 cũng đỗ nguyện vọng 2 nhiều khi lại đạt kết quả ngoài mong đợi như anh vậy .

Trên đây là những kinh nghiệm của anh, kinh nghiệm của mỗi người lại khác nhau các em cần tham khảo của nhiều anh chị khác nữa cùng với quá trình học tập dần dần tự đúc kết ra thành kinh nghiệm của mình.

Danh mục: Tin tức

Luyện thi nội trú
Khóa học mới
Messenger
Chat ngay
Chat hỗ trợ
Chat ngay